Chị Thơm cho biết khi xin phép cô giáo cho cháu tạm thời nghỉ học, các cô cũng động viên chị tiếp tục cho cháu đến lớp, các cô sẽ cố gắng giữ gìn vệ sinh cho các cháu. Tuy nhiên, cùng với chị, đã có khá nhiều gia đình cho con nghỉ ở nhà, nhằm tránh tối đa nguy cơ nhiễm bệnh. Chị Thơm nói: "Mấy gia đình quanh đây cũng làm như nhà tôi, tuy nhiên, hầu hết mọi người đều nói tránh đi là xin nghỉ vì con ốm chứ không nói là vì sợ dính bệnh tiêu chảy hay bệnh tả".
Chị Thơm cũng lo lắng nói: "Với trẻ học mẫu giáo thì còn có thể cho nghỉ học dễ dàng chứ nhiều bà mẹ con đang học cấp 1, cấp 2... học bán trú tại trường thì dù lo lắng đến mấy cũng đành chịu vì nghỉ học sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chương trình học của các con".
![]() |
Học sinh mầm non. Ảnh: Hoàng Hà |
Do thời tiết những ngày này ở Hà Nội đang khá lạnh, thời tiết thay đổi khá mạnh khiến trẻ em bị ho, sốt, viêm họng nhiều hơn. Cộng thêm với sự lây lan nhanh của dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, nhiều gia đình quyết định giữ con luôn ở nhà để trông nom và tránh dịch. Tại một số trường trường mầm non tư thục ở quận Thanh Xuân, các cô giáo khá dè dặt khi đưa ra con số nghỉ học của các cháu và chỉ nói rằng các cháu nghỉ do ốm vì thời tiết. Một cô giáo cho biết: "Chúng tôi thấy bố mẹ các cháu lo lắng quá nên nếu ai muốn cho con nghỉ chúng tôi cũng tạo điều kiện hết sức. Dù sao thì sức khỏe và tính mạng các cháu cũng là trên hết".
Cô giáo này cũng cho biết thêm rằng có nhiều bà mẹ vẫn cho con đi học nhưng đã cẩn thận nấu sẵn đồ ăn để trong hộp mang đến gửi cô giáo, nhờ cô giáo cho ăn và đề nghị cô giáo cắt suất ăn của cháu ở lớp. Có bà mẹ còn cài sẵn khăn mùi-xoa trên áo, thậm chí đút cả xà bông vào cặp của con để nhắc con rửa tay, lau mặt riêng....
![]() |
Việc ăn uống của trẻ trong thời gian này được các bậc cha mẹ đặc biệt chú ý. (Ảnh: Hoàng Hà) |
Chuyện ăn uống tập thể tại các trường học vốn đã gây nhiều băn khoăn cho các bậc cha mẹ lại càng được quan tâm nhiều hơn. Bà Hoàng Thị Thanh, Hiệu trưởng trường mầm non Việt Triều, nơi đang nuôi dạy hơn 800 em ở phường Trung Tự, Đống Đa, cho biết: "Từ thứ 5 tuần trước, tôi nhận được tin về dịch tiêu chảy này từ chính các vị phụ huynh gọi điện đến cho tôi thông báo. Ngay sau đó, tôi đã thông báo tới toàn thể giáo viên, in nhiều tờ rơi để phát cho các vị phụ huynh biết để cùng nhà trường chăm sóc các cháu cẩn thận hơn trong thời điểm này".
Bà Thanh cũng cho biết, trong một tuần qua, đã có hai đoàn thanh tra của Sở giáo dục và Viện Vệ sinh dịch tễ đến kiểm tra đột xuất các tiêu chuẩn về nguồn nước, độ sôi của nước uống và thức ăn được nấu tại trường. Kết quả đạt tiêu chuẩn cũng khiến cho nhiều phụ huynh yên tâm hơn. "Trước đây nhà trường có đặt một số thức ăn bữa phụ cho các cháu ở bên ngoài như nhưng từ thứ 5 tuần trước đã cắt hoàn toàn", bà Thanh nói.
