Bệnh nhi điều trị tại khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi TW chiều 22/2. |
Theo ông Lộc, trong một tuần qua số lượng bệnh nhi đến khám và nhập viện do thủy đậu và các bệnh liên quan đến đường hô hấp tăng vọt. Riêng ngày 22/2, tại phòng khám 106, chuyên khoa lây Bệnh viện Nhi TW đã có cả chục trẻ được kết luận là mắc bệnh thủy đậu.
Thủy đậu là bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ nhóm tuổi nào nếu chưa được miễn dịch, nhưng hay gặp nhất ở trẻ em 2-6 tuổi và thời điểm hay gặp là mùa xuân, độ ẩm không khí cao, thời tiết nóng lạnh thất thường.
Hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 900-1.200 bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi TW khám bệnh, nhưng trong thời điểm này có tới 1/3 trong số các cháu mắc các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp và do virus (như adeno virus, cúm hay sởi), cao hơn hẳn so với cùng kỳ tháng trước.
Thống kê của Sở Y tế Hà Nội tại một số trường tiểu học và THCS (Nghĩa Tân, Dịch Vọng, Mai Dịch, Quảng An...) cũng cho thấy, từ tháng 12 đến nay đã có gần 500 học sinh bị sốt do virus. Kết quả xét nghiệm bệnh phẩm tại Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho thấy, các cháu nhỏ này mắc rubella, adeno virus, thủy đậu, quai bị - những bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân.
Tại Bệnh viện Xanh Pôn, số bệnh nhi mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như ho, viêm phế quản, viêm phổi cũng tăng mạnh. Bác sĩ Đinh Thị Loan, phòng khám nhi, khẳng định mùa xuân-hè là thời gian trẻ dễ mắc bệnh sốt virus, nhưng trong mấy năm trở lại đây và nhất là năm nay, số bệnh nhi tăng đột biến.
Theo bác sĩ Lộc, thủy đậu là bệnh lành tính, nếu không bị nhiễm trùng thì có thể khỏi nhanh mà không để lại di chứng. Tuy nhiên, những trường hợp phụ huynh không giữ gìn, để trẻ nhỏ gãi lung tung do ngứa, gây chảy nước có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, thậm chí có thể tử vong.
Do đó, ngay khi xuất hiện những nốt mẩn đỏ đầu tiên, trẻ cần được cách ly, dùng nước oxy già rửa vết loét, không mặc quần áo dày cho trẻ để tránh bị cọ xát, chảy nước ở mụn đỏ.
Một ngộ nhận khác của nhiều phụ huynh là thấy con trẻ bị thủy đậu thường kiêng triệt để gió và nước, không tắm cho trẻ. Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc cho hay trẻ bị thủy đậu cần được vệ sinh sạch sẽ, tốt nhất là tắm cho trẻ bằng nước lá đắng (như lá ổi), nhưng tránh làm trợt các vết loét.
Phụ huynh cũng cần cho các cháu ăn uống tốt và theo dõi trong các trường hợp trẻ tự nhiên sốt cao, đột nhiên tím tái, khó thở... phải đưa các cháu đến cơ sở y tế. Hiện tại VN đã có vaccine phòng thủy đậu cho trẻ. Còn với adeno virus, ông Lộc cho hay đây là loại virus có nhiều type và hiện vẫn chưa biết type nào thường gặp ở VN.
TP HCM: rất ít trường hợp nhiễm adeno virus BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1, cho biết tại TP HCM rất ít trường hợp nhiễm adeno virus. Virus này làm cho người nhiễm bệnh có các dấu hiệu của viêm đường hô hấp trên: viêm họng, sốt, viêm thanh quản, đau mắt đỏ, sưng hạch, phát ban. Đây chỉ là bệnh lý thông thường khi đổi mùa, không cần điều trị đặc hiệu. Lưu ý những người nhiễm virus ở xứ lạnh dễ bị biến chứng, còn ở những vùng nhiệt đới không nguy hiểm. Nói chung, bệnh đều khỏi trừ những người có cơ địa quá nhiều bệnh mãn tính và suy nhược cơ thể trầm trọng. Quan trọng là theo dõi bệnh sớm, tránh để bị biến chứng. Bộ Y tế đã thông báo quyết định của Thủ tướng về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người do Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến làm trưởng ban. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động của các bộ, ngành trong phòng chống đại dịch cúm ở người; tổ chức thực hiện và đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương thực hiện kế hoạch phòng chống đại dịch cúm ở người. |
(Theo Tuổi Trẻ)