Phát triển từ web drama cùng tên ăn khách, phim điện ảnh Bố già đặt bối cảnh chính là khu xóm lao động nghèo ở Sài Gòn, xoay quanh gia đình của ông Ba Sang (Trấn Thành) với những mâu thuẫn thế hệ giữa ông và cậu con trai Quắn (Tuấn Trần) cùng các anh chị em ruột của ông.
Ngoài vai trò diễn viên nam chính, Trấn Thành còn là đồng biên kịch, đồng đạo diễn, nhà sản xuất của phim, đồng thời tham gia thực hiện nhạc phim. Một lúc kiêm nhiệm nhiều vai trò trong một tác phẩm là canh bạc với bất cứ nghệ sĩ nào, huống hồ đây lại là lần đầu của Trấn Thành ở những vị trí tối quan trọng trong đoàn phim như vậy. Gây hồ nghi khi bắt đầu dự án, Trấn Thành thu về được sự nể phục của giới làm phim và khán giả. Với Bố già, nam nghệ sĩ mang đến Trấn Thành phiên bản đạo diễn có phần thông minh và duyên dáng hơn cả Trấn Thành phiên bản diễn viên.
Diễn tiến bộ nhưng chưa xuất sắc
Nhiều năm theo nghề diễn, Trấn Thành nổi tiếng với lối ứng biến linh hoạt trên sân khấu hài. Còn với phim ảnh, anh nhận lời chê nhiều hơn khen. Trấn Thành hay diễn hài lố, cường điệu mọi cử chỉ, cảm xúc nhưng hạn chế trong diễn nội tâm. Vai của anh trong loạt phim Trạng Quỳnh, Hoán đổi, 49 ngày, Chờ em đến ngày mai đều không mấy thành công. Tới khi thắng giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại LHP Việt Nam 2019 với phim Cua lại vợ bầu, anh cũng vấp phải phản đối gay gắt.
Trong web drama Bố già, Trấn Thành lặp lại nhiều lỗi cũ. Sang đến bản phim chiếu rạp lần này, anh khắc phục nhiều nhược điểm, biểu đạt tâm lý đã có độ sâu. Sự tiến bộ của một Trấn Thành diễn viên là không thể phủ nhận, dẫu cho vai diễn Ba Sang của anh đôi lúc đánh mất cảm giác của một "bố già" tuổi trung niên, nặng tính sân khấu trong cách nói thoại, đi đứng.
Thuyết phục khi lần đầu đạo diễn
Trong khi Trấn Thành phiên bản diễn viên chưa xuất sắc thì Trấn Thành phiên bản đạo diễn lại khiến nhiều người nể qua Bố già. Bộ phim có chất của Vũ Ngọc Đãng - người đồng đạo diễn với Trần Thành - ở cảnh sắc, không khí xóm lao động, đời sống vỉa hè. Còn những cảnh đông người, thắt nút - mở nút liên tục, đầy ắp mảng miếng chọc cười nghiêng ngả hay các đoạn thoại dài, tung hứng qua lại, câu chữ dân dã, vần điệu, tính đời sống cao chính là màu sắc của Trấn Thành.
Ở vai trò tác giả kịch bản, Trấn Thành cho thấy bản thân là một người thông minh, có óc quan sát tốt. Bảo rẳng đưa chuyện đời mình vào phim, nhưng chắc chắn anh vay mượn nhiều chất liệu đời thường của xã hội quanh mình đưa lên màn ảnh. Ý tưởng phim về mâu thuẫn thế hệ không hiếm. Nhưng thể hiện một cách chi tiết sự vênh nhau giữa cha và con từ thói quen mua đồ đắt - rẻ cho tới quan niệm ở nhà mặt đất hay mua nhà chung cư như Bố già thì chưa nhiều. Bởi vậy xem phim, ai cũng thấy vấn đề hay lời ăn tiếng nói của gia đình mình trong đó.
Từ lúc Bố già ra mắt, nghệ sĩ Lê Giang và diễn viên Tuấn Trần được khen nhiều. Lê Giang tiết chế chất hài lố, diễn duyên đủ độ, sâu sắc và thấu cảm. Tuấn Trần từ một trai đẹp diễn đơ trở nên có chiều sâu, tạo cảm giác sống cùng vai diễn. Cái hay của Trấn Thành là làm diễn viên của mình nổi bật hơn mình và khai thác đa chiều từng người diễn viên.
Một nguồn tin trong đoàn phim tiết lộ rằng những ngày quay đầu, Tuấn Trần rất áp lực, bị Trấn Thành la mắng nhiều vì diễn không đạt. Có hôm, Trấn Thành không cho Tuấn Trần uống quá nhiều nước, tránh đi vệ sinh liên tục, ép anh tập trung vào cảnh quay. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng thì ghi nhận sự quyết liệt, không cả nể của Trấn Thành đối với diễn viên. Anh khen Trấn Thành có đầu óc đạo diễn nhạy bén, đủ sức làm đạo diễn một cách độc lập.
Bố già thiếu thuyết phục đôi chỗ, lê thê ở nhiều đoạn. Nhưng hai đạo diễn Vũ Ngọc Đãng - Trấn Thành duy trì khá tốt một thứ không khí đồng nhất trong cả phim, tạo được vài khoảnh khắc bùng nổ cảm xúc, làm khán giả thấy đồng điệu và rơi lệ. Thành công này là bước đệm đưa Trấn Thành chính thức nhập cuộc với nghề làm phim.
Phong Kiều