Buổi sáng mùa đông, đã 23 tháng chạp, chỉ còn vài ngày nữa là Tết Nguyên đán. Bên ngoài xã hội, mọi người đều tấp nập chuẩn bị cho cái tết cổ truyền. Nhưng ở một nơi, cuộc sống vẫn lặng lẽ, không hối hả, chỉ có những tiếng cười đùa, khóc lóc của trẻ nhỏ, nghe bình yên.
Con là công chúa nhỏ. |
Chiếc tivi 21 inch với đầu video bật to các bài hát của trẻ. Tiếng ca sĩ nhí Xuân Mai véo von hát hết bài này đến bài khác. Bên ngoài sân, những chiếc xích đu, con ngựa gỗ... dành cho trẻ không may mắn được các mẹ, các bác, cô chú sắp xếp khéo léo. Cán bộ của trung tâm mong muốn những bệnh nhân nhí có được cảm giác thân thương như đang sống với gia đình mình.
Theo chị Nguyễn Thị Thanh, cán bộ y tế tại trung tâm, hiện nay "vườn trẻ" có hơn 30 cháu được "nhặt" về từ khắp nơi như: bệnh viện Nhi Trung ương, chùa Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội), bệnh viện Phụ Sản Trung ương... hoặc bị gia đình bỏ rơi (16 cháu). Trong số 32 cháu được trung tâm nhận về nuôi dưỡng, chăm sóc, có tới 26 trẻ bị nhiễm HIV (6 trẻ có kết quả âm tính). Các cháu mới đầu nhận vào đây từ vài tuần tuổi đến 3 tuổi.
Chị Thanh cho biết: "Các trẻ khi sinh ra phát hiện nhiễm virut HIV, thường gia đình họ bỏ ngay tại bệnh viện". Chính vì thế, nhiều cháu không có tên họ, các cán bộ trung tâm đặt cho chúng những cái tên để gọi. Nhưng cũng có trường hợp các cháu bị gia đình đem đến cổng trung tâm "gửi lại" và "đề bút" tên tuổi, quê quán cùng với những lời gửi gắm về hoàn cảnh của cháu nhỏ.
Nụ cười trẻ thơ. |
Trường hợp cháu Lê Anh Duy cũng khá đặc biệt mà chị Thanh luôn nhớ. Cách đây gần 5 năm, vào buổi sáng mùa đông. Bảo vệ trung tâm đang còn ngái ngủ thì nghe thấy tiếng khóc của trẻ nhỏ. Và bé Duy được trung tâm nhận vào nuôi từ hôm đó. Trong đống tã lót của cháu, giấy tờ "tùy thân" được gia đình họ nhét vào. Những người này viết rằng, bố mẹ cháu bị AIDS đều đã chết và cháu Duy, quê ở Tuyên Quang bị nhiễm HIV từ mẹ truyền sang, mong muốn sự cưu mang của trung tâm bởi hoàn cảnh khó khăn, không tự chữa trị được.
Các nhân viên y tế ở trung tâm vẫn nhớ những ngày đầu "vật lộn" với căn bệnh quái ác mà vô tình cháu mắc phải. Thời gian ấy, cơ sở vật chất thiếu thốn, thuốc thang không đủ để chữa trị. Cán bộ đã phải đưa cháu lên Bệnh viện Nhi Trung ương chăm sóc hơn một tháng. Bệnh tình thuyên giảm, cháu Duy bớt đau đớn, các bác, các mẹ lại đón về trung tâm.
Qua các tổ chức trong nước và quốc tế, đến nay trung tâm nhận được một số thuốc điều trị ARV của quỹ Bill Clinton. Điều đó cũng có nghĩa, cuộc sống của 26 trẻ được mạnh khỏe và cơ hội sống kéo dài.
Bây giờ Duy đã 5 tuổi. Trong thời gian được nuôi dưỡng tại trung tâm, ông bà cháu cũng thỉnh thoảng đến thăm và cho ít quà bánh. Song những lần thăm nom đó thưa dần và dường như không qua lại trung tâm nữa. Hàng ngày, cháu vẫn chơi đùa cùng những bạn nhỏ khác như mình. Khi được mẹ nuôi gọi chụp ảnh, Duy nhanh nhảu ngồi vào chiếc xích đu và cười hồn nhiên.
Việc bỏ rơi các cháu rồi quay trở lại thăm nom thường rất ít. Trong số 16 trẻ mà trung tâm nhặt ở cổng bảo vệ, có vài cháu là người thân đến thăm. Theo chị Thanh, tâm lý chung của những người lỡ vứt con cháu mình là bởi họ sợ ảnh hưởng đến gia đình, không đủ điều kiện chăm sóc, và sợ lây bệnh (vì không biết biện pháp phòng, tránh).
Cô Thủy đang giảng bài toán cho con đấy! |
Ở trung tâm hiện có 9 cháu đến tuổi đi học (6-11 tuổi) nhưng vấn đề đưa các cháu gia nhập với cộng đồng "bình thường" là rất khó khăn. Ban giám đốc đã quyết định tự mở ra một lớp học ngay tại trung tâm dạy cho tất cả những cháu đủ tuổi cầm bút. Chị Đinh Thị Thủy, giáo viên chủ nhiệm của lớp học đặc biệt này cho biết: "Trong lớp, lúc nào tôi cũng phải xoay bên này, bên kia để uốn chữ, dạy toán, đọc chính tả... cho từng cháu".
Chị Thủy tâm sự rằng, mới đầu nhận công việc dạy học trẻ nhiễm HIV, chồng chị đã phản đối rất gay gắt. Nhưng chị đã dần thuyết phục anh ấy bằng việc tham gia học khóa đào tạo cách thức tiếp xúc với trẻ HIV. Anh chồng tin tưởng và để chị lên lớp từ đầu năm học vừa qua. Chị nói: "Mới đầu tôi cũng hơi băn khoăn một chút vì không biết biện pháp sống chung với trẻ nhiễm bệnh. Nhưng nói thật, kể cả lúc đó chưa hiểu biết, tôi nhìn đám trẻ mà không cầm lòng được. Thế rồi, một mặt "trình bày" nguyện vọng với chồng, một mặt tôi xin học lớp tập huấn do trung tâm huấn luyện".
*Phần tiếp: Đời 'mẹ nuôi' nhiễm HIV
Quang Việt