Theo bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể nhận biết con mình có bị viêm amiđan hay không bằng cách đơn giản như: cặp nhiệt độ, xem họng của con và sờ hạch ở cổ. Nếu đứa trẻ có những dấu hiệu như sốt cao 39-40 độ (sốt nóng hoặc lạnh); đau họng, khi nuốt thức ăn sẽ bị đau ở lỗ tai, nhìn trong miệng thấy hai cục amiđan sưng đỏ hay có chấm mủ vàng ở các hốc và sờ ở cổ thấy hạch cổ mềm, đau thì có thể khẳng định trẻ bị viêm amiđan. Để việc nhìn trong họng thật rõ, các bậc cha mẹ nên lấy một cái thìa để đè lưỡi và chiếu đèn pin vào vòm họng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý có những trường hợp lưỡi gà là một thuỳ thõng xuống từ vòm khâu dễ khiến cha mẹ lầm tưởng là amiđan. Bình thường, amiđan có vai trò tạo ra kháng thể và được xem là tuyến đầu trong việc chống nhiễm khuẩn, bảo vệ đường hô hấp trên, giữ vi trùng lại, lọc sạch không khí trước khi đưa xuống phổi. "Tuy nhiên, khi amiđan bị viêm sẽ trở thành một ổ vi trùng và nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng như: viêm tấy và áp xe quanh amiđan, nhiễm trùng huyết. Nặng hơn, vi trùng gây bệnh ở amiđan (thường là liên cầu khuẩn tán huyết) sẽ gây ra những biến chứng toàn thân như thấp khớp cấp, các khớp lớn bị viêm khiến di chuyển khó khăn, thấp tim gây tổn thương các van tim và viêm cầu thận cấp khiến đi tiểu ra máu. Riêng đối với trẻ em, viêm amiđan kéo dài sẽ khiến trẻ chậm tăng trưởng, còi cọc, kém năng động, dễ cáu gắt và có thể đột tử trong lúc ngủ nếu amiđan sưng to, sa xuống bít kín eo họng làm trẻ không thở được. Bác sĩ Phạm Thắng, Viện Tai-Mũi-Họng Trung Ương cho rằng chỉ nên bắt buộc phải cắt amiđan khi nó khiến trẻ bị khó thở, khó nuốt thức ăn, hoặc liên quan đến vấn đề nhiễm trùng tái phát nhiều lần, bị tai biến như viêm quản phổi, viêm cơ tim, viêm thận, viêm khớp; trẻ chậm lớn do viêm amiđan tái phát nhiều lần, trẻ kém ăn, hay bị nôn trớ do amiđan to dễ kích thích. Ngoài ra, còn có những chỉ định cắt amiđan tuyệt đối như trong trường hợp nghi ngờ bị ung thư và việc cắt amidan không hoàn toàn phụ thuộc vào độ tuổi của bệnh nhân và không làm ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch ở trẻ. Ở nước ngoài đã có trường hợp cắt amiđan khi đứa trẻ mới được 6 tháng tuổi và bệnh nhân cao tuổi nhất là 65 tuổi. Hiện có 4 phương pháp cắt amiđan được các bệnh viện thực hiện là: cắt amiđan bằng dao, kéo và thòng lọng; cắt bằng dao điện đơn cực hoặc lưỡng cực và cắt bằng máy Coblator. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Viện Tai-Mũi-Họng Trung Ương khuyên nên cắt bằng máy Coblator bởi phương pháp cắt bằng dao, kéo và thòng lọng là phương pháp cổ điển khiến bệnh nhân mất nhiều máu. Phương pháp dao điện khắc phục được tình trạng mất nhiều máu của bệnh nhân nhưng lại có thể gây bỏng và tổn thương mô xung quanh do dao cắt có nhiệt độ nóng tới 400 độ C. Do đó dễ gây bỏng, có trường hợp bỏng sâu dẫn đến bệnh nhân có thể bị phù nề, chảy máu thậm chí tử vong nếu bị tai biến do bỏng nặng. Theo Tiến sĩ Dinh, phương pháp cắt amidan bằng máy Coblator có ưu điểm là thời gian cắt nhanh (5-7 phút), phương pháp đốt điện bằng sóng cao tần ở nhiệt độ 67 độ nên không gây bỏng cho bệnh nhân, bệnh nhân có thể nói chuyện được ngay và xuất viện sau 4 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, không thể vì thế mà chủ quan, bệnh nhân sau cắt amiđan vẫn phải kiêng cữ các thức ăn nóng, cứng, chua, cay. Nên ăn các thức ăn lỏng, nguội, mềm trong vòng 15 ngày đầu để tránh chảy máu sau mổ. (Theo Giadinh.net) |