>> Trường kì 'ăn cơm trước kẻng'
Dù rất muốn có đứa con cho vui cửa vui nhà, song đôi vợ chồng trẻ A Quyết - Y Tươi vẫn không dám vượt qua luật tục nghìn đời của người Trieng. Đưa tay nựng đứa con nhà hàng xóm, A Quyết cười buồn: “Luật tục nghiêm lắm, ai mà có con chưa đến một năm sau khi cưới là bị già làng phạt liền. Nhẹ thì con heo ú, nặng thì con bò, con dê, lại còn bị người làng chê trách nữa”.
![]() |
Hai năm sau đám cưới, vợ chồng Y Tuân và Xiềng Thanh Thiên mới hưởng được niềm vui bên con. |
Khi hỏi về chuyện tình cảm vợ chồng sau khi cưới, A Quyết thật thà: “Mình chỉ ngủ chung thôi chứ chẳng dám làm gì đâu, nhỡ mà có con thì heo đâu nộp phạt cho làng? Khổ cái thân lắm, cưới nhau rồi nhưng đêm đến chỉ dám ôm con vợ để ru giấc ngủ. Cám thì treo đó mà heo thì nhịn đói”.
Là một xã biên giới nhưng làng Nông Nội, xã Đắk Nông (huyện Ngọc Hồi) không còn heo hút như xưa khi con đường Hồ Chí Minh mới được mở ra. Hôm ấy, nhà Y Tuân làm lễ đặt tên cho con, mọi người trong làng kéo đến chung vui cùng đôi vợ chồng trẻ.
Mẹ Y Tuân không giấu được vẻ lo lắng bấy lâu: “Gả con rồi mà vẫn lo, lỡ chúng nó không giữ được lệ làng mà sinh con trước một năm thì dân làng chê cười, nhục cho cả nhà. Là con gái Trieng thì phải biết gìn giữ kể cả sau khi đã có chồng, như thế mới được nhà chồng, làng bản xem là con gái nết na. Bây giờ thì gia đình tôi đỡ lo rồi”. Anh Xiềng Thanh Thiên, chồng Y Tuân, nháy mắt tinh nghịch: “Có lấy vợ thì đừng lấy con gái người Trieng, đêm đông dài lắm”.
Đã gần 80 tuổi nhưng già làng Hà Sỹ Xê trông vẫn còn tráng kiện. Đang hào hứng bên ché rượu cần với mớ thịt chuột, bỗng già Xê nghiêm nét mặt khi nhắc đến chuyện “trái cấm” sau hôn nhân: “Không được, mới cưới chưa được một năm mà có con là không được! Như vậy là có tội với làng. Nếu ai vi phạm thì Giàng sẽ nổi giận, làm cho làng mất mùa, hạn hán, lũ lụt và bệnh tật”.
Từng có nhiều cặp vợ chồng bị đuổi ra khỏi làng chỉ vì “lửa gần rơm” kiềm lòng không đặng, dám cãi lại ý Giàng để ăn “trái cấm”. Chị Y Chảy ở làng Măng Lon, xã Đắc Môn (huyện Đắc Glei) là người đã nuôi thằng A Trình khi nó và bố bị đuổi ra khỏi làng.
Đưa tay chỉ về phía A Trình đang ngồi thu lu, chị kể tiếp: “Cha nó là A Ram, lấy vợ bên xã Đắc Nông, huyện Ngọc Hồi. Do hai vợ chồng nó cưới nhau chưa đầy một năm mà đã sinh con, nên bố vợ cho rằng như vậy là điềm gở, làm bà ngoại đau ốm. Ông ngoại cho rằng vợ chồng nó đã gây ra tội lớn nên đuổi hai bố con khỏi nhà, thật tội nghiệp”.
