Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, khoa Tâm Lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1, người có nhiều năm tiếp xúc với trẻ bị xâm hại, cho biết, y văn thế giới ghi nhận, đa phần kẻ lạm dụng là người quen. "Đó có thể là chú, là ông, gia sư, xe ôm, tài xế, thậm chí là anh chị em ruột và điều này bố mẹ dễ chủ quan nên không dạy trẻ đề phòng".
Tại khoa Tâm Lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1, không ít trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục do chính những người thân quen của mình. Cụ thể, bé gái học lớp 5 bị trầm cảm kéo dài, mẹ hỏi gì cũng không nói. Cuối cùng khi được chuyên gia tâm lý nhỏ to, bé mới khai từng bị chính người trong nhà xâm hại suốt hai năm. Người xâm hại chính là người chú ruột.
Trường hợp khác, một người mẹ ở Tây Ninh từng trách con hồ đồ khi bé nói bị bố mình sàm sỡ. Nhưng thực tế người bố đã lạm dụng con. Mỗi lần bố say, mẹ bảo: "Bố mày hôi quá, mày ngủ với bố mày đi" và những lần như thế bé đều bị chính bố ruột sờ mó.
"Điều này cho thấy đời sống vợ chồng của nhiều người cũng có những bất thường và sự đa dạng tình huống dẫn đến lạm dụng tình dục", bác sĩ Trang nhận định. Ngoài chú, cha ruột, không ít trường hợp khác bị ông nội, ông ngoại, hoặc những người bà con trong chính gia đình âm thầm tấn công. Không chỉ có bé gái mà bé trai cũng bị lạm dụng.
"Các bé thường sợ sệt, không dám kể cùng ai. Một số bé luôn miệng nói sợ, co rúm, nhút nhát. Bé thì tổn thương tâm lý khiến nhìn ai cũng nghĩ đó là người đã hại mình. Thậm chí, có bé muốn giết cô giáo và bạn bè vì nghĩ họ sẽ hại mình", bác sĩ Trang kể.
Các hồi cứu cho thấy khi hỏi những người đã trưởng thành, có đến 25% nữ và 15% nam bị lạm dụng từ nhỏ. Những bé chậm phát triển hoặc khiếm khuyết phát triển trí tuệ dễ bị lạm dụng hơn. Dấu hiệu trước mắt để phát hiện bé bị xâm hại là tổn thương âm hộ, dương vật hoặc trực tràng; viêm nhiễm vùng kín hoặc hành vi tính dục không phù hợp.
Hành vi thường thấy là hoảng sợ nhiều, bị ác mộng, đang ngủ khóc thét sợ hãi. Ăn uống giảm sút, bỗng dưng tiểu dầm, không hứng thú chuyện học, không quan tâm bạn bè. Một số bé thu mình lại, dễ giận dữ, muốn đánh nhau, muốn bỏ nhà đi, muốn có hành vi tình dục...
Từ thực tế trên, bác sĩ Trang khuyên bố mẹ cần dạy con biết những bộ phận trên cơ thể mình mà người khác (kể cả ông bà, cô chú bác...) cũng không được sờ chạm. Cũng cần cho trẻ biết ý thức che đậy vùng kín. Dạy trẻ việc "tắm xong ở trần truồng chạy ra ngoài là sai", khi bị sờ, chạm vào vùng kín vẫn để yên là sai. Một số cha mẹ cho rằng "con tôi tôi có quyền sờ chạm" hoặc "nó còn con nít mà" là hoàn toàn không đúng.
Cũng theo bác sĩ Trang, trẻ từ 3-6 tuổi cần được mặc đồ lót, thay đồ phải che (cả trẻ em trai) bảo vệ và không cho sờ chạm và không đi tiểu bừa bãi ngoài công cộng.
"Cha mẹ nên có bữa cơm gia đình để đề cập về các vấn đề trong đó có cả chuyện giới tính vì thời điểm này dễ trao đổi hơn. Bố mẹ nên nói chuyện với con trước tuổi dậy thì (6-12 tuổi), đến tuổi vị thành niên thì phải đề cập thẳng thắn về giới tính. Việc giao phó cho con sách giới tính là cần thiết nhưng chưa đủ, bố nên nói chuyện với con trai, mẹ nên nói chuyện với con gái và dẫn chứng cho con từ những câu chuyện trong sách báo, cách nói này dễ hơn chỉ vào cơ thể bé", bà Trang nói.
Không nên tắm chung với con để dạy trẻ, không nên ngủ chung với trẻ từ 3 tuổi vì điều này khiến trẻ không biết khái niệm chung - riêng. Khi con đã lớn, mẹ không nên nuông chiều bé cho bé sờ ti. "Nhiều mẹ hoặc bố thương con thì hôn môi, hôn chỗ kín, sờ nựng. Điều này cũng khiến trẻ bị hiểu nhầm và xem thường các dấu hiệu lạm dụng", bác sĩ Trang khuyến cáo.
Ngoài việc dạy con đề phòng, cha mẹ nên quan sát và hỏi nếu thấy bất thường. Tạo cho trẻ thói quen chia sẻ lại với cha mẹ khi có ai đó làm gì bất thường. Đặt câu hỏi: "Hôm nay con nói chuyện với ai, ai làm gì với con?".
Khi có nghi ngờ hay chắc chắn thì phải phối hợp các thành viên trong gia đình với nhau. Nếu xảy ra sớm (còn tang chứng vật chứng) thì cha mẹ nên đưa con đi khám càng sớm càng tốt, tránh làm ầm lên đổ lỗi cho nhau hoặc trách con mà cần đưa con đi đến nơi an bình để trò chuyện và lắng nghe. Cha mẹ nên dỗ dành chứ không nên khơi gợi lại chuyện đã xảy ra khiến trẻ bị hoảng sợ. Cha mẹ cũng nên giải thích với con rằng không phải lỗi của con để bé không có cảm giác tội lỗi - cảm giác này khiến bé có thể bỏ nhà đi, có hành vi tình dục bừa bãi hoặc có thể tự tử. Giải quyết sự việc cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa bác sĩ, chuyên viên tâm lý, pháp y, công an và không nên lặp đi lặp lại để tránh tổn thương cho trẻ.
Trường học, nhà hàng xóm, hồ bơi, câu lạc bộ là những nơi phụ huynh cần cảnh giác không cho trẻ tiếp xúc gần với người lạ; không để trẻ ở một mình trong phòng với người khác phái dù người đó là bà con trong gia đình. "Môi trường quan trọng hơn cả con người, kẻ xấu khó lòng ra tay nếu trẻ được bảo bọc trong môi trường tốt", bác sĩ Trang nói.
Cuối cùng, nếu biến cố xảy ra, ngay cả cha mẹ cũng cần được nâng đỡ tâm lý, chính vì thế khi nói với con thì cần phải có chuyên gia tâm lý. Trường học nên có tham vấn tâm lý học đường để giúp trẻ khi có chuyện. Thầy cô cần giúp đỡ các em bằng cách bảo vệ các em, nói thay các em. Gia đình không được phó mặc cho nhà trường.
Thiên Chương