- Ý tưởng triển lãm bản thảo xuất phát từ đâu và được thực hiện như thế nào?
- Lê Thiết Cương: Tôi có một bộ sưu tập gồm 14 bức tranh sơn dầu trên vải, lấy cảm hứng từ bản thảo viết tay của các nhà văn. Năm ngoái, nhà văn Nguyễn Việt Hà nhờ tôi design cho cuốn Khải huyền muộn của anh. Tôi đọc bản thảo và nhận thấy, nó như một thứ siêu văn bản, gồm nhiều văn bản chồng chéo lên nhau. Từ cảm nhận đó, bìa cuốn tiểu thuyết đã được tôi thiết kế như một trang bản thảo còn dang dở. Đó cũng là tác phẩm đầu tiên trong series tranh này. Khi mở triển lãm, tôi nghĩ, nếu chỉ có tranh không thì rất phí. Vì thế tôi quyết định trưng bày tranh cùng một số bản thảo các tác phẩm như Của rơi, Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn (Nguyễn Việt Hà), Tuổi 20 yêu dấu (Nguyễn Huy Thiệp) và một số bức ảnh ở dạng âm bản của anh Trần Huy Hoan.
Những bức tranh của tôi lấy cảm hứng từ bản thảo của các nhà văn, nên khi đặt các tác phẩm hội họa cạnh những bản thảo văn học, người xem sẽ nhận ra mối liên hệ ngầm giữa chúng. Bên cạnh đó, tôi cũng photo một số trang sách từ tác phẩm đã hoàn thiện của nhà văn đối chiếu với chính những trang đó khi còn ở dạng bản thảo với rất nhiều những con chữ tẩy xóa, sửa chữa… để phần nào giúp độc giả hình dung về quá trình sáng tạo nghệ thuật của nhà văn.
![]() |
Một tác phẩm của Lê Thiết Cương trưng bày tại triển lãm. |
- Đây là triển lãm bản thảo tác phẩm văn học lần đầu tiên tại Việt Nam. Vậy khi nhận lời mời của anh Lê Thiết Cương, các nhà văn đã nghĩ gì?
- Nguyễn Huy Thiệp: Thực ra, đây là cuộc hội ngộ của những người bạn cùng chơi với nhau và có quen biết sẵn. Lê Thiết Cương là một họa sĩ rất thích sưu tầm những thứ đồ cổ, tranh ảnh quý, bản thảo… Tôi nhận lời vì thấy đây là một triển lãm rất thú vị, và cũng cảm thấy tự hào vì “bản nháp” tác phẩm của mình được người ta quý trọng.
- Nguyễn Việt Hà: Triển lãm này là do Lê Thiết Cương “đầu têu”, tôi là người vừa được mời, vừa bị rủ. Năm nay tôi xuất bản Khải huyền muộn, tái bản Cơ hội của Chúa và Của rơi, cả ba tác phẩm này đều do Lê Thiết Cương vẽ bìa và quyết định hình thức trình bày. Trong đó, tôi đặc biệt thích thú design của Cương ở trang bìa cuốn Khải huyền muộn, nó thể hiện đúng tinh thần tác phẩm của tôi. Bản thảo cuốn sách cũng đã góp phần tạo cảm hứng cho những bức tranh của anh, thể hiện một nét mới trong những tác phẩm của Lê Thiết Cương. Vì vậy tôi nhận lời tham gia triển lãm.
- 14 bức tranh về bản thảo này khiến người ta nghĩ rằng Lê Thiết Cương đã thay đổi về phong cách. Anh nói sao?
- Lê Thiết Cương: Tôi quan niệm phong cách là không thay đổi, chỉ có các nhánh rẽ, những nét sáng tạo mới nảy sinh từ một phong cách thống nhất ấy thôi. Ví như triển lãm Hạt gạo năm ngoái và Bản thảo năm nay của tôi là những cuộc tìm kiếm, thử nghiệm mới. Các tác phẩm của tôi đều được vẽ theo quan niệm về chủ nghĩa tối thiểu. Nói như nhà văn Nguyễn Bình Phương, thì tranh của Lê Thiết Cương “không thêm được gì vào mà cũng không bớt được gì nữa”. Tối thiểu có nghĩa là dùng ít nhất mà nói được nhiều nhất.
- Quan niệm của các anh về giá trị bản thảo các tác phẩm văn học?

Đến nay, nhiều bản thảo của tôi đã lưu lạc khắp nơi, nằm rải rác trong những bộ sưu tập cá nhân. Ví như, ông Phạm Văn Bổng là người lưu giữ bản thảo khoảng 20 truyện ngắn của tôi từ 1986 đến 2000. Mấy năm trước, có một nhà báo Nhật liên hệ ông Bổng hỏi mua bản thảo cuốn Tướng về hưu với giá 1.500 USD.
Trong triển lãm này tôi cũng trưng bày một số cuốn đã xuất bản ở nước ngoài nhưng chưa in tại Việt Nam. Trước đây, khi viết xong một tác phẩm.tôi thường thui thủi cất nó đi, nhưng giờ thấy bản thảo của mình được sưu tầm và quý trọng, tôi cũng rất tự hào.
