Zack Nelson của kênh Youtube JerryRigsEverything thử nghiệm độ bền của Galaxy S10 với hàng loạt bài kiểm tra quen thuộc. Thử thách đầu tiên nhằm kiểm tra khả năng chống xước và độ bền của màn hình. Theo Samsung, thế hệ Galaxy S10 trang bị màn hình Amoled với kính cường lực Gorilla Glass 6 ở mặt trước và Gorilla Glass 5 ở mặt sau.

Máy bắt đầu xước từ mốc số 6 trong thang đo độ cứng Mohs và bắt đầu xước nặng hơn ở mốc 7. Zack Nelson cũng thử cào xước phần màn hình, nơi đặt cảm biến vân tay siêu âm. Kết quả cho thấy với những vết xước ở mức bình thường, cảm biến vẫn hoạt động nhưng nếu bị cào xước quá nặng hoặc nứt màn hình, máy không thể nhận diện vân tay nữa.
Đây là một hạn chế lớn của cảm biến vân tay siêu âm so với vân tay quang học, bởi trước đây theo một thử nghiệm khác cho thấy, cảm biến vân tay quang học vẫn có thể nhận diện dù bị xước nặng trên màn hình.
Phần viền của Galaxy S10 làm từ khung kim loại nên dễ dàng bị cào xước, trong khi đó các lớp kính che phủ camera hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chống xước ở mức cơ bản.

Ở thử nghiệm hơ lửa, Galaxy S10 trang bị màn hình Amoled kiểu mới cũng giống như Galaxy Note 9 nên không bị lưu lại vết cháy trên màn hình. Chỉ sau vài giây khi hơ lửa, màn hình lại trở về nguyên trạng.
Cuối cùng là thử nghiệm bẻ cong bằng tay. Không ngạc nhiên khi thế hệ Galaxy S10 vượt qua xuất sắc bài kiểm tra này nhờ cấu tạo kết hợp giữa kính và khung kim loại chắc chắn.