Trước khi nhận Cup vàng World Cup 2022, Messi được Tiểu vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani khoác lên mình một chiếc áo choàng màu đen. Đây là trang phục truyền thống của nam giới Arab, có tên gọi là bisht. Loại áo này thường được những người có địa vị như quan chức hoặc giáo sĩ mặc trong những dịp đặc biệt như đám cưới hay sự kiện tôn giáo. Việc Messi trở thành cầu thủ đầu tiên mặc áo choàng lên nhận Cup gây nhiều tranh cãi.
Tài khoản Twitter của nhà sáng tạo nội dung Tallie Dar cho rằng đây là việc làm để tôn vinh Messi. "Chiếc áo choàng Messi mặc có tên là bisht. Các chiến binh Arab thường mặc nó sau khi thắng trận. Nó cũng được mặc bởi Hoàng gia. Tiểu vương Qatar tặng Messi để thể hiện sự tôn trọng. Messi cũng như một chiến binh đã mang về chiến thắng cho đất nước của mình", Tallie Dar nêu ý kiến.
Trong khi đó, cựu danh thủ Anh Gary Lineker bày tỏ: "Một cảnh tượng tuyệt vời, những hình ảnh ấn tượng từ trên khán đài và dưới sân khi Argentina lần thứ ba vô địch World Cup. Tuy nhiên, việc họ khoác lên Messi một chiếc áo để che đi áo của Argentina là một nỗi xấu hổ".
Cựu hậu vệ tuyển Argentina Pablo Zabaleta cũng không tán thành việc đại diện nước chủ nhà Qatar khoác áo choàng cho Messi. Anh đặt câu hỏi: "Vì sao vậy? Không có lý do gì để làm điều đó cả".
Tariq Panja, nhà báo đang làm việc cho New York Times, bình luận: "Có điều gì đó không bình thường khi Messi phải mặc bisht trước khi nâng Cup. Qatar muốn đây là khoảnh khắc của họ thay vì của Messi và Argentina".
World Cup 2022 là giải vô địch thế giới đầu tiên được tổ chức vào mùa đông. Đây được coi là kỳ World Cup hay nhất trong lịch sử nhưng cũng gây nhiều tranh cãi bởi những vấn đề bên lề. Nước chủ nhà phải nhận nhiều chỉ trích vì quyền con người, hàng nghìn công nhân nhập cư được cho là đã chết khi tham gia xây dựng các công trình phục vụ World Cup. Tuy nhiên, Qatar phủ nhận điều này.
Tại Qatar, quan hệ đồng tính không được chấp nhận, quyền của phụ nữ bị hạn chế, CĐV không được sử dụng rượu bia tại SVĐ. Nhiều CĐV nước ngoài khi tới đây đã biểu tình để đòi quyền cho cộng đồng LGBT+ nhưng bị dập tắt bởi chính quyền địa phương.
Minh Khang (Theo CNN, News24)