Ừ, biết đâu những thanh âm ấy là có thật, và biết đâu vẫn còn những khoảng trống là chỗ nương tựa cho những nạn nhân? Niềm hy vọng ấy đã đồng hành cùng rất nhiều người trong đêm 26/9...
Thi thể nạn nhân đầu tiên được tìm thấy trong đêm là anh Đặng Văn Sóc, 21 tuổi. |
12h khuya. Cô Bé Bảy, người thân của nạn nhân tên Bé Sáu, vụt khóc và chạy vào hiện trường. Mọi người xúm lại khuyên giải, đưa cô ra khỏi vùng nguy hiểm. Cô gái ngồi khóc bên cạnh hàng rào với những lời kể lể về người cha bị tai biến, về người mẹ đang rất yếu, về tình thương của cô đối với người anh.
"Nãy giờ, một chút là người ta nghe có tiếng động, thậm chí có người còn chắc rằng mình đã nghe tiếng kêu cứu hay tiếng ho, khạc... vọng ra từ đâu đó. Nửa đêm, câu chuyện về thanh âm tiếng gõ trở thành trung tâm của mọi câu chuyện.
Ừ, biết đâu những thanh âm ấy là có thật. Giữa trăm nghìn thanh sắt nhọn như dao kiếm kia, biết đâu còn những khoảng trống sẽ là chỗ nương tựa cho những nạn nhân? Ai đó, sau mỗi lần nghe một tiếng “keng” lại bắc tay làm loa hỏi vọng vào: “Trong đó còn mấy người vậy?”. Im lặng. Chốc sau lại một tiếng “keng”. Ở trong đó còn mấy người vậy? Im lặng. Và điều ấy cứ diễn ra trong nhiều giờ...
Vào khoảng 21h ngày 27/9, Chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã phát hiện thêm một thi thể nạn nhân, chó nghiệp vụ cũng phát hiện thêm ba vị trí có thể có người đang bị mắc kẹt. Các đơn vị đang khẩn trương dùng cơ giới và đưa người tiếp cận nạn nhân ngay trong đêm.
Trước đó, trong chiều 27/9 cũng đã phát hiện thêm hai thi thể công nhân Nguyễn Văn Sơn và Phạm Minh Quân thuộc Công ty xây dựng cơ khí Vĩnh Thịnh.
Như vậy, hiện đã có 45 người chết, 82 người bị thương, số mất tích theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Long là chín người. Theo một kỹ sư tham gia cứu hộ, trong khu vực còn khoảng 5/7 công nhân nhưng khả năng sống sót là rất ít.
Về phương án cứu nạn, nhà thầu TKN Nhật Bản cho rằng đến nay các vật liệu nặng đã đạt độ ổn định, không còn nguy cơ lún sụp. Dù vậy nhóm chuyên gia vẫn cân nhắc chưa bốc dỡ, dọn dẹp đồng loạt. Lực lượng cứu nạn sẽ dùng cơ giới để bốc vật liệu nặng phía ngoài ra trước, sau đó tìm kiếm người bị nạn. Đến thời điểm này chưa có thông tin về việc áp dụng các thiết bị dò tìm sự sống để tìm người.
1h sáng. Chiếc cần cẩu cao 60m nhấc bổng chiếc lồng sắt chở hai kỹ sư người Nhật Manchu và Okumuga đảo nhiều vòng quan sát xung quanh khu vực hai nhịp cầu gãy. Họ đang quan sát tổng thể lần cuối trước khi chọn điểm quyết định để đột phá...
1h37. Hai tốp thợ mộc và thợ hàn người Philippines gồm 23 người được điều vào điểm giữa hai nhịp cầu gãy với nhiệm vụ dọn dẹp khu vực này để tìm kiếm nạn nhân. Thêm một chiếc đèn pha được chuyển qua bên kia đống đổ nát để soi đường cho cuộc tìm kiếm bắt đầu.
1h44. Cả công trường nháo nhào, với tiếng thét của những người điều khiển cần cẩu yêu cầu mọi người phải chạy nhanh khỏi hàng rào vào khu vực an toàn. Một khối khung thép khổng lồ được nhấc bổng lên và đưa vào khu vực an toàn bên ngoài.
2h45. Ai đó thét lên: “Có người!”. Tất cả nhổm dậy. Vẫn chưa có gì từ hố sâu.
3h01. Một nhân viên y tế của Trung tâm Y tế huyện Bình Minh bật từ trung tâm hiện trường ra ngoài thông báo: đã thấy được một bàn tay mà chưa lấy ra được.
3h15. “Mang xác ra ngoài!”. Tất cả mọi góc đều nhổm dậy và chạy vào khu vực một hàng dài xen kẽ giữa những nhân viên cứu hộ người Việt và Philippines. Chiếc băng ca được mang đến. Thượng úy Bùi Văn Bình, trung đội trưởng trinh sát của Huyện đội Bình Minh, chạy ra nói vội: “Tôi rờ trúng một cái đầu và một bàn tay nhưng bị chèn cứng lắm, chưa mang ra được”.
Các nhân viên cứu hộ đang xác định danh tánh nạn nhân qua thẻ đeo trên ngực áo. |
Thi thể nạn nhân đầu tiên được mang ra vài phút sau đó. Tất cả bật dậy và chạy ào theo chiếc xe cẩu thùng do tài xế Hồ Minh Khang cầm lái hướng ra bến đò ở bờ sông. Một cái tên được xướng lên: Đặng Văn Sóc. Những thân nhân thở dài thất vọng. Đến 4h, thi thể nạn nhân thứ hai là Dương Văn Khải (sinh năm 1986) được tìm thấy.
