![]() |
Các thợ đang dán keo xe tay ga Suzuki trên đường Nguyễn Chí Thanh. |
“Cái nghề mới mẻ này đang ăn nên, làm ra mà chỉ phải bỏ công làm lời. Chủ yếu đòi hỏi mình phải khéo tay và tỷ mỉ một chút thôi”, anh Huỳnh Văn Thái, một thợ dán keo xe có đẳng cấp trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TP HCM, đã tận tình hướng dẫn như vậy.
Theo lời của anh Thái, trước đây, dân chơi xe ở TP muốn trang trí cho chiếc xe của mình thì phải đến đúng các tiệm dán keo ở trên đường Nguyễn Chí Thanh, Cách Mạng Tháng Tám, Trần Huy Liệu, Nguyễn Kiệm... Còn bây giờ hầu như tuyến đường nào cũng có các điểm đảm nhận công việc này. Từ các điểm “di động”, tức là làm ở lề đường, phải ở tư thế sẵn sàng di tản khi thấy bóng công an, đến những tiệm có thương hiệu, rất quy mô, uy tín.
Nghề dán keo xe coi dễ mà khó. Chỉ cần một con dao lam, một cái kéo và cái hộp quẹt là có thể “làm nên mọi chuyện”. Mới thoạt nhìn thì nghĩ chỉ cần khéo tay một chút là có thể tự mày mò làm được, nhưng có vào cuộc rồi mới thấy thật không đơn giản tí nào. Hơn nhau ở chỗ phải có óc mỹ thuật trong việc “bố trí” từng loại tem; miết, dán thế nào cho sát, khít và lâu tróc.
Trên đường Nguyễn Chí Thanh có khá nhiều “lò” nhận đào tạo “thợ” chỉ trong vòng 3 ngày với học phí 200.000 đồng, bảo đảm ra nghề nhưng với điều kiện chỉ nhận người tương đối khéo tay.
Trong khoảng thời gian 3 ngày đó, “học viên” sẽ được hướng dẫn các kỹ thuật cắt, dán đề can, bí quyết phối màu, chọn tem chất lượng, canh lửa... Trước khi học, “học viên” sẽ được người thợ cũ cho thử tay nghề để xem năng khiếu trước.
Bình quân cứ dán keo trọn gói cho một chiếc xe cỡ như Dylan, @, Nouvo thì giá cỡ 70-100 nghìn đồng. Nếu thêm vào các loại tem màu trang trí giá có thể lên thêm 50-100 nghìn đồng. Tính ra, trừ đi chi phí tem, keo, người thợ dán có thể kiếm được 30-100 nghìn đồng. Một ngày chỉ cần dán được cho chừng vài ba chiếc xe đời mới là có thể “ấm lòng”. Đó là chưa kể gặp khách sộp, ngoài việc dán keo, họ còn nhờ thợ đảm nhận luôn việc mua, gắn các loại ốc kiểu lặt vặt, kính xe... và còn “bo” thêm.
Có những tay chơi xe thứ thiệt, mới hôm trước dán keo, dán tem vừa xong thì hôm sau ra “tuốt” lại chỉ vì “hơi bị trầy xước”. Có người cứ độ tuần lễ là lại chạy xe ra thay bộ keo mới. Cỡ nào thợ dán cũng làm, nhưng chất lượng thật sự của các bộ tem, keo xe kia như thế nào thì còn tùy thuộc vào cái tâm của họ. Có những bộ tem xe được bảo là của Nhật, của Hàn Quốc nhưng sự thực thì lại là hàng “Hong Kong bên hông Chợ Lớn”.
