Lawrence Ellison -TGĐ của hãng phần mềm Oracle. |
Hình ảnh của họ thật sự “ăn khớp” với hai chữ “siêu giàu” hoặc “cực giàu” mà các chuyên gia kinh tế và công chúng thường gọi. Họ đam mê cái đẹp, biết thưởng thức nghệ thuật, biết tận hưởng những thành tựu mới của khoa học kỹ thuật. Họ rất năng động, sáng tạo, và đáng trân trọng hơn cả, họ còn biết chia sẻ
Những “HNWI” của thế kỷ 21
Nếu trước đây người ta quen gọi họ là tỷ phú, thì ngày nay đó là những người siêu giàu, tức là giàu hơn những người giàu - những “High Net Worth Individuals” (HNWI). Theo thống kê mới nhất của World Wealth Report (WWR), trong năm 2005 đã có 500.000 tỷ phú mới gia nhập Câu lạc bộ các tỷ phú, tăng 6,5% so với năm 2004. Nếu tính xa hơn thì con số này đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm, và trong tương lai sẽ tiếp tục tăng khoảng 6% mỗi năm từ nay cho đến 2010. Năm quốc gia có nền kinh tế mạnh hàng đầu thế giới là Mỹ, Nhật, Đức, Anh và Pháp tập trung 2/3 số tỷ phú của toàn thế giới.
Cũng trong năm 2005, Hiệp hội ngân hàng Thuỵ Sĩ đã ghi nhận số tài sản tư nhân được gửi vào là 76 tỷ đôla, tăng 57% so với năm 2004. Và tổng trị giá tài sản này không còn chỉ tập trung ở châu Âu và Mỹ nữa, mà đã được rải đều ra nhiều nơi. Ví dụ như chỉ riêng tại Nga, đã có 3.000 người có trong tay hơn 30 triệu USD. Làm một so sánh nhỏ thì thấy rằng châu Á ngày nay không thua kém các châu lục hùng mạnh khác: trong khi ở Pháp có gần 367.000 HNWI thì tại Trung Quốc có 320.000 người. Ấn Độ cũng đã trở thành một gương mặt nổi bật. Thậm chí tại châu Phi, số lượng những đối tượng được đánh giá “rất giàu có” đã tăng hơn 11%.
Nói chung, khái niệm tỷ phú và HNWI hiện đã trở nên phổ biến. WWR còn cho biết sự gia tăng con số các tỷ phú hiện nay đặc biệt được ghi nhận tại những khu vực có nền kinh tế đang trỗi dậy như châu Mỹ La tinh (+9,7%), châu Á - Thái Bình Dương (+7,3%) và Trung Đông (+9,8%). Jolanta Bak, sáng lập viên và cũng là tổng giám đốc (TGĐ) của công ty tư vấn về sáng kiến và quản lý thương hiệu Intuition (Pháp) đã nhìn nhận: “Sự giàu có ngày nay đã trở thành một hiện tượng đa quốc gia và do đó cũng đa văn hoá”.
Thực tế cho thấy ngày nay, người ta có thể làm giàu một cách khá nhanh chóng. Đơn cử trường hợp của vị tổng giám đốc trang web eBay là bà Meg Whitman: chỉ không đầy 10 năm, bà đã gầy dựng được một tài sản tương đương với giá trị tài sản mà gia đình của vị tiền nhiệm phải cần đến hai thế hệ mới có được. Và thành công này đến từ nhiều lĩnh vực, như ông bầu nhạc rap Russell Simmons đã có trong tay 250 triệu đôla. Đây là một hiện tượng khiến các chuyên gia kinh tế quan tâm và nghiên cứu cặn kẽ trên nhiều phương diện, cả về lối sống của họ.
Tổng giám đốc Milton Pedraza của Luxury Institute, một công ty chuyên nghiên cứu về sở thích và xu hướng sinh hoạt của nhóm 10% những người giàu nhất hành tinh đã khẳng định: “Chúng tôi đang chứng kiến và bị lôi kéo vào một trào lưu thật sự mới mẻ. Những nhân vật giàu có nhất hiện nay không chỉ muốn sở hữu những chiếc du thuyền sang trọng, những chiếc máy bay tư nhân hay khối tài sản kếch xù, mà ngược lại họ đang muốn đơn giản hoá cuộc sống và sinh hoạt của mình. Họ chuộng một lối sống xa xỉ và thời thượng, nhưng không muốn lệ thuộc vào số tài sản mà mình đang có”.
