>> Những bức vẽ trị giá cả nghìn tỷ đồng
Tại cuộc bán đấu giá tranh do Christie’s International tổ chức ở Hong Kong ngày 25/5, bức "Người bán gạo" của danh họa Nguyễn Phan Chánh được bán với giá 3,03 triệu đôla Hong Kong (hơn 8 tỷ đồng). Đây được xem là giá bán kỷ lục của một bức tranh do họa sĩ Việt Nam vẽ.
Bức tranh của danh họa Nguyễn Phan Chánh có tên là La Marchand de Riz (Người bán gạo) vẽ từ năm 1932, được định giá ban đầu chỉ vỏn vẹn 75 USD. Theo Bloomberg, sở dĩ bức tranh được định giá thấp như vậy vì người ta tưởng nhầm đây là bức tranh này của một họa sĩ người Trung Quốc tập sự. Tuy nhiên, sau khi được các chuyên gia xem xét lại, nhiều người đã nhận ra giá trị thực sự của bức tranh có từ năm 1932.
Tranh của danh họa Phan Chánh được bán với giá hơn 8 tỷ đồng tại cuộc bán đấu giá tranh ở Hong Kong. |
Theo chuyên gia về tranh Jean Francois Hubert, bức tranh “Người bán gạo” là một tác phẩm hoàn hảo. Khung của bức tranh đã được đóng khung bởi chuyên gia Gardin ở Paris (Pháp) và từng được trưng bày ở thành phố Napoli (Italy) năm 1934.
Trước đây, bức tranh của một họa sĩ Việt Nam được cho là lập kỷ lục về giá thuộc về danh họa Lê Phổ. Tại cuộc bán đấu giá Sotheby's (Hong Kong), tranh của họa sĩ Lê Phổ được bán với giá 2,9 triệu đôla Hong Kong.
Trong cuộc Đấu xảo thuộc địa 1931 tại Paris, những tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Phan Chánh đã gây được tiếng vang lớn. Ông được xem như một trong những họa sĩ tiêu biểu cho nền hội họa Đông Dương. Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng 3, Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất. Ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996.
Nguyễn Phan Chánh sinh ngày 21/7/1892 tại thôn Tiền Bạt, xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà nay là phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Ông vốn là người bình dị, sống nội tâm và có chiều sâu, trong giới hội họa ông được biết đến là họa sĩ “khái tính” có tiếng. Cuộc sống gia đình ông đã có giai đoạn cực giàu nhưng rồi nghèo khổ đến mức đói ăn cũng vì tính cách này. Theo lời kể của con gái lớn cố họa sĩ - nữ nhà văn Nguyệt Tú, gia đình họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã có một đời sống sung túc và dư dả trong giai đoạn ông theo đuổi phong cách sáng tác tranh lụa, đậm đà bản sắc Việt Nam và được mời làm giáo sư giảng dạy môn mỹ thuật tại trường Bảo Hộ (trường Bưởi sau này).
Với mức lương 100 đồng Đông Dương được trả mỗi tháng là một số tiền rất lớn ở thời điểm đó, Nguyễn Phan Chánh đưa vợ con và mẹ từ Hà Tĩnh ra Hà Nội. Gia đình sống trong ngôi nhà rộng rãi tại phố Phó Đức Chính và nuôi 4 người giúp việc.
Năm 8 tuổi, nhà văn Nguyệt Tú cùng gia đình phải chuyển từ Hà Tĩnh ra Hà Nội vì cha và bị thất nghiệp. Lý do của việc thất nghiệp là do họa sĩ làm trái lệnh khi viên Tổng giám thị trường Bảo Hộ yêu cầu ông vẽ lại một bức tranh theo ý của vị người Pháp này và Nguyễn Phan Chánh nhất định không nghe theo. Trong sáng tạo nghệ thuật, ông ghét sự gượng ép mà yêu thích sự tự do, phóng túng và tôn trọng bản sắc dân tộc.
Bức tranh Người bán gạo lập kỷ lục với giá bán hơn 8 tỷ đồng. |
Nguyễn Phan Chánh vẽ lụa bởi lụa diễn tả được làn da trắng mát và dáng vẻ mềm mại uyển chuyển của người phụ nữ. Đây cũng là một trong những lý do giải thích cho số lượng tranh về thiếu nữ nông thôn chiếm chủ đạo trong các sáng tác của ông. Tại quê nhà, ông sống bằng nghề vẽ truyền thần cho những người yêu thích. Tiền công vẽ truyền thần được trả bằng gạo, ngô, khoai sắn.
Có lần, do đãng trí, khi người ta trả tiền công vẽ bằng khoai, ông cứ thế mà bỏ khoai vào chiếc túi thủng rồi đi về và bữa đó, cả nhà đành nhịn đói. Vợ ông tần tảo đêm ngày nuôi gia đình bằng nghề hàng xáo. Mỗi buổi sáng sớm, bà mang quang gánh đi mua thóc. Tối về giã gạo lấy cám, sớm hôm sau, bà lại gánh gạo ra chợ bán. Cuộc sống quá vất vả cũng là một lý do khiến vợ Nguyễn Phan Chánh mất khi còn rất trẻ, để lại nỗi nhớ khôn nguôi cho người họa sĩ tài hoa.
Ngay ở giai đoạn gian khó đó, ông vẫn tiếp tục sáng tác tranh lụa và cho ra đời nhiều tác phẩm thể hiện vẻ đẹp hồn hậu của nông thôn Việt Nam. Phía sau những bức tranh lụa mỏng manh, tuyệt đẹp ấy là gánh nặng gia đình với 5 miệng ăn thời chiến tranh.
Sáu năm sau ngày vợ mất, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã vẽ bức tranh lụa “Cô hàng xén” bằng những ký họa ngày xưa và từ những ký ức về người vợ của mình. Bức tranh vẽ một cô thiếu nữ ngồi đọc sách giữa 2 chiếc sọt gánh hàng xén. Phông tranh màu vàng nâu, cái màu vàng ấm áp khi trời đã ngả về chiều. Gương mặt bầu bầu, xinh xắn hiền hậu của cô hàng xén phảng phất nét mặt vợ ông hồi còn trẻ.
Tác phẩm này đã đánh dấu sự trở lại với tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh sau thời gian kháng chiến chống Pháp. Không chỉ xuất hiện trong bức tranh “Cô hàng xén”, thời gian còn sống, vợ danh họa đã làm mẫu trong khá nhiều tác phẩm của ông và bao giờ cũng là gương mặt trái xoan thanh tú, đôi mắt lá răm và sống mũi thanh. Trong cuộc đời họa sĩ, những bức tranh nổi tiếng thường gắn liền với những câu chuyện tình yêu. Ông đã dành cả cuộc đời để vẽ người phụ nữ ở độ tuổi đẹp nhất - tuổi thanh xuân và vợ ông là một trong số đó.
Theo An Ninh Thủ Đô