Lan là học sinh một trường điểm ở quận 1, TP HCM, sinh ra trong một gia đình khá giả, luôn được cha mẹ chu cấp đầy đủ về mặt tiền bạc nhưng chẳng mấy khi được ở gần cha mẹ nhiều. "Họ đều là doanh nhân, phải lo .kiếm tiền, hơi sức đâu quan tâm nhiều hết sở thích này, sở thích khác của bọn này", Lan cho biết.
Cô nữ sinh xinh xắn này cho biết, con đường đến với thú tiêu khiển này bắt đầu từ người bạn gái. Lúc đầu, Lan cũng hoảng nhưng về sau thì cũng "hay hay và thấy mình tự tin". Chìa cánh tay, Lan thản nhiên chỉ từng vết cắt một kèm theo lời "chú thích": lần này bị điểm thấp, lần này buồn không chịu nổi, cái này thì khi bị mẹ mắng không biết làm sao, có cái lại vì "ngồi một mình, tự nhiên chán đời quá"...
Cô gái này tự nhận mình là người hơi nhiều vết cắt, còn một vài người bạn thân thiết khác cũng "thử" vài lần. Theo cô, "mốt" cắt tay bằng dao lam đang lan rộng trong giới bạn bè ở trường. Lúc đầu, chỉ nghe loáng thoáng về hành động tự rạch tay mình để giải tỏa những ẩn ức đâu đó, nhưng rồi một thời gian sau, "trò chơi" này đã được "cụ thể hóa" trên blog của nhiều học trò khác trong trường.
![]() |
Bức ảnh trên blog BB kèm chú thich: "Chiến công của dao lam có khác, cắt ngọt nhưng sẹo mỏng tang..." |
Theo những cô cậu tham gia trào lưu này, việc cắt tay mình ngồi nhìn máu chảy được những lý giải như một hành động dũng cảm của các chiến binh, một hiệp sỹ cổ đại hoặc tự cho mình mang sự mạnh mẽ kiểu "tinh thần võ sỹ đạo" của Nhật Bản.
Huy, học sinh lớp 10 ở quận Bình Thạnh, kéo ống tay áo, để lộ cổ tay trắng trẻo nhưng ngang dọc mấy vết rạch, nói: "Cắt chơi thấy cũng... sảng khoái. Cô đơn quá, cắt cũng đỡ buồn, đang vui cắt cũng vui, không làm gì cả, đưa một lát cũng được. Sau đó thấy thỏa mãn vì mình đã chịu đau đớn mà không hề rên rỉ".
Khi được hỏi có phải đó là hành động thể hiện "cái tôi" tiêu cực, hay là "thấy mình bất lực", Huy bảo: "Không phải vậy, bọn em bị điểm kém buồn cắt nhưng có khi vui vẫn cắt được cơ mà, nhưng thường thì vì buồn quá mới làm vậy, và phải có thần kinh cứng mới làm vậy được".
Trên rất nhiều những blog, các teen thi nhau ca tụng về phong trào cắt tay, kèm theo những bức ảnh chụp cổ tay ứa từng giọt máu do chính các chủ nhân tải lên và những lý luận sắc bén, hiện đại, đầy bản lĩnh và rất lạnh lùng. "Hãy làm những gì mình thích, bỏ lại những con lợn đói đang kêu đằng sau", đó là phản ứng của một "tín đồ" cắt tay hành xác khi bị những người khác phê phán hành động của mình.
"2.000 đồng một lưỡi dao lam, thêm 1.000 đồng mua một túi bông y tế cộng thêm chút sành điệu là đã đủ bộ "đồ nghề tự sướng" cho việc cắt tay. Càng có nhiều vết cắt chằng chịt đang rỉ máu càng được bạn bè ngưỡng mộ", blogger OU viết.
![]() |
Những cổ tay ứa máu. Ảnh trên blog BB. |
Còn blogger Black Butterfly thì thổ lộ: "Hôm nay lại cãi nhau với mama... Bị đánh! Tức quá cầm dao rọc giấy lên... Dao cùn nên đâm nhát đầu tiên chưa rách, chỉ hơi đau chút... Nghiến răng làm phát thứ hai... Eo ơi tê tê!".
