Gần đây, các nhà khảo cổ Trung Quốc phát hiện một số bức bích họa có niên đại trên 1.000 năm trong Động Thiên Phật cách huyện lỵ Tây An, tỉnh Cam Túc chừng 90 km, có hai bức vẽ rất rõ hình Phật Bà Quan Âm ngồi trên đài Kim Cương bảo thạch bồng bềnh giữa các vầng mây trắng trên nền trời xanh, một vị hòa thượng trong bộ cà sa vàng óng, mũ miện lấp lánh trong ánh hào quang rực rỡ, đang chắp tay thi lễ nghiêm trang bên bờ sông đối diện. Sau lưng nhà sư là một Hầu hình nhân (Khỉ hình người) mặt đầy lông, đôi mắt tròn xoe, hai lỗ mũi hếch, hàm răng vẩu lộ ra ngoài.
“Người khỉ” này tay cầm cương ngựa, cũng kính cẩn đứng yên ngước nhìn Quan Âm, trông rất sống động. Ở các làng gần đó cũng tìm thấy 4 bức tranh nữa tả cảnh thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh giống như mô tả trong kiệt tác Tây Du Ký của nguyên tác Ngô Thừa Ân và trong phim ảnh sau này.
Kết hợp thêm các phương pháp khảo cứu kỹ thuật hiện đại và dân gian rộng rãi, các nhà nghiên cứu do Giáo sư Hà Văn Kiệt lãnh đạo đã công bố một loạt công trình mà kết quả đều chứng minh rằng Hầu hình nhân, tức hình mẫu thực của Tôn Ngộ Không huyền thoại chính là Thạch Bàn Đà quê thành Tiên Dương, nơi Huyền Trang dừng lại năm 629, trên đường đi Tây Trúc lấy kinh (sử sách còn ghi lại).
Tới tận bây giờ trong nhân dân vùng này còn lưu truyền, lấy làm tự hào về địa phương mình vốn có tổ tiên được ghi danh trong lịch sử, được đúc tượng thờ trong chùa Đường Tăng trên thượng nguồn sông Mã Giám gần làng Trần Hà, nơi có phần mộ bà thân sinh Đường Tăng…
Chuyện kể rằng Thạch Bàn Đà người dân tộc Hồ, tướng mạo xấu xí đến mức cổ quái nên người quanh vùng gọi Hầu hình nhân. Xấu người nhưng được nết, rất thông minh, dũng cảm, sức khỏe lại hơn người, giỏi võ nghệ, thường vào rừng cứu người, trừ thú dữ, rất thông thuộc đường núi hiểm trở vùng Tân Cương.
Anh tò mò đến xem, nghe Huyền Trang giảng Kinh, bị cảm hóa, xin đem cả ngựa theo nhà sư đi Tây Thiên. Thử thách, chiến công đầu của Ngộ Không là đưa Đường Tăng vượt sông Hồ Lô, qua Ngọc Môn Quan, Ngũ Phong Sơn… cứ thế - hiểm nguy, thách thức… cả chục năm trời thầy trò đều chiến thắng chỉ bằng niềm tin và ý chí.
Từ một con người bằng xương bằng thịt, chính nhân dân và văn chương nghệ thuật hàng ngàn năm đã nhào nặn nên một Tôn ngộ Không huyền thoại - một Tôn Hành Giả hay Giả Hành Tôn vẫn từ nguyên mẫu một thanh niên đầy nghĩa khí.
(Theo Tiền Phong)