"Chòng chành như nón không quai. Như thuyền không lái, như ai không chồng". Câu thơ giản dị mà chứa bao ý tứ. Ở một số tỉnh vùng núi phía Bắc và Hà Tĩnh, Nghệ An... có tục trao nón cho cô dâu khi về nhà chồng. Đó là một trong những nét văn hóa cưới hỏi đặc sắc được gìn giữ. Thế mà tôi chẳng biết đến điều này cho tới khi ngỡ ngàng nhìn mẹ chồng đưa nón lên che đầu cho mình, xúc động không nói nổi thành lời cảm ơn.
Ngày trước, các cụ chọn giờ đón dâu lúc chớm buổi chiều, theo quan niệm "đi một về hai", đây cũng là giờ nắng nhất của ngày. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ khuôn mặt mình e ấp sau vành nón trắng, líu ríu bên cạnh chàng trai ngày thường mạnh bạo là thế, hôm nay bỗng trở nên ngượng ngập, vụng về. Trông thấy mẹ chồng từ xa, tôi cúi đầu:
- Con chào mẹ ạ.
- Ừ, mẹ chào con. Con lại đây - Hai mẹ con cùng đi lại gần nhau và mẹ đưa chiếc nón lá lên đầu che nắng cho tôi.
- Vâng ạ.
Trong khi quan viên hai họ tay bắt mặt mừng, rôm rả chào hỏi nhau thì mẹ chồng ân cần đội lên đầu tôi chiếc nón như một cử chỉ vỗ về yêu thương người con dâu mới. Tôi khẽ cúi xuống mỉm cười, đỡ lấy chiếc nón, miệng muốn nói lời cảm ơn mà khuôn mặt chỉ bừng đỏ. Khoảnh khắc thầm lặng dường như chỉ riêng hai người biết với nhau nhưng đó là một cảm giác thiêng liêng mà sau này tôi không bao giờ quên.
Ngày cưới bận rộn bao nhiêu thủ tục nên tôi cũng không tiện hỏi về chiếc nón, dù rằng trong thâm tâm cứ băn khoăn mãi, sao lại phải có sự xuất hiện của chiếc nón "quê mùa" trong cả bộ ảnh cưới lung linh với váy áo tân thời của tôi? Mãi sau này, tôi mới hiểu nón lá không phải chỉ để che nắng mà hàm ý sự che chở của gia đình chồng cho dâu mới.
Đem chuyện này tâm sự với mẹ chồng, bà giảng giải: Ngày xưa, người con trai và người con gái tỏ tình với nhau. Người con gái nói:
Nón em em đội trên đầu
Chàng mà nghĩ đến da mầu nắng mưa
Nón này khi nắng khi mưa
Che cả bốn mùa xuân hạ thu đông.
Ý người con gái bảo, chiếc nón rất quan trọng đối với người phụ nữ, nếu chàng trai mà có lòng thương cô thì hãy trao cho cô chiếc nón để làm tin. Chàng trai đáp lại:
Sao em chẳng bảo khi xưa
Để anh đi chợ mua ô cho nàng.
Nếu biết sớm, chàng trai đã mua nón cho cô gái để thể hiện tình yêu của mình với cô từ lâu rồi. Từ đó, tục cưới mới có lễ nón, hay còn gọi là "nón cô dâu".
Chiếc nón đối với người dân Việt Nam từ bao đời nay không chỉ là vật dùng để che mưa, che nắng mà còn góp phần làm tôn lên vẻ duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Tại một số vùng quê, chiếc nón như tặng phẩm đặc biệt mang ý nghĩa thiêng liêng mà con dâu được nhận từ mẹ chồng trong lễ cưới. Chiếc nón lá bình thường đã đẹp thì trong ngày cưới để trao cho cô dâu nó lại càng đẹp và duyên hơn nữa vì được nhà trai chuẩn bị khá công phu, thậm chí được đặt trước đó một thời gian. Nón phải làm từ thứ lá trắng nhất, mỏng nhẹ nhất, quang dầu cho bóng lên. Mũi khâu đều, bên trong trang trí bằng hai chữ "song hỷ" và gắn quai màu hồng biểu tượng cho hạnh phúc lứa đôi được bền chặt, sắt son.
Người mẹ nào khi trao nón cho nàng dâu mới cũng ngầm khẳng định từ nay con đã là một thành viên mới của gia đình, của họ hàng, của cả dòng tộc. Cô dâu sẽ được che chở trong tình yêu thương của chồng cũng như gia đình nhà chồng. Đồng thời, mẹ tin tưởng trao cả niềm tin, trao cả hy vọng về một tương lai đủ đầy, sung túc mà con dâu sắp đón nhận.
Mẹ chồng tôi bảo, ngày ấy, gần đến giờ đón dâu, bà mới nhận được chiếc nón đặt làm, lúc đó bà cảm thấy hài lòng và an tâm hẳn. Bởi bà tin rằng, khi thấy chiếc nón chở che cho mình, nàng dâu trẻ thời nay sẽ biết giữ gìn và trân trọng một nét đẹp truyền thống của quê chồng. Và khi ấy, chiều sâu và bề dày bản sắc văn hóa làng quê vẫn được tiếp tục nối dài đến mai sau.
Sau này, có dịp đi công tác, dự nhiều lễ cưới ở các vùng quê, tôi càng thấm thía: Tục trao nón cho con dâu mới gửi gắm cả tấm lòng, cả thân phận, cả những buồn vui sướng khổ của người trao với người nhận. Đón nón là đón thêm một thành viên mới, đón nhận tất cả yêu ghét giận thương bằng lòng bao dung, chia sẻ của người "đi trước", bao năm vun vén xây đắp cho sự yên ấm của đại gia đình. Khoảnh khắc trao - nhận chiếc nón bình thường ấy đã trở thành dấu ấn không thể quên trong đời người.
Dẫu giờ đây, chiếc nón tỏ ra ít phù hợp với nhu cầu hiện đại, cũng chẳng mấy khi tôi dùng nón làm phương tiện che nắng mưa, nhưng cứ mỗi lần bước chân vào gian phòng mẹ dành riêng cho chúng tôi ngày cưới, thấy chiếc nón treo trang trọng ở đầu giường, lại bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc bỡ ngỡ ngày xưa…
Thu Hòa
* Mời bạn gửi bài dự thi chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc về đám cưới để nhận được giải thưởng 1 triệu đồng tiền mặt và quà tặng trị giá 1.200.000 đồng. Xem chi tiết tại đây.