Khi bảo vệ an ninh không còn là vấn đề tiền bạc
Lâu nay, việc bảo đảm an ninh cá nhân cho các “yếu nhân” được hiểu là có một đội bảo vệ thiện nghệ và trang bị một hệ thống báo động nhạy bén. Một Aristote Onassis hay một gia đình Rockefeller không thể xuất hiện mà không có một “binh đoàn” vệ sĩ hùng hậu. Cả cầu thủ bóng đá David Beckham cũng không ngoại lệ. Nhưng nay, sự kiện ngày 11/9 đã đem đến nhiều thay đổi. Công tác bảo vệ càng được các tỷ phú coi trọng và nhiều công ty kinh doanh dịch vụ này đã ra đời và “ăn lên làm ra”.
Công ty bảo vệ Kroll Associates hiện có một lượng lớn “thân chủ ruột” gồm những nhân vật siêu giàu với mức tài sản trên 500 triệu đôla. Ban lãnh đạo của Kroll Associates rất lạc quan khi doanh thu công ty tăng 67% chỉ trong vòng 2 năm. Điều này cũng dễ hiểu khi một dịch vụ trọn gói của công ty này có thể được định giá lên đến hơn 1 triệu đôla, bao gồm các khoản như điều tra con người, bảo vệ an toàn mạng điện thoại để không bị nghe lén, soạn thảo và chuẩn bị nhiều phương án đối phó khi thân chủ bị nghi là đang có người theo dõi hoặc bị đe doạ bắt cóc. Ngoài ra, việc thiết kế và xây dựng thêm cơ sở vật chất và lắp đặt phương tiện theo dõi trên hệ thống vành đai bảo vệ chung quanh nơi ở của thân chủ cũng là một điều khoản trong hợp đồng dịch vụ.
Các tỷ phú sắm trực thăng robot để giám sát an ninh khu nhà ở của mình. |
Cụ thể hơn, nhiều tỷ phú ngày nay, trước khi chọn mua một nơi ở nào đó, luôn thuê một nhân viên thám tử đi nghiên cứu địa hình-địa thế trong khu vực nhằm vạch ra phương án thoát hiểm an toàn trong trường hợp khẩn cấp. Và thám tử này cũng được yêu cầu điều tra nhân thân của cộng đồng dân cư sống trong hay gần khu vực. Quả là chưa bao giờ người ta “lo xa” một cách thái quá như lúc này. Nhưng chưa hết, những người cẩn trọng vào bậc nhất trong giới tỷ phú còn có thể sắm thêm một trực thăng robot loại “mini” không người lái để bay quan sát và theo dõi các động tĩnh trong khu vực mà họ đang sinh sống, nhiều lần trong ngày. Trên thị trường, chiếc máy bay bỏ túi loại này hiện không thiếu: 150.000 USD/chiếc, do công ty Steadicopter chào hàng.
Ngày nay, người ta lại lo sợ nhiều hiểm hoạ ập đến từ yếu tố “con người” chứ không phải từ thiên nhiên. Do vậy, dịch vụ điều tra nhân thân ngày càng nở rộ. Một chuyên gia tư vấn làm việc cho Biometrie Group là Victor Lee xác nhận: “Sự kiện ngày 11/9 đã tạo ra một nhu cầu mới và cấp bách về việc nhận dạng con người. Các tỷ phú sẵn sàng chi trả một khoản chi phí rất lớn để thuê bao loại hình dịch vụ này. Đối với họ bây giờ, giá cả để được bảo vệ an toàn tuyệt đối cho bản thân hoàn toàn không thành vấn đề”.
