![]() |
Một nam thanh niên Iran sau ca phẫu thuật thay đổi giới tính. |
Trong phòng xét nghiệm Manvihkia tại thủ đô Teheran, Iran, bác sĩ Bahma Digrarili, Chủ nhiệm phòng khám cùng các trợ lý của ông luôn bận rộn vì có rất đông người đến khám. Trong phòng chờ, hai chị em nhà Sarya đang ngồi to nhỏ với nhau chuyện gì đó, nhưng mọi hành động, cử chỉ của họ lại giống hệt như con trai. Cạnh đó, một nam thanh niên búi tóc như phụ nữ, ngượng nghịu đứng trước gương ngắm nghía chiếc mũi to phồng của mình, sau đó anh ta ẻo lả vắt chiếc khăn lụa qua người.
Bác sĩ Bahma Digrarili cho biết, những người đến phòng khám của ông đều có một mục đích duy nhất là xét nghiệm để thực hiện thay đổi giới tính.
Trong quá trình chờ đợi, họ háo hức thực tập những động tác của một “người khác giới” mà họ sẽ thực hiện trong cả cuộc đời sắp tới của mình.
Theo bác sĩ Bahma Digrarili thì việc phẫu thuật thay đổi giới tính ở Iran giờ đây không còn là điều lạ lẫm, nó đã trở thành một trào lưu được nam, nữ thanh niên khiếm khuyết về giới tính nhiệt tình hưởng ứng và dư luận xã hội đã ngầm thừa nhận.
Theo ông, mặc dù chi phí cho mỗi ca phẫu thuật không hề rẻ, khoảng 2.500 euro, nhưng mỗi ngày vẫn có hàng chục người đến từ khắp các tỉnh ở Iran xếp hàng chờ được khám với mong muốn được thực hiện công việc phẫu thuật.
Theo Luật Hồi giáo nước này quy định, người đồng tính luyến ái nam sẽ phải chịu án tử hình, còn với nữ giới nếu bị đồng tính luyến ái sẽ bị phạt đánh 200 roi. Thế nhưng, luật này lại không hề đả động tới hình phạt dành cho những người thay đổi giới tính, thậm chí các giáo sĩ tôn giáo còn “bật đèn xanh” cho những ai muốn thực hiện chuyện này.
Nhật báo Teheran cho hay đến nay đã có hàng trăm trường hợp nam, nữ thanh niên Iran tiến hành phẫu thuật thay đổi giới tính sau khi đã được các giáo chủ đức cao, vọng trọng của nhánh Hồi giáo mà họ theo bảo lãnh.
Mohamad Kaminidya, một giáo sĩ có uy tín thuộc dòng Hồi giáo Shiite tại thành phố Kuma, Iran, người từng bảo lãnh cho hàng chục nam, nữ thanh niên Iran thay đổi giới tính thực hiện ước muốn của mình một cách hợp pháp, nói: “Chúng tôi chỉ phản đối nạn đồng tính luyến ái, thay đổi giới tính tự nguyện hoàn toàn khác với đồng tính luyến ái, những người thay đổi giới tính không hề có tội”. Nhiều người nhận định rằng, trào lưu thay đổi giới tính ở Iran là một dấu hiệu cho thấy đất nước thần bí này đang dần “mở cửa”.
Madin (28 tuổi) là người làm nghề kinh doanh vừa trải qua một cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính cho biết, những người cùng tuổi với anh đều không tỏ ra lạ lùng và dễ dàng chấp nhận việc anh ta chuyển thành nữ giới sau khi phẫu thuật thay đổi giới tính.
Sức ép lớn nhất đối với những người như Madin không phải là dư luận xã hội, bạn bè mà là gia đình của chính họ. Đặc biệt là các bậc cha mẹ thường không thể chấp nhận được việc con cái họ bỗng nhiên trở thành người khác giới và họ thường đánh đồng thay đổi giới tính với đồng tính luyến ái trong cách đối xử và nhìn nhận.
Một cô gái tên là Atina, sau phẫu thuật đã đổi thành tên con trai. Do phải lòng cô bạn học từ 6 năm trước, Atina quyết định thay đổi giới tính với hy vọng sẽ được kết hôn với cô bạn ấy. Tuy nhiên, sau khi “chuyển hệ”, “chàng trai” Atina đã bị cha mẹ mình đuổi ra khỏi nhà. Thậm tệ hơn, tình cảm của "anh" với bạn gái có nguy cơ tan vỡ khi gia đình cô gái phản đối quyết liệt chuyện hôn nhân của hai người với lý do họ không muốn con gái mình cưới một phụ nữ. Không chỉ thế, để ngăn cản tình cảm của hai người, mẹ của cô gái thường xuyên xúc phạm khiến "anh" Atina rất thất vọng và buồn chán.
Bác sĩ Bahma Digrarili, chủ nhiệm phòng khám bệnh Manvihkia, người đầu tiên đưa ra loại hình phẫu thuật thay đổi giới tính ở Iran, cho biết, khi mới khai trương dịch vụ này, ông đã bị nhiều bậc phụ huynh có con em muốn thay đổi giới tính đe dọa tính mạng vì đã giúp con cái họ thực hiện ý nghĩ “hư hỏng và điên rồ”. Phòng khám của Bahma Digrarili tưởng chừng bị đóng cửa.
Tuy nhiên, mọi việc đã trở nên thuận lợi khi thái độ đối với người đồng tính luyến ái trong xã hội ở Iran ngày càng được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Đặc biệt là thái độ của người thân trong gia đình có người thay đổi giới tính. Họ đã bớt gây căng thẳng với bác sĩ. Do đó ngày càng có nhiều bác sĩ tham gia công việc phẫu thuật này, bởi đây đang là một nghề “hái ra tiền” ở Iran.
Theo Công An Nhân Dân, việc Iran có những cách nhìn cởi mở đối với phẫu thuật thay đổi giới tính của người dân chủ yếu xuất phát từ chủ trương của một nhân vật tôn giáo quan trọng ở đất nước này, đó chính là Đại giáo chủ Yatula Khomenei. Chủ trương của Khomenei là, một người nào đó dù là nam hay nữ muốn thay đổi giới tính của mình hoặc cảm thấy bản thân bị trói buộc trong một cơ thể sai giới tính thì họ hoàn toàn có quyền tự giải phóng đau khổ. Còn giáo sĩ Mohamad Kaminidya cũng là một người vận động tích cực cho trào lưu phẫu thuật thay đổi giới tính. Trong 5 năm qua, được sự hậu thuẫn của ông, 320 phụ nữ và 70 nam thanh niên tìm được hạnh phúc riêng sau khi thực hiện các cuộc phẫu thuật thay đổi giới tính.