Anna, nữ công tước thứ 7 của vùng Bedford (Anh) được coi như người đầu tiên tạo nên văn hóa Trà chiều. Thời đó, bà thường phàn nàn về việc bị "mệt mỏi" vào mỗi buổi chiều muộn bởi trong một ngày chỉ ăn hai bữa chính vào sáng và tối muộn. Giải pháp được đưa ra là một bữa ăn nhẹ, với bình trà và vài đồ ăn mặn, ngọt kèm theo, được phục vụ riêng trong phòng vào cuối buổi chiều. Sau này, những người bạn của nữ công tước cũng được mời đến những buổi Trà chiều như vậy. Thói quen này được duy trì khi bà trở lại London. Tiệc Trà chiều vì thế cũng được mở rộng hơn, với số lượng người tham dự nhiều hơn, chủ yếu là "uống trà và đi dạo trên những bãi cỏ".
Trà chiều khi mới ra đời giữa thế kỷ 19 gần như chỉ dành cho những nhóm quý bà thuộc tầng lớp thượng lưu tại Anh. Khi Nữ hoàng Victoria bắt đầu tham gia vào nghi lễ Trà chiều và phổ biến khắp nơi, thì nó đã trở thành một hoạt động bình dân hơn, được gọi với tên thông dụng hơn là "Tiệc trà". Mỗi buổi thưởng trà này có khi tới 200 khách, diễn ra suốt từ 4h chiều đến 7h tối. Số người tham gia có thể đến và đi tự do trong buổi tiệc trà, không cố định người tham dự từ đầu đến cuối. Ngày nay, Trà chiều ở Anh được coi như một sở thích, đam mê hoặc là hình thức tổ chức những sự kiện đặc biệt như sinh nhật, tiệc trước đám cưới hay vui vẻ với nhóm bạn bè.
Không có một quy tắc cụ thể nào về thực đơn của một bữa tiệc trà chiều truyền thống, nhưng thông thường sẽ bao gồm nhiều đồ ăn kèm, được đựng trên một chiếc khay nhiều tầng, gồm một số loại bánh finger sandwich (bánh sandwich loại nhỏ), một số loại bánh ngọt tự làm, bánh scone còn nóng hổi phết với kem đông và các loại mứt trái cây... Trong số này, bánh scones được thêm vào thực đơn Trà chiều truyền thống muộn hơn so với những món khác. Các loại trà được sử dụng trong tiệc Trà chiều không cố định, có khi lên tới cả trăm loại, nhưng chủ yếu vẫn thường có những loại như Assam, Darjeeling, Earl Grey hay Lapsang Souchong... Một số nơi sẽ có thêm ly champagne.
Thỉnh thoảng bạn sẽ thấy nhiều khách sạn lớn phục vụ Trà chiều dưới cái tên "High Tea". Theo truyền thống, những người thuộc tầng lớp thượng lưu sẽ dùng các bữa Trà chiều vào khoảng 4h chiều, còn gọi là 'low' hoặc 'Afternoon' tea bởi chúng được phục vụ tại các bộ sofa hay bàn trà thấp, ngay trước những buổi đi dạo trình diễn thời trang trong công viên Hyde Park của các quý bà. Trong khi đó, những người thuộc tầng lớp thấp hơn sẽ dùng các bữa trà vào khung giờ muộn hơn, khoảng 5 hay 6h chiều, hoặc cùng với bữa ăn tối trên những chiếc bàn ăn (bàn cao - high). Cái tên High Tea vì thế cũng ra đời. Không lâu sau đó, tầng lớp thượng lưu đã phát triển cách thưởng trà của mình theo cách riêng và cũng được gọi là "High Tea", có thêm một số món ăn mặn như cá hồi, thịt chim bồ câu, thịt bê, bánh nướng, trứng ốp la, khoai tây và tráng miệng hoa quả...
Ngày nay, thực đơn Trà chiều được phục vụ ở Anh và nhiều nơi khác trên thế giới đều được gọi là High Tea. Ở một số khách sạn, chẳng hạn như khách sạn The Ritz nổi tiếng tại London, khái niệm "High tea in London" được sử dụng để quảng bá cho Trà chiều bởi nơi đây có một lượng lớn khách lưu trú đến từ khắp nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, nhiều khách sạn lớn như Pan Pacific Hanoi... cũng phục vụ tiệc Trà chiều với hình thức tương tự như trà chiều tại Anh nhưng có được biến tấu để phù hợp với văn hóa địa phương, với giá cho mỗi set từ 330.000 đồng.
Video: Huy Mạnh