Khi mà một tay vặn cửa có khả năng xác định được dấu vân tay của người mở đã trở nên quá tầm thường, thì người ta đã có những chiếc cửa ra vào sẽ không bao giờ chịu mở khi chúng không thể nhận ra mùi và thân nhiệt của cơ thể những người mà chúng “quen”. Ông Lee cho biết thêm: “Ngày nay, người ta rất tin tưởng vào việc nhận dạng con người qua hình dáng bàn tay, dái tai, hay qua cách mà bạn cử động cơ thể”. Đúng là nhiều bộ phận trên cơ thể và cả động tác di chuyển, dáng đi của con người đều được máy chụp vào để từ đó làm dữ liệu xác minh
Nghỉ ngơi dưới đáy biển hoặc mở Viện bảo tàng tư nhân
Bất động sản luôn chiếm một vị trí quan trọng trong sự chọn lựa của người giàu. Ngày nay, trong một thế giới mà “bề nổi là trên hết”, người ta có khuynh hướng phải khẳng định cho được vị thế xã hội của mình “từ bên ngoài”. Và ngôi nhà – chỗ ở là một trong những yếu tố được gọi là “từ bên ngoài” đó.
Vì thế, những kiến trúc sư tài năng thời nay nghiễm nhiên trở thành những “sao”. Họ được gọi bằng một cái tên mới: “starchitect” (ghép từ hai chữ star và architect), những “kiến trúc sư- ngôi sao”. Và khách hàng của họ cũng rất đông. Lấy ví dụ, để tô điểm thêm cho nơi ở của mình, vị TGĐ của hãng phần mềm Oracle là Lawrence Ellison, một đối thủ cạnh tranh của Bill Gates, đã bỏ tiền ra xây một khu vườn Nhật rộng 14 hecta bao quanh ngôi nhà mình, gần San Francisco. Ông đã mời 9 kiến trúc sư phong cảnh và 15 chuyên gia thiết kế sân vườn đến làm việc suốt gần 10 năm mới xong. Tổng chi phí cho công trình này là 100 triệu đôla.
Theo TGĐ Milton Pedraza của Luxury Institute, người giàu hiện nay có xu hướng hưởng thụ một cách “thời thượng” hơn. Họ thích những sinh hoạt nhàn nhã, thích “vui thú điền viên” hơn, như được làm chủ trại chẳng hạn. Nếu như khách chọn đến thăm trong một khu trang trại vườn ở thung lũng Napa (California), khách sẽ được mời đóng vai một chủ trại vườn nho, sẽ được tự mình thu hoạch nho, tự mình thiết kế kiểu dáng chai rượu và cả nhãn hiệu cho loại rượu mà mình chọn. Nói tóm lại, đây là một thú vui tiêu khiển mà hầm rượu vang Napa Valley Reserve đưa ra phục vụ những khách hàng giàu có.
Và cũng theo TGĐ Milton Pedraza, sẽ có một ngày không xa mà hãng đồng hồ Cartier sẽ cung cấp cho khách hàng, nói đúng hơn là cho thuê, những sản phẩm đắt giá nhất của mình. Khi đó, khách hàng có thể đeo nhiều loại đồng hồ Cartier trong một thời gian nào đó mà không cần phải sở hữu nó vĩnh viễn.
Những HNWI ngày nay “thoáng” hơn các thế hệ trước, nhưng lại đòi hỏi gắt gao hơn. Từ đó ra đời hệ thống dịch vụ quản gia được cá nhân hoá tuyệt đối. Công ty Xtreme Personal Assistant Concierge Services đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của khách hàng, dù cho đó là những yêu cầu “điên rồ” nhất, như giao một chiếc bánh pizza từ Chicago sang London. Đối thủ cạnh tranh của họ là công ty LesConcierges còn chu đáo hơn khi nhận dịch vụ giao tận nhà một “sản phẩm đông lạnh” là tuyết để một gia đình giàu có tổ chức sinh nhật cho con mình.
