* Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Tri kỷ (Soulmate) là phiên bản làm lại của Thất Nguyệt và An Sinh, tác phẩm điện ảnh Trung Quốc được giới chuyên môn và khán giả đón nhận năm 2016. Câu chuyện mở đầu với cuộc sống của Mi So ở hiện tại. Tuổi ngoài 30, cô làm công việc văn phòng, là mẹ đơn thân của một bé gái học tiểu học. Một ngày, phòng triển lãm nghệ thuật mời Mi So tới nhận bức tranh chân dung cô được tạo nên bởi họa sĩ bí ẩn có tên Ha Eun. Mặc dù Mi So nói chỉ quen biết sơ với Ha Eun, câu chuyện đưa khán giả ngược dòng thời gian để chứng kiến tình bạn vượt trên cả tình thân giữa họ, với đủ dư vị ngọt - đắng từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành.
![Bộ phim khắc họa tình tri kỷ của So Mi (phải) và Ha Eun qua từng dấu mốc cuộc đời. Ảnh: Hancinema](https://vcdn1-ngoisao.vnecdn.net/2023/03/31/soulmate-4-1447-1680255399.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-VYslItjSPH8HYpSufHJrg)
Bộ phim khắc họa tình tri kỷ của Mi So (phải) và Ha Eun qua từng dấu mốc cuộc đời. Ảnh: Hancinema
Thông qua các bài viết trên trang blog cá nhân của Ha Eun, từng dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hai nhân vật chính được lật mở, hé lộ hành trình trưởng thành nhiều khắc nghiệt của cả hai. Đúng như lời giới thiệu trong trailer phim, Mi So và Ha Eun gần nhau vì khác biệt và xa nhau cũng vì không nhiều điểm chung. Ngày còn đi học, sự đối lập tính cách thu hút hai đứa trẻ, đưa chúng trở thành bạn thân, hồn nhiên dầm mưa, tắm chung, ngủ cùng và sống như chị em ruột thịt một nhà.
Một đứa thân cô thế cô, tí tuổi đầu đã quen bươn chải tự sinh tự diệt. Một đứa không lớn lên trong nhung lụa nhưng đủ đầy hơi ấm mẹ cha. Dù khác biệt hoàn toàn về xuất thân và hoàn cảnh sống, Mi So và Ha Eun gặp nhau ở điểm chung - đều không được lựa chọn hướng đi đời mình. Mi So làm đủ nghề kiếm sống và giữ mình tồn tại bằng những mộng tưởng viển vông. Ha Eun ép bản thân vào khuôn khổ con gái ngoan của bố mẹ, làm việc bố muốn, ở lại quê nhà để gần mẹ cha, thay vì bận tâm mình muốn và cần gì.
Sau những năm tháng như hình với bóng tuổi học trò, hai cô gái đối mặt quãng đời xa mặt cách lòng, khi bước đến tuổi lăn lộn trường đời. Nỗi niềm áy náy khi phải lòng cùng một chàng trai chỉ là lý do bề ngoài, giọt nước tràn ly dẫn đến xung đột bùng nổ. Sâu xa trong bản chất, thứ chia cách Mi So và Ha Eun là nỗi mặc cảm thân phận, tư tưởng vừa ngưỡng mộ vừa đố kỵ dành cho người còn lại. Trong khi Mi So thiếu thốn tình thương Ha Eun luôn được hưởng, Ha Eun lại thèm khát nhịp sống tự do, hoang dại Mi So trải nghiệm mỗi ngày.
Năm tháng trưởng thành, hai nữ chính bên nhau thì ít, xa nhau thì nhiều. Nhưng những dòng thư qua lại, những nghĩ suy họ hướng về nhau đủ khắc họa sự gắn kết bền chặt giữa hai tâm hồn tri âm tri kỷ. Lựa chọn "rời đi" của Ha Eun và "ở lại" của Mi So sau này càng tô đậm tình thương vẫn trong trẻo, sự hy sinh vẫn sâu nặng giữa đôi bạn như ngày thơ bé. Dẫu xa xôi cách trở, Mi So và Ha Eun không lúc nào thôi nghĩ cho nhau và sống vì nhau.
Qua bao biến cố tuổi đôi mươi, Ha Eun và Mi So dường như hoán đổi cá tính, thân phận và vị trí. Từ cô gái sống tùy hứng, Mi So dần có được vẻ đằm tính, thấu đáo của Ha Eun. Ngược lại, Ha Eun cũng có lúc bước ra khỏi vỏ bọc an toàn để thử nghiệm đời sống phiêu bạt Mi So từng trải. Hệt như ngày còn bé, hai người bạn vẫn luôn truyền cảm hứng sống và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời của nhau.
