- Cuộc đời anh là những chuyến lữ hành, cảm giác của anh trước mỗi lần ra đi như thế nào?
- Lên 10 tuổi, tôi đã cùng gia đình từ Quảng Nam, chuyển vào Long Khánh rồi đến Đồng Nai. Một thời gian sau lại định cư ở Mỹ. Có những chuyến đi mà thời thơ bé tôi không biết nên thấy lạ và sung sướng lắm. Nhưng có những chuyến đi mà tôi thấy day dứt và đau trong tim nhiều vì không biết bao giờ mình có thể trở lại. Đó là chuyến đi của tôi cùng gia đình sang định cư ở Mỹ.
Tôi đến Mỹ vào đúng mùa đông. Lạnh quá. Lần đầu tiên tôi giáp mặt với cái rét khủng khiếp trên đất Mỹ nên không thể ra đường. Hàng ngày, tôi nhốt mình trong phòng, trùm kín chăn rồi mở mấy cuốn băng video quay cảnh sum họp gia đình và họ hàng trước lúc sang Mỹ định cư. Phim vừa lia đến khung cảnh làng quê, thấy ông cậu, bà dì... là nước mắt tôi đã trào ra vì nhớ.
![]() |
Diễn viên Hoài Linh. |
- Đàn ông mà khóc rưng rức lúc buồn. Anh nghĩ gì khi có người bảo như thế là quá yếu đuối?
- Tôi nghĩ mình không phải là người yếu đuối, nếu không, tôi đã không vật lộn được với cuộc sống để có được như ngày hôm nay. Tôi nghĩ đó là do mình sống quá tình cảm mà thôi.
- Anh thường rất thành công với các vai giả nữ. Anh nghĩ sao nếu nói bản lĩnh đàn ông trong anh hơi... kém?
- Người ta chưa sống với tôi làm sao biết bản lĩnh đàn ông của tôi ra sao? Hãy cứ sống thử xem... sẽ biết (cười).
- Anh tự đánh giá mình có bao nhiêu phần trăm là đàn ông?
- Vợ tôi là người biết tôi có mấy phần trăm là đàn ông.
- Khoảnh khắc cô đơn nhất của anh là lúc nào?
- Những ngày lang thang tại Mỹ, tôi cảm thấy mình cô đơn và lạc lõng. Phố thì đông nhưng không phải là nơi đã thân quen của mình. Tâm hồn của tôi lúc ấy dường như cũng đã là của một ai đó.
Có khi tôi đang đi giữa những dãy nhà lầu và xe hơi, bỗng dưng thấy một bụi tre - dù là một bụi tre rất nhỏ - khép mình rất khiêm tốn, cũng đủ làm tôi ấm lòng. Tôi không cô đơn bởi tôi rất nhiều bạn. Nhưng tôi cô độc vì không ai hiểu mình. Tôi có rất ít người để tâm sự.
- Người ta thường bảo đôi khi nghệ sĩ hài các anh vẫn phải giấu nước mắt trong nụ cười, anh nói sao về điều này?
- Nỗi buồn của người diễn hài thấm càng lâu, càng sâu. Nhiều khi tôi ví mình như kép Tư Bền, ngoài đời cười hỉ hả, tươi vui, nhưng trong lòng tôi lại khóc. Đấy cũng là cái khổ của người diễn hài dễ mủi lòng, cảm động. Vì thế khi vui nước mắt tôi chảy ra ngoài, còn khi buồn cùng cực thì phải nuốt nước mắt vào trong.
- Lên sân khấu, anh khóc thật hay khóc giả?
- Tất cả những giọt nước mắt trên sân khấu của tôi đều là thật. Tôi còn nhớ khi diễn vở Viện dưỡng lão - một vở hài được xây dựng trên câu chuyện có thật mà tôi đã gặp trong thời gian làm từ thiện ở Mỹ lúc mới sang. Bà cụ bị con trai hắt hủi và mang gửi vào viện dưỡng lão. Anh con trai đã nói dối là mình nhặt được bà cụ ngoài đường và mang đến đây.
Tình cờ cụ nghe được những lời đó trong cuộc trao đổi của anh con trai với lãnh đạo viện. Cụ đã khóc. Khi diễn lại vở này trên sân khấu sau này tôi đã khóc. Nhìn xuống hàng ghế khán giả, nhiều người cũng đưa tay quệt nước mắt.
Rồi có một bài dân ca Phú Yên mà tôi từng hát nhiều ở hải ngoại kể về người vợ khi giàu sang phú quý lại bỏ chồng đi với người tình. Bài hát xúc động không chỉ với riêng với tôi trên sân khấu mà còn làm cho nhiều khán giả rớt nước mắt. Thường thì diễn hài là để khán giả được cười. Nhưng khi diễn đến mức chín muồi, xem nhân vật đó như chính bản thân mình thì khán giả lại cảm động đến ứa nước mắt.
- Giọt nước mắt của người phụ nữ đầu tiên anh chứng kiến?
- Đấy là giọt nước mắt của mẹ. Khi bị mất mùa, mẹ tôi ngồi nhìn đàn con nheo nhóc và bà đã khóc. Lúc ấy tôi mới cảm nhận được một điều là mình phải làm việc thôi. 11 tuổi, tôi đã phải lao ra đường kiếm sống.
- Theo anh, đàn ông thường phải làm gì trước những giọt nước mắt của phụ nữ?
- Đối với mẹ tôi, đổ một giọt nước mắt là để bà vơi đi bao nỗi lo âu. Sau này có tuổi, tôi không thể để mẹ khóc nhiều nữa, tôi nhảy vào gánh vác tiếp tất cả gánh nặng gia đình và lo cho mẹ nhiều hơn.
Hoài Linh sinh ra tại Cam Đức (Cam Ranh, Khánh Hòa). Năm 1975, gia đình Linh vào Nam lập nghiệp. Nhà nghèo, mỗi bận lụt lại ướt hết sách vở, không có tiền mua lại. Linh đã nghĩ ra cách đi bán hàng rong tại bến xe. Tờ mờ sáng, Linh đã ra chợ mua mía cây rồi kéo về nhà dóc vỏ, chặt khúc đem bán. Rồi xoài, cóc, ổi... đều được Linh mang ra bến xe bán. Chuyện bị khách ăn quịt chạy làng diễn ra như cơm bữa với Linh. Ban ngày làm việc nặng nhọc, đêm không học được bài, Linh từng phát khóc khi bị cô giáo phạt. |
(Theo Gia Đình Xã Hội)