Và dường như thời nào cũng vậy, dấu hiệu để thể hiện sự thành đạt luôn được tính bằng số lượng và giá trị vật chất của các tác phẩm nghệ thuật mà chủ nhân sở hữu được. HNWI thường là những nhân vật có trong tay những bộ sưu tập đặc biệt. Tại nhà bán đấu giá Sotheby’s vào một ngày tháng 6 vừa rồi, Ronald Lauder, người thừa kế một vương quốc mỹ phẩm do bà mẹ để lại đã ký một tấm ngân phiếu trị giá 108 triệu euro để có được bức tranh nổi tiếng nhất do hoạ sĩ người Áo Gustav Klimt vẽ - bức Chân dung nàng Adele Bloch-Bauer - để bổ sung vào Viện bảo tàng tư nhân của mình được khánh thành vào năm 2001 tại New York.
Stephen Cohen, người quản lý một quỹ đầu tư và cũng là một trong những sưu tập gia có hạng mới đây đã bỏ ra 12 triệu đôla để có được một tác phẩm của nghệ sĩ Damien Hirst là một chú cá mập ngâm formol, và sau đó là 24 triệu khác cho một tác phẩm của hoạ sĩ nổi tiếng Andy Warhol. Một chuyên gia tư vấn về mua sắm cho các “đại gia” là Abigail Asher đã nhìn nhận: “Đôi khi họ khá điên rồ. Những con người này thích có được càng nhiều “chiến lợi phẩm” treo trên tường càng tốt. Trên thương trường hiện nay, người ta bắt gặp cả một đội ngũ chuyên gia sưu tập thuộc thế hệ mới. Những đối tượng này muốn rằng bất kỳ ai đến thăm nhà mình cũng đều phải “sững người” trước các tác phẩm nghệ thuật mà họ trưng bày”.
Trong lĩnh vực du hí, nếu bạn là một HNWI và là người thích khung cảnh đại dương, thì đã có Liveras - một công ty đặt trụ sở tại Cyprus giúp bạn sở hữu một du thuyền cao cấp và trong một khoảng thời gian theo bạn chọn. Ví dụ, chiếc Annaliesse dài 83m được cho thuê với giá 72.000 euro mỗi ngày và 94.000 euro trong các dịp lễ hội, như Liên hoan phim Cannes. Còn nếu như bạn muốn thăm thú và chiêm ngưỡng khung cảnh ngay dưới đáy đại dương thì cũng có một tàu lặn “bỏ túi” do hãng US Submarines chế tạo.
Tổng giám đốc Bruce Jones của US Submarines kể lại: “Năm 1993, khi tôi đề xuất dự định sản xuất các loại tàu lặn thì các dự án của tôi không được ai quan tâm ngó ngàng gì cả. Nhưng hiện nay, các mặt hàng của tôi không đủ để cung cấp nữa là đằng khác. Các khách hàng giàu có rất thích thú và mãn nguyện khi những du thuyền của họ có đầy đủ mọi phương tiện vui chơi giải trí mà họ cần”. Nhu cầu này đã thúc giục US Submarines cho ra đời một chiếc tàu lặn cỏn con nhưng rất sang trọng và chỉ dành cho 2 người, với giá 1,2 triệu đôla. Trong khi đó, chiếc Phoenix 1000 dài 65m thì đắt tiền hơn… một chút: 80 triệu USD.
Khách sạn 5 sao Poseidon dưới biển. |
Mới đây nhất, Tổng giám đốc Jones tung ra một đề án mới dành cho những người đang nuôi mộng được sống và sinh hoạt dưới lòng biển: một khách sạn 5 sao dưới mặt nước nằm ngoài khơi quần đảo Fidji, với giá thuê phòng là 15.000 USD một tuần lễ dành cho một người. Mặc dù khu liên hợp dưới đáy biển mang tên Poseindon Undersea Resort này đến cuối năm 2007 mới mở cửa đón khách, nhưng chính ban quản lý dự án cũng đã phải ngạc nhiên thốt lên: “Đã có 10.000 khách đăng ký trước!”. Trộm nghĩ, bỏ ra vài chục ngàn đôla để được “sống dưới nước” thì cũng đáng “đồng tiền bát gạo” lắm chứ.