Sau khi đưa thi thể anh Khải ra ngoài, một chiến sĩ cảnh sát cho biết anh vừa chạm thêm một thi thể người nằm trong tư thế đầu hướng xuống đất. Sau nhiều nỗ lực, lúc 4h40, thi thể nạn nhân này cũng đã được đưa ra ngoài trong tình trạng mất cánh tay phải. Do thẻ đeo trên ngực áo bị mất nên lực lượng cứu hộ không xác định được tên tuổi.
Cứ thế, cứ thế, chừng hơn nửa giờ, có một người được đưa ra. Và tới gần 6h sáng, con số nạn nhân được phát hiện và đưa ra từ đống đổ nát là năm người.
Không biết từ lúc nào, những thanh âm phát ra từ trong đống sắt to dần không còn được quan tâm nữa. Lúc này, chị Bé Bảy, anh Tư Hát, anh Hùng..., những thân nhân của người mất tích, chỉ còn hướng mắt mình vào khu vực đào bới. Những tia hy vọng trong mắt họ dần dần nhường chỗ cho sự mỏi mòn chờ đợi như một định mệnh. Người chị dâu của Bé Bảy xỉu mấy lần trong lán trại của trung tâm cứu hộ bộ phận y tế, phòng dịch.
Thiếu tá Cao Thanh Tùng, Phó tham mưu trưởng Ban chỉ huy quân sự quận Ninh Kiều, và 37 nhân viên cứu hộ là những chàng trai của lực lượng dân quân tự vệ trở thành những người đưa tin “nóng” nhất. Họ vẽ nên bức tranh thực nhất về những bí mật đau đớn sau lớp bêtông và sắt thép.
Những cơ thể tìm được hầu hết bị lèn chặt bởi nhiều khối bêtông, những bộ ngực bị ép chặt dưới khung thép ken dày, nhọn hoắt như những thanh gươm. Có những bàn tay bị cắt đứt, có những chiếc cằm bị cắt lẹm đi, có những con người phải nằm ở tư thế hình số 4. Ngô Phước Tài, chàng dân quân tự vệ có khuôn mặt trẻ măng, nói ngậm ngùi: “Giở lên, có xác bị gãy ra làm ba đoạn, anh ơi!”. Còn Khánh Tường mô tả đầy hụt hẫng: “Tôi đưa chân xuống dưới quơ cùng hết, chỉ thấy trống không hà. Nếu có người, cũng không còn không khí mà thở”. Ở một góc hiện trường cách đó vài ba mét, Tư Hát nén tiếng thở dài. Hy vọng lịm tắt trong mắt anh.
5h30 phút. Ai đó chạy ra cho hay vừa mới tìm được hai thi thể nữa, một thi thể đang lộ ra nửa người phía trên và một lộ ra hai chân. Họ nằm song song với nhau dưới một khối bêtông. Những chiếc cần cẩu chậm, thật chậm, quơ qua quơ lại như treo đứng mọi hy vọng sau cùng.
Gần sáng, ánh trăng ngập tràn trên bờ sông Hậu trong cơn nước lớn. Nhưng chỉ có những bước chân chạy theo chiếc băng ca xuống đò rồi dừng lại thẫn thờ thất vọng. Một niềm hy vọng cụ thể nhất cũng tắt lịm dần khi ánh sáng lộ diện. Ai đó kết thúc: tìm được năm người khu này. Tôi điện thoại gọi vu vơ xem Tư Hát bây giờ đang ở đâu. Anh trả lời: “Tôi đang ở Bắc Cần Thơ, cái đứa mất cánh tay, không có cái thẻ tên chính là thằng Huỳnh Văn Thanh, con tôi. Cả công trường chỉ có hai đứa mặc áo thun màu đỏ, một đứa còn sống... Chính xác là nó rồi...”. Anh nín thinh một hồi rồi tắt máy.
Chuyến phà sáng sớm đang chở anh Tư Hát, người cha, về Bệnh viện 121 nhận thi thể con trai mình. Ở một nơi khác, đám tang con rể của anh cũng đang diễn ra. Một đêm trắng hy vọng đã hết thúc...
Bữa cơm nghĩa tình...
Làm thế nào để hỗ trợ gia đình những người bị nạn cũng như công tác cứu hộ tại hiện trường? Tính đi tính lại, sáng 26/9, bà Quan Cẩm Hồng - chủ sạp trái cây Hoa Cúc - đã cùng chín người bạn của mình góp tiền mua 900 phần cơm hộp, 1.000 chai nước suối rồi thuê đò mang sang hiện trường. Ngày 27/9, bà và những người bạn tiếp tục mua hơn 1.400 phần cơm, 1.200 chai nước suối... để cứu trợ. Để có số lượng cơm hộp lớn này, con trai bà Hồng đã vận động bạn bè và nhờ những người hàng xóm tỏa đi khắp các quán cơm, mỗi người mua 50 hộp sau đó tập hợp lại cùng lúc để mang sang cho kịp giờ ăn của mọi người. Gần chục người gồm bạn bè của bà và con cùng túc trực tại hiện trường suốt hai ngày nay. Tại hiện trường, nhìn một phụ nữ khóc ngất vì chưa có tin chồng, bà Hồng cùng những người bạn đã gửi tặng người phụ nữ này 2 triệu đồng và hứa nhận hai người con của chị về phụ bán trái cây cho cửa hàng của bà. Hôm nay, bà và những người bạn sẽ vào bệnh viện thăm và tặng quà cho các nạn nhân. |
(Theo Tuổi Trẻ)