Về việc học sinh nghỉ học, bà Hoàng Thị Thanh cũng cho biết: "Một số em nghỉ học, nhưng chỉ thấy gia đình báo là ốm vì thời tiết".
Tại trường mẫu giáo Thực nghiệm Hoa Hồng (Thái Thịnh), cô hiệu trưởng rất tự tin cho biết vấn đề vệ sinh vẫn thường xuyên được thực hiện rất tốt tại trường nên trong thời điểm này, trường thấy không cần có thêm biện pháp gì để tăng cường chống dịch.
Những thông tin dồn dập về dịch tiêu chảy đã tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của người dân Hà Nội. Sáng qua, chị Mai, nhân viên kế toán ở một công ty thuộc Tổng Công ty xây dựng Sông Đà, đã đi làm với một cặp lồng cơm nấu sẵn từ nhà để ăn buổi trưa tại cơ quan. Chị quyết định thôi không ăn uống ngoài hàng quán nữa.
Chị Mai đang có bầu bé thứ hai. Bình thường chị cũng đã rất chú ý chuyện ăn uống sao cho hợp vệ sinh để không ảnh hưởng đến thai nhi, nhưng vì đi làm xa nhà, buổi trưa chị vẫn phải ăn cơm bụi gần cơ quan. Biết là chắc chắc hàng quán không thể làm sạch như tự tay mình nấu nướng nhưng không thể làm khác nên chị đành chấp nhận, tự an ủi mình: "Thôi thì cứ khuất mắt cũng coi là sạch, "mạnh máu" thì đưa đi hết!".
Nhưng từ mấy hôm nay, khi đài báo liên tục đưa tin về dịch tiêu chảy cấp vô cùng nguy hiểm đang lan tràn nhanh chóng tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận, chị Mai rất lo lắng. Nhất là từ khi nghe thấy Thủ tướng công bố phác đồ điều trị bệnh tả, chị càng hoảng. Tất cả các món ăn dính đến mắm tôm, mắm tép bị loại đầu tiên ra khỏi thực đơn của cả nhà, thứ đến là các món sống như rau sống, gỏi sống... Tuy nhiên, hàng ngày vợ chồng chị vẫn phải ăn ít nhất một bữa bên ngoài, còn con gái lớn của chị thì từ bữa sáng đến bữa chiều muộn đều phải ăn ở trường. Không còn cách nào khác, chị đành chịu khó nấu ăn cho mình và con mang theo, dặn dò con cẩn thận từng chút một việc rửa tay bằng xà phòng, không dùng chung vật dụng với các bạn...
"Tất cả cũng chỉ giúp tôi bớt lo phần nào thôi vì có những điều tôi không thể kiểm soát được như nguồn nước, môi trường xung quanh... Chỉ mong mọi người cùng có ý thức, chứ nếu dịch lan rộng nữa thì sẽ rất đáng sợ", chị Mai tâm sự.
Chị Mai cho biết ở cơ quan chị có một vài người cũng đoạn tuyệt hẳn với thức ăn đường phố như chị, nhất là những người đang có bầu. Chuyện một bà bầu 26 tuổi sắp đến ngày sinh ở quận Đống Đa phải nhập viện vì tiêu chảy cấp do ăn bún đậu mắm tôm, rau sống đã khiến tất thảy các chị hoảng sợ. Một đồng nghiệp nữ của chị Mai đã mang đến cơ quan một ấm đun nước bằng điện để đun nước sôi trần kỹ bát đũa thìa dĩa mang theo...
Chị Mai cười cho biết: "Cơ quan tôi bình thường cấm ăn uống, đun nấu trong phòng. Nhưng trong tình hình này, các sếp cũng đành nhượng bộ".
Ngọc Hà