Nguyên bản, Bố già là web drama cho Trấn Thành đầu tư, sản xuất và đóng chính, trình chiếu vào đầu năm 2020. Ăn theo độ ăn khách của bản gốc, ý tưởng phim được phát triển thành phim chiếu rạp. Tại họp báo của phim hôm 4/12, Trấn Thành tiết lộ kinh phí của Bố già phiên bản điện ảnh gần một triệu USD (hơn 20 tỷ đồng).
Trong đó, tốn kém nhất là cảnh mở đầu phim. Tình huống cho thấy máy quay di chuyển từ ngoài đường phố TP HCM vào một con hẻm, đi qua từng căn nhà, giới thiệu lần lượt từng hộ dân, thành viên tại đây. Cảnh phim được thực hiện tại một con hẻm dài khoảng 100 m, quy tụ 100 diễn viên quần chúng, kéo dài 100 giờ ghi hình và tốn hơn một tỷ đồng.
Trấn Thành tiết lộ thêm một số căn nhà của các nhân vật quan trọng trong phim được đội ngũ thiết kế dựng hoàn toàn theo mô tả của anh trong kịch bản. Khi bối cảnh hoàn thiện, anh và đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đều ngỡ ngàng về chất đời, sự chân thực và tâm đắc với thẩm mỹ của căn nhà.
Công phu không kém trong Bố già là các cảnh đường phố ngập nước mùa triều cường. Đảm nhận một vai diễn trong phim, diễn viên Lan Phương chia sẻ với Ngoisao.net bộ phim được bấm máy vào đúng mùa triều cường tại TP HCM. Lúc quay cảnh con hẻm ngập nước, tổ thiết kế phải bơm nước, làm giả cảnh bị ngập. Trái lại, có những lúc đoàn thực hiện cảnh quay khác, đường sá lại bị ngập thật. Trong cả hai tình huống, êkíp và dàn diễn viên đều phải lội nước.
Giống như web drama Bố giả, phiên bản điện ảnh cũng do Trấn Thành nuôi dưỡng ý tưởng và chắp bút kịch bản. Anh cũng chia vai trò đạo diễn cùng Vũ Ngọc Đãng, đồng thời là nhà sản xuất, nhà đầu tư, nam diễn viên chính, tham gia hậu kỳ. Lý giải về sự tham công tiếc việc, Trấn Thành tự tin không ai hiểu câu chuyện phim bằng anh. Bởi vậy, anh muốn giám sát mọi khâu của quá trình sản xuất.
Riêng với vị trí đạo diễn, Trấn Thành lo mình sẽ không đủ chu toàn. Anh nói: "Tôi sợ nếu làm đạo diễn, tôi sẽ chỉ lo cho các diễn viên khác mà xao nhãng chính mình. Tôi cần một người đủ tỉnh táo để bảo tôi cần làm gì, nhắc tôi diễn chưa tốt trong một cảnh quay nào đó. Sau khi xem Bố già bản web drama hồi đầu năm, anh Đãng viết một bài rất dài bình luận về bộ phim. Tôi rất xúc động vì thấy anh Đãng hiểu được ý tưởng của mình. Bởi vậy khi làm phiên bản điện ảnh, tôi mời anh Đãng cùng đạo diễn".
Cùng tứ truyện về tình cha con trong bối cảnh xóm lao động nghèo giữa đô thị, nhưng Bố già bản điện ảnh kể câu chuyện độc lập với dàn nhân vật có tên tuổi, thân phận khác biệt bản web drama. Phim xoay quanh gia đình của bốn chị em: hai Giàu (NSND Ngọc Giàu), ba Sang (Trấn Thành), tứ Phú (Hoàng Mèo) và út Quý (La Thành), tập trung nhiều nhất vào ba Sang cùng hai đứa con của ông (Tuấn Trần, Ngân Chi đóng).
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho biết hình tượng "bố già" của Trấn Thành lần này dễ thương, không khó chịu, khó tính như trong bản gốc. Ông ba Sang làm nghề chở hàng thuê, được mệnh danh là "chúa tể bao đồng", chịu khó, giỏi chịu đựng và "chịu chơi". Mối quan hệ của ông ba Sang với cô thợ may Cẩm Lệ (Lê Giang) cùng mâu thuẫn gia đình tạm thời được giữ bí mật.
Giống phiên bản web drama, Bố già bản chiếu rạp cũng có hệ thống nhân vật đông đúc. Đảm nhận các vai diễn này đa số là bạn bè, nghệ sĩ thân thiết của Trấn Thành: NSND Ngọc Giàu, nghệ sĩ Lê Giang, diễn viên Tuấn Trần, La Thành, Lan Phương...
Phủ nhận ưu ái "người nhà" trong phim của mình, Trấn Thành tin tưởng dàn diễn viên của mình sẽ nhận lời khen của khán giả: "Phim này đâu có Uyển Ân. Nó là em gái tôi, đáng ra phải là người tôi nâng đỡ đầu tiên chứ. Nhưng phim này không có vai nào hợp với Uyển Ân cả. Tôi thừa nhận tôi thích giúp đỡ bạn bè, muốn những người chơi với tôi được hưởng hào quang. Nhưng tôi rất lý trí và công tâm. Cảm thấy họ hợp vai, tôi mới mời".
Là phim cuối cùng gia nhập đường đua phim Tết 2021, sau Trạng Tí, Gái già lắm chiêu V và Lật mặt: 48, Bố già chỉ mới đóng máy hồi cuối tháng 10. Trong bối cảnh Covid-19 chưa hết dịch, Trấn Thành cũng lo lắng về doanh thu phim. Nhưng anh có lòng tin về mùa phim Tết đầy khả quan: "Tôi tin tâm huyết của tôi sẽ được khán giả đón nhận. Tôi cũng tin dịch bệnh sẽ được kiểm soát, công chúng sẽ được tiêu tiền ngoài rạp sau một năm ít được tiêu tiền và Việt Nam sẽ có một mùa phim Tết sôi động". Bộ phim ra rạp từ 12/2/2021 (mùng 1 Tết Tân Sửu).
Phong Kiều