“Là con gái Trieng thì đừng bao giờ chửa hoang, như vậy là mắc phải tội nặng với Giàng, Giàng sẽ không bao giờ tha thứ, làng cũng không tha”, già làng Xiềng Sỹ Xê vẫn thường răn dạy đám trẻ như thế. Ông nói: “Nếu nhà nào có con gái chửa hoang thì phải cúng cho Giàng một con trâu và bị đuổi ra khỏi làng. Nếu không làm thế, Giàng sẽ nổi giận trừng phạt cả làng”.
Nhiều người cho biết ngày nay tuy hình phạt có nhẹ đi nhưng vẫn là nỗi ám ảnh đối với những ai lỡ chửa hoang hay có con ngoài giá thú. Thủ tục cúng Giàng không chỉ mang tính tín ngưỡng mà còn có tính răn đe, cảnh báo đối với những cô gái trẻ trót dại.
![]() |
Các già làng họp bàn về việc dựng lại nhà tình yêu ding don. |
Già làng kể: “Gia đình nào có con gái chửa hoang thì không cần làng đến đòi mà phải tự biết lỗi, mang heo đến nộp cho làng. Heo nộp phạt sẽ được những người cao tuổi trong làng giết lấy huyết pha với nước đem rải ở các ngã ba, ngã tư đường để người làng khác nhìn vào vệt máu ở các ngả đường sẽ biết làng mình có người phạm phải tội lớn, phải tự thú với cộng đồng thôi”.
Cách đây chưa lâu, làng Nông Hội xôn xao khi chứng kiến lễ nộp phạt của cô gái trẻ tên là Y H.. Xinh đẹp, nết na có tiếng ở làng, nay Y H. bị xem như là một thảm họa của làng.
Hỏi chuyện, Y H. rụt rè kể: “Mình yêu thằng N., nhưng cái bụng nó không thiệt với mình. Sau một đêm hẹn hò mình đã lỡ dại mang tội với Giàng. Tuy nộp phạt rồi nhưng mình lo lắm, nhỡ có ai đau ốm, bệnh tật hay làng mất mùa là họ lại nói tại mình nên mới thế. Khổ thân mình lắm, chắc mình phải đi nơi khác để sống thôi”.
Sau khi biết Y H. có thai thì N. trốn biệt, vì theo lệ làng người Trieng, không chỉ mình cô gái phải chịu phạt mà nếu già làng biết ai là bố của đứa bé thì cũng bị làng phạt vạ một con heo. “Phải phạt cả nam lẫn nữ, như thế mới công bằng”, già làng Kring Mer nói.
Già làng Kring Mer khoe rằng ở làng người Trieng không thể tìm ra người đàn ông nào có hai vợ. Ông nói: “Đối với người Trieng, có hai vợ là điều tối kỵ. Nếu ai lấy hai vợ hay có vợ rồi mà có con với người phụ nữ khác thì sẽ bị làng phạt vạ trâu và đuổi ra khỏi làng”.
Già làng Kring Mer nói, cả đời ông chưa bao giờ thấy người Trieng nào có hai vợ cả. Đó là điều mà người Trieng vẫn thường tự hào khi nói về dân tộc mình.
Tuy trong quan hệ nam nữ của người Trieng hết sức nghiêm ngặt, nhưng không vì thế mà kém phần lãng mạn. Có lẽ chỉ có người Trieng mới có “nhà tình yêu” trong hệ thống nhà sinh hoạt cộng đồng.
Theo truyền thống, nhà rông là nơi sinh hoạt chung của cả dân làng và chỉ có đàn ông mới được ngủ lại ở đây. Nằm cạnh nhà rông là nhà ding don (tiếng địa phương nghĩa là nhà tình yêu). Già Xê giải thích: “Nhà ding don là nơi dành cho đám con gái mới lớn trong làng đến để tìm bạn. Đây là nơi để thanh niên nam nữ tâm sự với nhau sau một ngày nương rẫy. Chỉ có con gái mới được ngủ qua đêm ở nhà ding don, còn đám con trai sau khi chuyện trò thì phải về nhà rông để ngủ”. |
(Theo Tuổi Trẻ)