Những bogger này còn tải cả video clip cắt tay, những bức ảnh cổ tay rỉ máu của mình lên mạng còn kèm theo dòng diễn tả: "Bên phải: cắt nháp, lau máu xong, bên trái: cắt chính". Các teen cũng nhắc nhau: “Cắt mỏng thôi để không để để lai sẹo lâu dài và coi chừng khéo nát ven thì suốt đời ôm hận”.
Chủ nhân blog BB tâm sự: "Cắt xong, mới để ý có vết đi ngang động mạch. Dao mua trưa 0402 (một ngày quan trọng), 2 cái, vất vả lắm mới mua được thời điểm gần Tết. Mới cắt được hơn 20 vết 1 cái đã có dấu hiệu phải về nghỉ hưu. Dùng cái còn lại. Hôm nay làm trò 0803 ở lớp, bỏ dao xuống bàn, cho sáp nến chảy lên. Cuối cùng... không sao lấy được dao ra vì sáp đông lại hết, dao lại mỏng. Tưởng mất con dao yêu quý đi cùng mình hơn 1 tháng... Thôi thì cứ mó tay vào mà làm đủ trò bạo lực để chiếm hữu lại dao, bất chấp đứt hết ngón tay. Ơ kìa, dao của tôi mà, có máu tôi, vứt lại ở cái chỗ vớ vẩn sao được?".
Còn blogger PS thì viết: "Nghe đồn cắt nhiều sẽ nát ven, khi cần tiêm thuốc cứu cái mạng khốn này là chịu. Hands are tight luôn, chả biết có đúng không"...
Mặc dù vậy, những tín đồ của tào lưu này vẫn vô tư tiếp tục trò chơi "đem lại khoái cảm" và còn "tô vẽ" cho hành động đó những suy nghĩ có vẻ cao siêu: Theo blogger Only, "con người ai cũng có nỗi khổ riêng và có quyền tự do đối với thân xác mình. Đời sống tâm lý con người phức tạp, chúng tôi làm chúng tôi chịu trách nhiệm lấy".
Một số blogger khác cho biết, giới người trẻ cắt tay, "hành xác" thích sống theo trào lưu EMO - một trào lưu sống theo cảm xúc có xuất xứ từ phương Tây, nhưng thường thì các teen của chúng ta chỉ đua đòi vì họ vẫn thổ lộ: "Không phải EMO nhưng vẫn cắt".
![]() |
Những đứa trẻ Emo. |
Trao đổi với Ngôi Sao, TS tâm lý Hồ Văn Liên, Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng, hành động cắt tay của các học sinh chủ yếu là con nhà khá giả ở thành phố, chỉ là thể hiện sự đua đòi, những suy nghĩ muốn khẳng định mình, thu hút sự chú ý về phía mình một cách lệch lạc. Bên cạnh đó, hành động cũng thể hiện một sự phản kháng của tuổi đang lớn, hoặc nhiều khi chỉ để che đậy những bất lực trước những khao khát, những ước mơ không thể thực hiện được.
“Hành động rạch tay của một số học sinh thể hiện cảm xúc, tâm lý đa dạng, muốn có cảm giác mạnh và sự thể hiện mình. Nhưng ở đây, các em không đủ chín chắn, không lường được hậu quả khi tiếp nhận lối suy nghĩ ( EMO- sống theo cảm xúc và không ngại thể hiện nó nơi công cộng) từ phương Tây. Nên các bậc cha mẹ, thầy cô cần có sự gần gũi để uốn nắn các em”, TS Hồ Văn Liên nói.
Hải Phương, lớp 11 một trường ở quận 3, phản đối hành động cắt tay “hành xác”. Phương chia sẻ: “Mỗi người đều có một thế giới nội tâm, có cái tôi cá nhân của mình, nhiều khi trong lòng có những nỗi buồn, sự khủng hoảng. Nhưng em cho rằng cách thể hiện, cách sống của các bạn như vậy là ích kỷ, gây tổn thương với những người thân yêu của họ".
Xuân Hoàng