Bé Ly lại khác. Mẹ bé chẳng có thì giờ dành cho con. Suốt ngày chị lội khắp Sài Gòn để tìm việc làm nuôi đứa con bị cha bỏ rơi. Bé Ly lên 5, mặt mũi xinh xắn, cả ngày lăn lóc trong đám trẻ bụi bặm cả trai lẫn gái ngoài đường ngoài hẻm, chẳng chịu thua ai.
Chỉ cần bị đứa nào ức hiếp, Ly sẽ gân cổ trợn mắt gào lên: "Mày ăn hiếp tao, tao chạy về nhà lấy "hàng" (hung khí) ra chém mày, mặt mày máu không, má mày hết nhìn ra mày luôn!". Hàng xóm lúc mới nghe còn cười, còn rầy la, riết rồi quen tai, chẳng ai có ý kiến gì nữa.
Cô giáo Tú lấy chồng muộn, con gái đầu lòng lên 4 khi cô đã gần 40, còn chồng cô đã hơn 50. Bé Hà được bố mẹ dạy dỗ nhiều hơn so với những đứa bé có cha mẹ trẻ, còn ham vui chơi hơn là nghĩ đến chuyện dạy con.
Một hôm, trên đường về nhà, cô Tú nghe con gái thỏ thẻ: "Mẹ ơi, cô giáo có bán phiếu bé ngoan không hở mẹ?". "Con hỏi để làm gì?". "Để bố mẹ mua cho con. Tuần này con không có phiếu". Cô Tú chột dạ: "Tuần này không có thì tuần tới con sẽ ngoan để có phiếu, chứ sao lại đi mua?". "Nhưng con không thích ngoan. Con thích đánh các bạn cơ...". Cô Tú thở dài, não nề. Con gái cô đã học cách suy nghĩ này từ đâu, trong khi vợ chồng cô luôn hết sức cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói?
"Trẻ lên ba, cả nhà tập nói". Câu tổng kết chỉ gồm sáu từ này gói gọn cả nghệ thuật và quan niệm giáo dục của ông cha ta. "Cả nhà tập nói": tất nhiên là cả nhà cùng tập nói với trẻ. Nhưng điều quan trọng hơn, quyết định hơn, chính là cả nhà phải tự tập lời ăn tiếng nói của chính mình. Trẻ con sẽ học nói qua những gì tai chúng nghe hằng ngày, chứ không phải chỉ bằng những thứ được nhồi nhét một cách lý thuyết.
Không thể chờ đợi ở trẻ sự tinh tế khi người lớn nói năng với nhau một cách thô bạo. Không thể buộc trẻ phải trung thực khi người lớn chỉ toàn bộc lộ sự dối trá. Không thể kỳ vọng trẻ chỉ tiếp thu những gì tích cực trong khi môi trường xã hội chung quanh ngập tràn các thứ tiêu cực... Nếu thực tế đời sống chỉ phản lại lý thuyết thì tất cả những gì người lớn cố nhồi cho trẻ sẽ bị ói ra theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Muốn dạy cho trẻ bất cứ điều tốt đẹp nào, người lớn phải thực sự nêu gương, phải dọn dẹp chính mình cùng lúc với việc dọn dẹp chung quanh.
(Theo Thanh Niên)