Diễn viên Hải Yến trong Chuyện của Pao. |
Chắc chắn, khi đạo diễn Trần Anh Hùng tìm ra diễn viên phụ đóng vai cô bé giúp việc nhà cô chị cả tên Sương trong Mùa hè chiều thẳng đứng, anh không hề nghĩ là mình đã tìm "hộ" cho điện ảnh Việt Nam một ngôi sao theo đúng nghĩa của từ này. Hai năm sau khi làm việc với êkíp làm phim chuyên nghiệp kiểu Pháp của Trần Anh Hùng, Hải Yến thập thò ở địa điểm thử vai của đoàn làm phim Người Mỹ trầm lặng để xem đạo diễn lừng danh Philip Noyce casting anh chàng người yêu bảnh trai của mình - diễn viên Ngô Quang Hải. Vậy là con mắt xanh của ngài đạo diễn đã nhìn thấy cô Phượng mà đoàn làm phim tìm kiếm suốt nửa năm trời chưa ra. Hải Yến trở thành nữ diễn viên Việt Nam đầu tiên vào vai nữ chính trong một bộ phim tầm cỡ của Hollywood.
Chuyện sau đó thì ai cũng biết rồi, Yến được đóng chung phim với Sir Michael Cane và siêu sao của Xác ướp Ai Cập Brendan Fraser. Yến được nhận thù lao 100.000 USD, Yến nổi tiếng…
Nhưng cũng không ít người đặt câu hỏi - câu hỏi bao hàm cả ý trả lời: thế rồi sao nữa?!
Rồi Yến "theo trai" vào Nam (hai người chưa cưới xin gì vì… chưa có thời gian và điều kiện). Chị đi dạy múa và làm oshin cho anh chàng đẹp mã người yêu mình ngồi viết kịch bản phim. Thiên hạ xì xầm: chỉ được cái đẹp trai thôi chứ viết lách gì, lại còn mơ làm đạo diễn nữa, tiền chứ có phải vỏ hến đâu mà giao cho người như thế làm phim.
Chẳng ai biết được chị nghĩ gì. Gặp ở Sài Gòn, thấy chị đang hì hụi bê một… chậu cá vàng xin được của một chị bạn về nhà nuôi: "nhà em không có trẻ con, nuôi cá vàng để mình tập thói quen cẩn thận, chăm sóc người khác". Hỏi chị ở nhà nấu cơm mà không chán à? Chị bảo: chán gì, yêu mà. Lại hỏi ở lớp dạy múa có ai biết chị là diễn viên điện ảnh nổi tiếng không, chị cười vô tư: trẻ con có xem phim ấy đâu mà biết!
Nhưng, có thử hỏi những người cùng làm việc thuở Người Mỹ trầm lặng với chị mới biết chị làm việc rất "dã man". Đạo diễn Philip Noyce cho biết: ông vẫn liên lạc với chị hàng tuần, qua e-mail. Chị trao đổi với ông tất cả công việc hàng ngày của mình, xin ý kiến ông về các cơ hội mà cô dự định sẽ casting, bàn bạc với ông về các phim mới xem.
Vì đã nhận Yến là con nuôi, ông cũng phải có trách nhiệm với "ông con rể" của mình - chính Philip Noyce đã giới thiệu quay phim Cordelia Bradfford cho Quang Hải. Từ chỗ một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết, khi đóng phim chỉ được đào tạo cấp tốc 3 tháng, đến nay tiếng Anh của chị đã khá hoàn hảo. Một người bạn gái từng giúp chị trong thời gian lồng tiếng cho phim Người Mỹ trầm lặng ở London cho biết: "Con bé dễ thương và ham học một cách kỳ lạ. Ai nói "xướng ca…" thì không biết, chứ Yến học rất nhanh và sinh hoạt thì rất nề nếp ". Và với chị, đó mới chính là những gì "thu hoạch" được từ "công nghệ làm phim kiểu Mỹ", chứ không phải thù lao cao ngất ngưởng hay những vinh quang mà báo chí và công nghệ lăng xê mang lại.
Cũng vì tính chuyên nghiệp đã học được mà Yến cùng chồng kiên nhẫn chờ đợi qua rất nhiều lần vác kịch bản đi xin đầu tư làm phim (của Nhà nước), đi mời gọi tài trợ (của tư nhân), sửa đi sửa lại kịch bản. Trong thời gian ấy, họ đã phải bán nhà (một căn hộ xinh xắn ở Phú Mỹ Hưng, TP HCM), chủ yếu vì một dự án làm phim đã bỏ khá nhiều thời gian, tâm huyết và tiền bạc nhưng không thành vì phút chót nhà sản xuất rút lui. Trước, trong và sau khi làm Chuyện của Pao , đôi uyên ương vác đồ đi ở nhờ, may mà họ có nhiều bạn, và trong số bạn đó lại có những người hảo tâm và có nhiều nhà.
Chuyện làm phim Tiếng đàn môi sau bờ rào đá - sau đổi thành Chuyện của Pao của vợ chồng Hải - Yến cũng đã có quá nhiều người biết. Yến chỉ giữ lại cho mình những kỷ niệm con con: chị từng bị đạo diễn - chồng mắng mỏ đến phát ứa nước mắt, bị bắt mặc váy, quấn xà cạp đi chân đất lội suối trèo đèo đến bật cả móng chân, ăn mèn mén đến mức thấy… ngon. Bây giờ, chị đi bộ leo dốc nhanh và bền sức không thua phụ nữ Mông, gùi ngô đứng bán ở chợ Sapa chắc chắn bán được hết hàng sớm. Một điều thú vị nữa là khi được hỏi về cảm xúc của mình khi đọc nguyên tác truyện ngắn của Đỗ Bích Thuý so với bộ phim, chị nói hay như… cô giáo giảng văn cho học sinh: "Tôi xúc động vì thấy có những con người biết sống cho người khác một cách thầm lặng như thế. Khi đọc truyện rồi, đến với mỗi triền núi hay thung lũng Tây Bắc, hình như mình thấy nó đẹp hơn, thân thuộc và gần gũi! Sống gần những con người như thế trong một không gian thuần khiết, có lẽ tôi khó mà quên được những ám ảnh của nhân vật Pao này".
Yến sinh năm 1982, năm nay 24 tuổi, Yến đang đi học tiếng Pháp ở L'Espace, lúc rảnh rỗi thì đi lang thang chụp ảnh với chồng, thỉnh thoảng cũng được chồng cho làm người mẫu. Yến mơ ước sẽ có lúc được làm biên đạo múa, nhưng cơ hội thì Yến chưa tìm ra. Trong khi chờ đợi, Yến vẫn nấu cơm và dọn nhà, và mơ màng không biết ngày mai mình sẽ là Phượng, là Pao, hay là ai nữa…?
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)