Và những “jet-set” của tương lai
Trong nhiều thế hệ trước đây, khi có thể làm ra tiền, người ta thường nghĩ đến việc tậu một biệt thự, mua một lâu đài, hay cùng lắm là “cắm sào” tại một nơi cố định nào đó. Ngày nay ngược lại, những người giàu có thích “bay nhảy” nhiều hơn, họ và gia đình ham thích được sống đây sống đó hơn. Theo báo cáo của WWR, cứ trong 10 HNWI thì có 3 trường hợp cho con đi du học nước ngoài hoặc chính bản thân họ tìm mua những biệt thự tại nước ngoài. Do đó, không gì ngạc nhiên khi một vài trường học có uy tín ở Anh, như trường Harrow chẳng hạn, đã quyết định phải “chạy theo” phụ huynh bằng cách mở thêm nhiều chi nhánh bên ngoài lãnh thổ Anh.
Và nay cũng là thời kỳ quay lại của những “jet-set” (những tầng lớp giàu có và sang trọng chuyên di chuyển bằng máy bay) thực thụ. Chủ tịch tập đoàn ngân hàng Merrill Lynch là Gilles Dard đã ghi nhận hiện tượng này từ 3 năm nay. Và để có thể quản lý tốt các tài khoản của hơn 700 gia đình giàu có ở Pháp hiện nay, tập đoàn Merrill Lynch đã phải huy động thêm các thành viên tại New York, Geneva, London và cả Monaco.
Ngày nay, mối quan hệ giữa nghệ thuật và thương mại đã trở nên khắng khít đến nỗi công ty NetJets của nhà tỷ phú Warren Buffett, một công ty cho thuê máy bay thương mại có chỉ số phát triển lên đến 1.000% trong 4 năm, đã trở thành đối tác làm ăn với Hội chợ triển lãm Basel tại Thuỵ Sĩ và cả hội chợ Frieze Air Fair tại London. Và ngay trong kỳ hội chợ Basel mới đây, đã có đến 60 máy bay riêng đến dự.
Trong một thế giới mà dường như ai cũng đang tìm cách ứng dụng sao cho hiệu quả nhất “định luật Moore”, một định luật được trình bày bởi Moore, một trong hai sáng lập viên hãng Intel cho rằng “công suất của một chiếc máy vi tính sẽ tăng lên gấp đôi cứ sau 18 tháng”, thời buổi này ai cũng phải đi nhanh và xa hơn, và bằng bất cứ giá nào. Hãng Aerion đã dựa trên “tiêu chí” đó để chào bán một kiểu máy bay siêu thanh thương mại thế hệ mới. Và rồi đây, chắc sẽ đến lúc người ta nghĩ đến việc đặt mua cho riêng mình một chiếc tàu vũ trụ chăng?
Các HNWI quan tâm hơn đến từ thiện
Trong thập niên 1980, những “Ông chủ của thế giới”, nói theo cách của nhà văn Tom Wolfe, luôn có một ý tưởng duy nhất là làm sao có càng nhiều tiền càng tốt. Một người buôn ngoại hối có tên là Ivan Boesky đã từng buông ra một câu nổi tiếng: “Greed is good!” (Ham danh hám lợi là tốt). Nhưng sang đến đầu thập niên 2000, họ đã thay đổi suy nghĩ theo triết lý của Andrew Carnegie, một nhà công nghiệp và từ thiện người Mỹ: “Người nào khi chết mà giàu, trong tay có nhiều tiền của, thì sẽ chết trong sự thất sủng”.
Nếu như có một Bill Gates và Warren Buffett là những người đi tiên phong, thì chúng ta có thể ghi nhận lời phát biểu của một Pierre Omidyar, 39 tuổi: “Nếu bạn đã tạo ra được của cải chỉ trong một thời gian ngắn thì bạn hãy xem những hoạt động từ thiện cũng là một công việc như kinh doanh vậy”. Chẳng đâu xa, ngày 26/6 vừa rồi, chính tỷ phú Warren Buffett đã thông báo sẽ tặng 80% tài sản của mình, tức 37 tỷ USD (29,6 tỷ euro) cho các tổ chức từ thiện do Bill Gates và các thành viên trong gia đình điều hành.
Quyết định trên là một sự kiện chưa từng có từ trước đến nay tại Mỹ. Và Warren Buffett cũng xác nhận ông sẽ tiếp tục các công việc từ thiện của mình cho đến cuối đời.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)