Ở khía cạnh tích cực, việc ra đời các resort đã đáp ứng phần nào nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách, nhất là khách châu Âu vốn rất thích đến các resort để “trốn” lạnh và tắm nắng, đồng thời tạo sự đa dạng trong cung cấp dịch vụ cho thị trường du lịch Việt Nam vốn được đánh giá là giàu tiềm năng phát triển.
Tuy nhiên, do vốn đầu tư lớn, nguồn cầu đang tăng, nhưng chưa vượt cung dẫn đến việc xuất hiện tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa các resort trong tìm nguồn khách. Điều này xảy ra rõ nhất tại các resort ở khu vực Mũi Né.
Bà Nguyễn Thị Chín, Phó giám đốc Khu du lịch Sài Gòn - Mũi Né cho biết, cạnh tranh giữa các resort tại Mũi Né rất gay gắt, thậm chí nhiều resort còn hạ giá vô tội vạ để cạnh tranh, dẫn đến sự dễ dãi trong cung cấp chất lượng phục vụ. Sự cạnh tranh này về lâu dài sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch Việt Nam trong cuộc cạnh tranh về du lịch biển với các nước láng giềng.
Tình trạng thiếu nguồn nhân lực đáp ứng đúng yêu cầu cũng đang là khó khăn đối với các chủ đầu tư resort. Đa phần resort phát triển ở khu vực ven biển của các địa phương vốn không có trường đào tạo về du lịch, nên đi kèm với đầu tư cơ sở hạ tầng, chủ đầu tư luôn phải dành một ngân quỹ không nhỏ cho việc đào tạo đội ngũ nhân lực phù hợp.
Theo Đầu Tư, do sự phát triển quá nhanh của các resort, nhất là ở khu vực Mũi Né, dẫn đến thiếu nhân lực đáp ứng và việc “săn” nhân lực từ các resort đã hoạt động luôn là đích nhắm của các resort “sinh sau đẻ muộn”.
Bên cạnh đó, việc phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch khoa học các resort ở khu vực Mũi Né đã dẫn đến tình trạng dự án đầu tư manh mún, nhỏ lẻ, phá vỡ cảnh quan vốn rất đẹp và hoang sơ của Mũi Né trước kia và về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo tồn và phát triển cảnh quan, vốn được xem là lợi thế trong du lịch biển của Việt Nam.
Như vậy rõ ràng resort tuy nhiều, nhưng hầu hết đều là quy mô nhỏ, ngoại trừ Furama ở Đà Nẵng; Padanus ở Mũi Né; Sài Gòn - Phú Quốc ở Kiên Giang; Vin Pearl ở Nha Trang... là quy mô tầm trung, còn lại vẫn thiếu resort quy mô tầm cỡ quốc tế.
Resort nhiều, cạnh tranh gay gắt nhưng không vì thế mà trào lưu đầu tư resort tạm ngưng, trái lại chiều hướng đầu tư resort đang có chiều hướng gia tăng.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hiện nay, có 50 dự án resort đang chuẩn bị xin giấy phép và 20 resort rục rịch xây dựng, mở rộng dự án, triển khai giai đoạn 2.
Tiềm năng của đầu tư resort rất hấp dẫn, vấn đề là nhà đầu tư và cơ quan quản lý cần ngồi lại với nhau chung tay góp sức xây dựng chiến lược phát triển du lịch biển và hình thành thế mạnh resort Việt Nam để đủ sức cạnh tranh và quảng bá trên thị trường quốc tế. Có như thế, đầu tư resort mới bền vững và thực sự sinh lời trên lợi thế mà thiên nhiên ưu đãi.