Minh, quê ở Bắc Giang, học không hết lớp 10 lên Hà Nội làm bồi bàn cho một cửa hàng ăn. Vốn trắng trẻo, đẹp trai, Minh đã lọt vào "mắt xanh" của một quý bà, được bà ta bao cho học nhảy và xin vào làm ở vũ trường V, nơi mà bà là khách ruột. Từ chỗ không có xe đạp để đi làm, Minh đã mua được "con" Wave Loncin. Minh nói anh sẽ cố gắng kiếm thêm một ít tiền để mở lớp dạy nhảy và làm vũ sư.
Tân quê ở Hà Tây, sinh viên năm thứ ba khoa du lịch một trường đại học dân lập thì đúng là "trai nhảy" thứ thiệt: Đầu tóc lúc nào cũng bóng mượt, quần áo là lượt, mồm dẻo quẹo, người kể cả lúc đứng bình thường cũng cứ đổ về phía sau. Đã thế, Tân còn có cái vẻ hết sức dạn dĩ, luôn sán gần phụ nữ rồi kín đáo tạo ra những "đụng chạm", bất kể đó là các nàng tiểu thư học đòi hay các bà sồn sồn. Ấy thế mà Tân cũng chiếm được cảm tình của khối bà khối chị trên sàn nhảy.
Theo lời Tân thì trước đây cậu từng làm ở sàn C nhưng rồi bận học quá nên bỏ nhưng ai cũng biết sở dĩ Tân bị loại vì chiều cao quá khiêm tốn. Thế nhưng quen hơi bén mùi, hầu như tối nào Tân cũng lên sàn làm "sinh viên tình nguyện" phục vụ các bà, các cô. Chỗ ngồi quen thuộc của Tân là ở quầy bar, hễ thấy bóng khách quen là huýt sáo ám hiệu. Tân chối không nhận về khoản tiền bo, nhưng sau những tối đi nhảy về, Tân và "khách quen" vẫn tiếp tục kéo nhau đi "hiệp hai" ở một quán cafe hoặc một nơi nào đó...
Cũng là sinh viên, nhưng Đại lại khác. Đại quê ở Nghệ An, là sinh viên năm thứ 2 ĐH Kinh tế, mới nhảy khoảng 8 tháng, nhưng từng "kinh qua" 2 sàn. Nơi thí điểm đầu tiên của cậu là sàn ở Vân Hồ, sau chuyển lên sàn T. vì ở đây đông khách, kiếm khá hơn. Mỗi tháng Đại nhận 350.000 đồng tiền lương, không có tiền thưởng. Nhưng đó không phải là thu nhập chính, nguồn chủ yếu mà các cậu "trai nhảy" này chờ đợi là tiền bo của khách. "Có lần em được một bà "bo" cho 1 triệu đồng, bà ấy bảo bà rất thương hoàn cảnh của em", Đại khoe.
Thế nhưng sau phút hồ hởi, cậu ỉu xìu: "Em biết nhiều người nghĩ về bọn em không tốt. Điều đó không phải là không có cơ sở vì ngay trong đội ngũ đang đứng đây với em cũng có người chấp nhận làm "trai bao" và đi xa hơn rất nhiều những bước nhảy trên sàn. Nhiều khi em thấy rất tủi thân, nhất là sợ gặp bạn bè, cũng đã tính chuyện bỏ, nhưng quả thật là em cần tiền học. Chị biết không, em còn có tiền gửi về quê cho mẹ, nhưng em nói dối là mình đi làm gia sư...".
Đại thú nhận việc đi nhảy ảnh hưởng rất nhiều đến việc học. Những ngày đầu mới đi nhảy, mệt đứt hơi, nhất là phải xoay những điệu valse chóng mặt vô cùng, nhiều khi ra khỏi phòng nhảy mà cứ như người mộng du, về cũng chẳng còn thiết ngó ngàng gì đến sách vở nữa. Bây giờ quen rồi, ít mệt hơn, nhưng thấy chán chường và bẽ bàng lắm. "Những người khách đi nhảy, với họ là giải trí còn chúng em nhảy là nghĩa vụ nên áp lực nặng nề lắm, không thích vẫn phải nhảy", Đại nói.
Theo Công An Nhân Dân, trung bình, mỗi sàn có một đội ngũ "trai nhảy" khoảng chục người cho mỗi ca. Một trai nhảy có thâm niên 7 năm trong nghề than thở: "Hãi nhất là nhảy với mấy bà 50-60 tuổi, bước chân họ thành thạo thật đấy nhưng họ vận động chậm chạp lắm. Đã thế các bà ấy còn hay bôi dầu vào tay, cầm cứ trơn tuột mà lại ám mùi kinh khủng".
Lời "chia sẻ" thật lòng khiến tôi nhớ đến bà hàng xóm cạnh nhà tôi năm nay đã 58 tuổi. Hai vợ chồng bằng tuổi nên trông bà già hơn chồng rất nhiều. Ông chồng có bồ nhí, tiền 2 cậu con trai gửi về từ nước ngoài sau khi đổ vào son phấn, quần áo mà không níu kéo được tuổi xuân, bà bắt đầu tìm đến sàn nhảy. Tối nào cũng thế, bà sai "oshin" đạp xe đưa đi đón về. Hôm nay ở sàn này, mai sàn khác. Mỗi sàn bà đều có một "cháu nhảy" ruột. Bà có đến 2 tủ váy và mấy chục đôi giày dép nhảy để phục vụ cho trò giải trí "sành điệu" và "cao cấp" như bà hằng tự hào. Mà cũng phải công nhận từ ngày đến với sàn nhảy, bà có phần khỏe mạnh và yêu đời hơn. Nhưng với những trai nhảy như Đại, Tân,... chẳng ai dám khẳng định trong môi trường đầy rẫy cám dỗ đó, họ sẽ không sa ngã...