![]() |
Các ông già Tuyết đều được yêu cầu phải cao tối thiểu trên 1,6 m. Ảnh: Hoàng Hà. |
Còn hơn hai tuần nữa mới tới Giáng sinh, nhưng dịch vụ giao quà của cửa hàng chị Hằng ở Quan Nhân (Thanh Xuân, Hà Nội) đã nhận được hơn 100 hồ sơ qua mail của các sinh viên đăng ký làm ông già Tuyết. Kinh doanh dịch vụ này được 4 năm, cửa hàng của chị luôn có lượng ông già Noel ổn định.
Năm ngoái 20 "ông già" chỗ chị phải đi giao quà đến tận ngày 25/12. Các Santa Claus là sinh viên Ngoại ngữ, Học viện Quan hệ Quốc tế, Ngoại thương, có cả người đi làm cũng tham gia. Chị Hằng cho biết, ứng viên năm nay đăng ký đều cao trên 1,7m. Để "tác nghiệp" tốt, họ được yêu cầu có xe máy, với gói cao cấp, nam sinh phải có máy ảnh và người chụp đi cùng (có thể là người yêu).
Trước khi ông già Tuyết làm nhiệm vụ, họ sẽ được huấn luyện những kỹ năng cơ bản, như cách tặng quà, nói chuyện hay tư vấn về một số sự cố bất ngờ có thể xảy ra. Ngoài ra, Santa Claus cũng được thông báo đặc điểm của khách hàng nhí để tới đó có thể khuyên và nhắc nhở chính xác các bé.
Nhiệm vụ của các Santa Claus trẻ này là tuyên bố lý do có mặt, dặn dò các em nhỏ điều kiện để có quà của ông vào năm sau. Ông già cũng có thể ở lại hát bài Jingle bell hoặc nhiều ca khúc thiếu nhi quen thuộc để khuấy động không khí.
![]() |
Ngoài khả năng giao tiếp, các Santa Claus còn phải biết hát, kể chuyện. Ảnh: N.T. |
Từ mùng 5/12, cửa hàng của chị Hằng đã nhận được đơn đặt hàng tặng quà. Đến nay, chị đã có 19 khách hàng, nhiều và sớm hơn năm ngoái. Với ba gói cơ bản, cao cấp và đặc biệt, các gia đình tha hồ lựa chọn dịch vụ phù hợp để mời ông già Tuyết đến nhà.
Gói cơ bản cho đơn hàng trước ngày 23-24/12. Còn trong hai ngày cận Noel, cửa hàng chỉ nhận gói cao cấp (200 nghìn đồng/địa chỉ) và đặc biệt. Dịch vụ đặc biệt dành cho khách là người nước ngoài có mức phí 500 nghìn đồng.
Ở gói cơ bản, thù lao của Santa Claus là 30.000 đồng một món quà, thấp hơn 70.000 đồng so với gói cao cấp. Đối với dịch vụ đặc biệt, nếu thông thạo tiếng Anh, ông già Tuyết sẽ được nhận thêm 200.000 đồng ngoài tiền công.
Với khách Tây, ông già Noel còn có thêm yêu cầu phải biết tiếng Anh để chuyện trò, giao lưu cùng bé. Năm ngoái chị Hằng có hai đơn đặt hàng người Mỹ và Hàn Quốc. Không giống các gia đình người Việt thích tặng quà vào giờ vàng (từ 18h đến 21h), hai vị khách này muốn Santa Claus tới thăm bé muộn, gần giờ Giáng sinh.
![]() |
Địa chỉ nào là người nước ngoài, ông già Tuyết còn được yêu cầu phải biết tiếng Anh. Ảnh: Hoàng Hà. |
Dù đã tuyển chọn rất kỹ nhưng các ông già Tuyết chỗ chị Hằng vẫn bị chê gầy. Nhiều Santa Claus mới làm chưa có kinh nghiệm mang quà đến muộn khiến gia đình không vừa ý. Không ít ông già Tuyết trẻ còn quên bỏ mũ bảo hiểm khi vào nhà gặp bé. Có ông đang trò chuyện, chuông điện thoại kêu liên hồi. Thấy vậy, các bé cười nắc nẻ và ngạc nhiên khi ông già Noel cũng dùng di động.
Nhiều trường hợp Santa Claus bối rối khi mang quà đến tặng nhưng lúc đó gia đình lại có đông trẻ con, tặng một bé còn các cháu khác đứng nhìn. Để tránh gặp tình huống dở khóc dở cười, các ông thường phải "găm" theo bim bim hoặc kẹo mút.
Ngay từ đầu tháng 12, các trung tâm nhận giao quà đã rục rịch chuẩn bị tuyển ông già Noel và tung ra các gói dịch vụ. Một cơ sở ở phố Bồ Đề, Long Biên muốn tuyển ứng viên "càng béo càng tốt", linh hoạt và giọng nói trầm. Các Santa Claus nào nói ngọng hoặc nói lắp sẽ bị loại.
Một số nơi quan tâm tới trình độ học vấn của ông già Tuyết và yêu cầu ứng viên tốt nghiệp trung cấp trở lên, số khác chỉ cần học hết trung học. Ngoài ra, Santa Claus cũng cần phải có tính tình hài hước, biết hát và kể chuyện.
Bình Minh