Lễ ăn hỏi (hay lễ đính hôn) là một nghi thức trong phong tục hôn nhân truyền thống của người Việt. Trong lễ ăn hỏi, nhà trang mang lễ vật tới nhà gái (gọi là tráp cưới, thường là số lẻ) để thể hiện lòng biết ơn của nhà trai đối với công dưỡng dục của cha mẹ cô gái. Lễ vật truyền thống thường gồm trầu, cau, bánh cốm, mứt sen, rượu, chè, bánh phu thê (bánh xu xê), lợn sữa quay, tiền dẫn cưới (lễ đen)... Tuy nhiên, ngày nay, các tráp lễ cũng có thể thay đổi tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình nhà trai, xu hướng, nhưng vẫn phải đảm bảo tính trang trọng, giữ gìn giá trị truyền thống. Trên hình là 9 tráp lễ vật và 1 tráp đựng lễ đen. Theo anh Hoàng Khánh - một người có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ hoa cưới, tráp cưới, nếu như trước đây cô dâu chú rể chuộng các tráp lễ có tông màu "kinh điển" như đỏ, vàng thì giờ sự lựa chọn đa dạng, phong phú hơn. Bộ tráp tông xanh dương này đang được nhiều người yêu thích bởi sắc màu tươi sáng gợi sự trẻ trung, độc đáo. Tráp rồng - phượng được kết hoa, cắt tỉa thủ công. Đây là hai tráp lễ quen thuộc với người Hà Nội. Khi kết cùng hoa lan hồ điệp trắng, thanh liễu, cát tường xanh, nghệ nhân muốn tái hiện hình ảnh rồng - phượng cuộn mây, mang thông điệp về một cặp long-phụng hảo hợp, tứ kết đồng tâm. Chính giữa tráp phượng là trái dưa đỏ khắc tên cô dâu, còn trên tráp rồng có tên chú rể. Tráp lễ do nhà trai chuẩn bị, thường có sự chăm chút đặc biệt của mẹ chú rể và chú rể, nên ngoài những lễ vật tượng hình còn chứa đựng nhiều thông điệp yêu thương, ước nguyện gửi gắm cho hỷ sự. Cau phải chọn buồng "đủ tuổi", quả đều và xanh đẹp. Tráp socola được nhiều cô dâu hiện đại yêu thích với ý nghĩa là "sự khởi đầu hạnh phúc, mong muốn luôn luôn có sự ngọt ngào, chia sẻ, ngày nào cũng là Valentine". Bên cạnh loại hoa chủ đạo là sen quan âm trắng, nghệ nhân còn sử dụng thêm nhiều hoa nhập khẩu để tăng tính thẩm mỹ. Đàng trai trao tráp lễ cho đàng gái. Ảnh: Hoàng Khánh Wedding & Event Hà Nhi