- Lê Thiết Cương: Tiếp xúc với nhiều bản thảo, tôi nhận ra được cá tính và những điểm riêng biệt trong con người mỗi nhà văn. Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Việt Hà đều là những nhà văn không biết dùng máy tính, chỉ viết tay. Nguyễn Huy Thiệp thường viết trên giấy đẹp, trắng, không có dòng kẻ, bản thảo thường sạch sẽ, khi sai một chữ nào đó, ông thường dùng bút xóa đè lên. Trong khi đó, các trang viết của Nguyễn Việt Hà luộm thuộm, xuề xòa và xộc xệch hơn. Nếu như Nguyễn Huy Thiệp có thể viết bằng thứ bút gì cũng được thì Hà chỉ thích viết bằng bút Parker.

Như anh Cương đã nói, tôi thích viết bằng bút Parker vì vậy món quà mà tôi thường nhận được từ bạn bè là bút Parker và rượu Whisky. Anh Nguyễn Huy Thiệp quen viết trên giấy không có dòng kẻ nhưng giấy của tôi cứ phải có hàng, có lối rõ ràng. Trước đây có loại giấy 5 hào 2 mà tôi rất thích. Bây giờ có những loại giấy tốt hơn nhưng tôi vẫn thích được viết trên thứ giấy 5 hào 2 ấy.
Nói chung, tôi không có ý thức giữ gìn bản thảo, thậm chí khi viết ra một điều gì đó không ưng ý, tôi thường đốt đi. Nhưng khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp biết điều đó, anh đã khuyên tôi nên cất giữ bản thảo cẩn thận, dù đó là những trang viết mình chưa hài lòng. Bây giờ viết xong một tác phẩm nào đó, tôi thường nhờ bạn bè cất giữ hộ.
- Theo các anh, đâu là những điểm tương đồng giữa một bản thảo văn học và một “bản thảo” hội họa, nhiếp ảnh?
- Nguyễn Huy Thiệp: Theo tôi, có thể ví một cách trần trụi như thế này. Bản thảo của hình thức nghệ thuật nào cũng vậy, như là một con người chưa mặc quần áo: nó thật thà, ngượng ngùng với tất cả những ưu, khuyết điểm cá nhân được phô bày một cách tự nhiên. Nó khác với một tác phẩm hoàn thiện - giống như một con người đã bước ra cuộc đời với trang phục chỉnh tề, được trang điểm và trau chuốt cẩn thận…
- Nguyễn Việt Hà: Tôi chưa bao giờ xem anh Cương vẽ cũng như chưa bao giờ xem Nguyễn Huy Thiệp viết văn nên tôi không rõ lắm về điều này. Nhưng tất cả những thao tác lao động của các nghệ sĩ ở mọi loại hình nghệ thuật đều khiến độc giả, khán giả tò mò, muốn tìm hiểu.
- Lê Thiết Cương: Điểm tương đồng, theo tôi, nằm ở tính đơn bản, độc bản. Một tác phẩm văn học khi đã in ra sách có thể được tái bản thành hàng nghìn, hàng triệu cuốn, nhưng bản thảo của nó thì chỉ có một bản độc nhất. Tác phẩm hội họa cũng vậy, nó chỉ có duy nhất một bản. Một tác phẩm nhiếp ảnh tất nhiên có thể rửa, phóng thành nhiều bản với những kích cỡ khác nhau, nhưng ở triển lãm này, tôi đã đề nghị anh Trần Huy Hoan mang đến những bức ảnh ở dạng âm bản. Do vậy, một trong những điểm chung của triển lãm lần này chính là tính độc bản của những sự vật được trưng bày.
- Ở nước ngoài, các cuộc triển lãm, đấu giá về bản thảo tác phẩm văn học diễn ra thường xuyên. Còn ở Việt Nam, hoạt động này còn rất hiếm hoi. Các nhà văn giải thích điều này như thế nào?
- Nguyễn Huy Thiệp: Điều chúng ta thiếu là vấn đề tổ chức. Vai trò của những người đứng ra tổ chức như Gallery 39A Lý Quốc Sư là rất quan trọng. Văn học Việt Nam có những bậc đại thụ đáng được tôn vinh bằng các hoạt động như thế này như Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nam Cao… nhưng chúng ta vẫn chưa làm được. Vì vậy, là một trong những người đầu tiên có triển lãm về bản thảo, bên cạnh niềm vui, tôi cũng có phần ngượng ngùng.
- Nguyễn Việt Hà: Điều này có thể lý giải bằng hai yếu tố: Thứ nhất, ở nước ngoài, những người có bản thảo được mang ra đấu giá thường là những nhà văn rất lớn. Có thể, nhà văn Việt Nam chưa đạt được tầm đó. Thứ hai, thường thì người ta triển lãm và đấu giá bản thảo của những người đã mất. Vì lý do này mà khi nhận lời, tôi cũng thấy hơi run run.
(Theo VnExpress)