![Phim giữ màu trong trẻo dù câu chuyện đi qua nhiều biến cố. Ảnh: Hancinema](https://vcdn1-ngoisao.vnecdn.net/2023/03/31/soulmate-3-2912-1680255399.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=B7_N4T7Pv0QSfRUK49X3Pg)
Phim giữ màu trong trẻo dù câu chuyện đi qua nhiều biến cố. Ảnh: Hancinema
So với bản phim Trung Quốc, Tri kỷ cắt giảm nhiều chi tiết liên quan đến những người đàn ông xung quanh hai nhân vật chính, cũng như gia đình họ. Điều này giúp phim làm dày chất nữ tính, gần như gói gọn câu chuyện trong thế giới riêng tư của Mi So và Ha Eun. Tuy nhiên, nó cũng khiến phim mất đi không ít khoảnh khắc xúc động từng có ở bản gốc, như cảnh tượng mẹ Ha Eun chăm sóc hai đứa lúc nhỏ hay mâu thuẫn giữa mẹ con Mi So. Thiếu vắng tác động của những người đàn ông đi ngang đời Mi So và Ha Eun cũng giảm đi phần nào tính khốc liệt trong tuổi trẻ của họ.
Đáng tiếc nhất là nhân vật con gái Mi So không được xây dựng tỉ mỉ. Bản gốc có một cảnh rất hay nhưng nay không còn. Đó là khi bé gái tỉnh dậy giữa đêm, dọn dẹp đống giấy tờ lộn xộn trong khi Mi So ngủ gục. Chi tiết gợi chút tiếng cười bởi chân dung người mẹ còn nhiều vụng về, nhưng cũng gây xúc động bởi hình ảnh đứa con hiểu chuyện trước tuổi.
Xử sự của Ha Eun với chuyện cưới hỏi cũng tạo nên hiệu quả khác biệt giữa hai bản phim. Cách làm ở Tri kỷ cho thấy nhân vật đã thay tâm đổi tính, trở nên chủ động với đời mình. Còn hướng xử lý trong Thất Nguyệt và An Sinh lại tôn vinh cách sống vì người khác của nhân vật.
Điểm trừ lớn nhất là đoạn phim mô tả cuộc tái ngộ cuối cùng và ảo vọng về tương lai của hai nhân vật. Phim gốc kể phần truyện này bằng những lát cắt ngắn xen kẽ giữa nhịp điệu chuyển cảnh nhanh gọn, đẩy phim lên cao trào dẫn tới vỡ òa cảm xúc. Còn ở bản làm lại của điện ảnh Hàn, phần truyện được diễn giải theo trình tự thời gian cùng loạt hình ảnh nặng tính minh họa cho lời thoại, làm sự xúc động giảm đi ít nhiều.
Bù lại, chi tiết Mi So kế thừa Ha Eun hoàn thành những bức tranh dang dở thay vì Mi So dùng danh phận Ha Eun viết tiểu thuyết bán tự truyện về tình bạn hai người (như trong phim gốc) đưa đẩy cảm xúc tốt hơn. Bởi so với việc kể lại cuộc đời của hai cô gái gần như đúng sự thật, việc cầm chì họa tranh lột tả tốt hơn sự giao hòa ăn ý trong tâm hồn hai nữ chính. Tình trường phong phú đến đâu, Mi So thương nhất vẫn là Ha Eun. Và dù sống giữa tình thương cha mẹ, bạn trai, Ha Eun vẫn tìm thấy nhiều sự sẻ chia, an toàn hơn cả khi bên cạnh Mi So.
![Kim Da Mi tạo nên vai diễn Mi So hoang dại, bất cần nhưng tình cảm. Ảnh: Hancinema](https://vcdn1-ngoisao.vnecdn.net/2023/03/31/soulmate-6-3478-1680255399.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tcTITRZCoFwCUkYMR4-sEw)
Kim Da Mi tạo nên vai diễn Mi So hoang dại, bất cần nhưng tình cảm. Ảnh: Hancinema
Jeon So Nee mang vẻ hiền hòa vừa vặn nhân vật Ha Eun, nhưng thiếu chất nổi loạn ngầm, vẻ "ướt át" đàn bà Mã Tư Thuần từng thổi hồn cho cùng nhân vật ở bản Thất Nguyệt và An Sinh. Nữ diễn viên Hàn Quốc mới cho thấy diện mạo nhu mì của nhân vật, chưa đủ sức khắc họa phần gai góc sâu thẳm trong Ha Eun.
Hóa thân Mi So nổi loạn, Kim Da Mi (nổi tiếng qua phim Itaewon Class) cuốn hút trong từng khung hình với cặp mắt một mí giàu xúc cảm và lối diễn giàu năng lượng. Màn diễn xuất của cô có điểm tương đồng, cũng có chất riêng khi đặt cạnh Châu Đông Vũ - người đóng cùng vai trong phim gốc.
Từ góc độ một phim điện ảnh, Tri kỷ dẫn dắt người xem đi qua nhiều dư vị xúc cảm, từ êm ả, dễ chịu đến xót xa, đau buồn. Từ góc độ một phim làm lại, đây là một bản remake khá trọn vẹn, tôn trọng mạch truyện gốc nhưng cài cắm hiệu quả chất liệu văn hóa địa phương xứ Hàn. Phim giữ tone màu trong trẻo, đối lập không khí u ám ở phim gốc; nhưng gây tiếc nuối bởi những chi tiết chưa thật khéo.
Trailer phim 'Tri kỷ'
Phong Kiều