Người mẹ kêu cứu và mãi đến khi nhân viên bảo vệ siêu thị ngưng vận hành thang cuốn, cậu bé mới được giải cứu và đưa vào bệnh viện với ngón chân cái bị rớt móng và trật xương, một ngón gần như bị đứt lìa, cả bàn chân trái bị nhiều vết rách và trầy xước. May mắn phần ngón chân sau đó được các bác sĩ nối liền.
Vụ việc xảy ra tại trung tâm thương mại ở TP HCM nêu trên được các bác sĩ coi là ca tai nạn điển hình xuất phát từ sự lơ đễnh của người lớn.
Một trường hợp khác, đưa con đến khu vui chơi giải trí, mẹ vào quầy mua vé tham gia trò chơi tàu hỏa mà quên để mắt đến bé. Trong tích tắc, cậu con trai 4 tuổi ở Gò Vấp (TP HCM) vụt lao vào đoàn tàu hỏa đang vận hành.
Nạn nhân lập tức được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM, trong tình trạng toàn thân bê bết máu. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị tổn thương nặng ở phần mặt, vai và lưng, trong đó nghiêm trọng nhất là cú va đập đã khiến bé bị nứt sọ. May mắn, não của bé không bị ảnh hưởng.
Theo các bác sĩ khoa các bệnh viện Nhi tại TP HCM, số ca tai nạn sinh hoạt ở trẻ xuất phát từ sự lơ là trông trẻ của người lớn là không hiếm, một số trường hợp thương tâm khiến trẻ tử vong.
Cụ thể, một bà mẹ ở Thủ Đức đang tắm cho con trai 2 tuổi thì điện thoại reo. Chị đặt bé xuống để lên phòng khách nghe máy, khi quay lại phòng tắm đã thấy cậu con trai 2 tuổi cắm đầu vào xô nước. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, dù cấp cứu tích cực nhưng bé vẫn hôn mê sâu sau đó tử vong.
Một trường hợp khác, mẹ đặt xô nước giặt giẻ lau nhà ở phòng khách rồi xuống bếp lau sàn bếp, vài phút sau quay lại đã thấy con trai bất động với tư thế đầu cắm vào xô. Tai nạn khiến cậu bé 15 tháng tuổi tử vong sau hai ngày nằm viện do ngạt quá lâu.
Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ cũng từng tiếp nhận một bé 3 tuổi đa chấn thương sau đó qua đời. Nguyên nhân do mẹ đang trông trẻ thì quay sang tìm tivi chuyển kênh, trong tích tắc, bé chạy vù ra ngõ lúc xe máy đang đến.
Không lấy tính mạng trẻ song nhiều phụ huynh đã phải "hối hận cả đời" vì chính lơ đễnh hoặc bất cẩn của mình đã khiến con bị tàn tật. Mới đây nhất, bé trai 2 tuổi ở Bình Dương ngồi cạnh mẹ rồi cho tay vào cối xay thịt đang hoạt động. Tai nạn khiến bé phải bị cắt một phần tay trái.
Hay một trường hợp khác, bé gái 4 tuổi ở Bình Phước được đưa đi cấp cứu sau khi bị với tay lên kệ lấy đồ điều khiển tivi thì bị bình nước sôi mẹ vừa nấu đặt chông chênh bên cạnh đổ lên đầu.
Theo các bác sĩ khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2, tai nạn thường xảy ra với các bé dưới 3 tuổi. Nhiều nhất là ngạt do cắm đầu vào vật chứa nước, té sông. Kế đến là bỏng do ngã vào nồi canh, do bố mẹ đặt nước sôi, nồi súp vừa nấu xong trên quầy kệ. Ngã cầu thang, té lầu, cho dị vật vào miệng, cho tay chân vào ổ điện hay các thiết bị động cơ đang vận hành cũng là tai nạn hay gặp.
Khẳng định trẻ em hiếu động, hành động gây tai nạn thường xảy ra rất nhanh, các bác sĩ khuyên phụ huynh phải hết sức cẩn trọng. "Các tốt nhất là luôn để mắt đến các bé, đậy kín các vật dụng chứa nước, làm rào chắn các vị trí có thể gây té ngã, cách ly trẻ với các vật dụng để gây hại cho các bé", bác sĩ khuyến cáo.
Thiên Chương