Thợ dán Hồ Minh Hà trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận nổi tiếng là có tay nghề cao. Từ Quảng Ngãi vào TP lập nghiệp với hai bàn tay trắng, anh theo học một khóa dán cấp tốc ở đường Nguyễn Chí Thanh rồi thuê một góc nhỏ của quán cà phê trên đường Trần Huy Liệu hành nghề. Nhờ dán mát tay, chỉ trong hơn 4 năm, anh đã để dành được ngót 150 triệu đồng, rước cả vợ, con vào Sài Gòn cư ngụ. Bây giờ anh Hà thuê hẳn một cái mặt bằng rộng 20 m2 để mở tiệm.
“Ngồi đồng” ở tiệm Hà vài ngày, PV Người Lao Động mới phát hiện, bao giờ anh cũng dùng quẹt máy chứ không phải quẹt gas khi dán keo như những nơi khác vì “lửa zippô mới chuẩn”.
Anh Hà còn có những thứ đồ nghề tự chế rất “độc chiêu” như một thanh sắt nung nóng vừa phải cuộn vào mấy lớp vải áp lên tấm keo xe, cây compa để vẻ đường cong khi cắt... Độc đáo hơn là dùng sáp đèn cầy để xoa vào những góc kín của lớp keo mới dán... Một biệt tài khác nữa của anh Hà là dán siêu tốc. Nhưng chất lượng thì vẫn bảo đảm. “Nghề này hơn nhau là nhờ canh lửa và độ dính bóng của keo và tem xe khi dán. Cái này chẳng ai dạy ai được, phải tự sáng tạo ra thôi”, anh Hà nói.
Nghề thợ dán xem ra đang gặp thời vì số lượng xe gắn máy ở TP vẫn cứ tăng nhanh đến chóng mặt. Chỉ cần những dụng cụ “thô sơ”, vài trăm nghìn tiền vốn để vào khu chợ Tân Thành, quận 5 mua “nguyên vật liệu” rồi kiếm một góc đường nào đấy là có thể hành nghề.
Không chỉ có những thợ dán “di động” mới phải méo mặt vì lỗ vốn do bị công an tịch thu đồ nghề, mà ngay cả thợ có tiệm hẳn hoi cũng lắm khi phải làm không công cho khách.
Anh Thái kể có lần, có cả nhóm thanh niên ăn mặc rất quậy, đi toàn xe đắt tiền đến nhờ anh dán keo xe. Cha con anh Thái cứ ngỡ là trúng mánh lớn nên hào hứng hì hục làm. Ai ngờ dán xong, nhóm này bảo rằng không mang theo tiền, đòi thiếu lại. Cậu con anh cự lại thì nhóm này định hành hung rồi sau đó rầm rộ phóng xe đi. Hầu như thợ dán nào cũng từng bị và phải luôn đề phòng những nhóm khách côn đồ chuyên “độ xe” kiểu đó.
Ngay cả dán keo xe cho khách đàng hoàng mà không vừa ý họ thì bị mắng té tát là chuyện thường tình. Nhiều người còn bắt phải gỡ ra, dán lại vì nếu không thì “làm mất đi giá trị chiếc xe xủa họ”. Có lần, chỉ vì vô ý làm trầy vết sơn chiếc @ của một ông khách, anh Thành, một thợ dán trên đường Cách Mạng Tháng Tám, bị nhận một bợp tai để đời lại còn phải móc túi đền 500.000 đồng theo ý của ông khách keo kiệt.
Thợ dán thì ngày một đông nhưng những người thành danh như anh Hà, anh Hùng, anh Thái..., có tiệm hẳn hoi lại chưa nhiều. Đa phần vẫn là thợ “di động”, làm ở lề đường. Do chỗ làm không ổn định, cũng có không ít thợ dán làm việc khá chụp giựt và xảy ra tình trạng tranh thủ “nâng giá”, “ép giá” khách hàng hay thậm chí “chôm chỉa” một vài phụ tùng xe của khách.
“Phải tận tâm và có niềm say mê chứ đừng vì ham tiềm mà làm gian dối, kém chất lượng thì khó mà tồn tại lâu dài được”, anh Hà đúc kết kinh nghiệm mấy năm làm thợ dán của mình như vậy.