Có lần hỏi nghệ sĩ Hữu Châu: "Thành Lộc, trong suy nghĩ của anh, là người thế nào?" Hữu Châu trả lời: "Nếu xét vai vế gia đình thì Thành Lộc là chú của tôi. Xét trên khía cạnh nghệ thuật thì anh ấy hơn tôi một cái đầu. Thế nên tôi chẳng bao giờ đặt mình ngang bằng với anh ấy. Thứ tự trước sau đã rõ ràng từ lâu rồi".
Hữu Châu tên tuổi như thế cũng phải "kiêng" Thành Lộc. Vậy Thành Lộc có "kiêng" người khác không? Có quá tát, dữ dội như người ta thường nói không? Hôm nay, Thành Lộc ngồi đó, nhâm ly sữa nóng và cười. Nụ cười khỏe khoắn, thân thiện chứ không bí hiểm như quan Tạ Thanh trong Bí mật vườn Lệ Chi.
![]() |
Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc. |
- Anh nói sao khi nhiều người cho rằng anh rất... dữ dằn, độc đoán?
- Tất cả những gì bạn nghe được về tôi, về Thành Lộc là phù thủy, là "một ông kẹ" đều do người ta tạo ra. Bạn thử lao vào tôi xem, tôi lành tính vô cùng!
- Người ta thường nói Idecaf không có Thành Lộc thì... không ổn, vì sao vậy?
- Nếu xét trong phạm vi công việc thì điều đó đúng. Vì tôi đảm nhiệm vai trò chỉ đạo nghệ thuật cho một sân khấu. Hay nói cách khác, tôi điều khiển một bộ máy.
- Vậy nếu có một con ốc nghệ thuật lệch khỏi bộ máy đó thì anh xử lý ra sao?
- Thì mình thay ngay một con ốc khác. Đơn giản thế mà tôi phải mất nhiều thời gian mới thích nghi được. Có thể tôi dở hơn những người kinh doanh khác khi để tình cảm chi phối quá nhiều. Trước đây, việc thay "con ốc" thật khó khăn khi gặp phải những ràng buộc và rắc rối về mặt tình cảm. Có những rắc rối trong nội bộ chỉ cần một cái búng tay nhẹ là xong... Nhưng tôi lại không nỡ! Nhiều lần "không nỡ" làm cho công việc ngày càng tệ hại. Bây giờ phải búng, dù có đau. Trong phạm vi chức năng của một giám đốc nghệ thuật, tôi cần phải sử dụng quyền của mình và cần phải đưa mọi người trở về đúng vị trí của họ.
- Vậy anh giải thích thế nào về lời đồn "thuận Thành Lộc thì sống, nghịch thì chết" trong Idecaf?
- Nói theo xu hướng lành mạnh thì điều đó là đúng! Tại sao tôi làm giám đốc nghệ thuật mà mọi người cứ chống đối tôi mãi. Đây là công ty tư nhân chứ không phải là một hợp tác xã mà mỗi khi làm gì tôi cũng phải hỏi ý kiến của các xã viên. Công ty nào cũng phải có tôn ti trật tự. Miễn sao tôi đảm bảo đời sống cho nhân viên của mình thì thôi chứ. Nếu tôi phát hiện tế bào ung thư mà không trị xạ, hóa trị được thì phải... cắt bỏ nó ngay!
- Có thể nhiều người sẽ không phục anh, thậm chí uất hận anh, anh nghĩ sao?
- Phục hay không phục thì tôi cũng là tướng, người ta là lính. Trật tự xác định rõ ràng. Tôi không đồng ý cách diễn này của anh thì anh phải sửa. Đó là nguyên tắc lao động. Bạn tưởng tượng nếu tôi là bếp trưởng, kiểm tra món ăn và bảo với người nấu: "Giảm mặn". Mà người nấu thì: "Không, tôi thích mặn". Tôi phải làm gì? Mà tôi có làm gì người ta phải uất hận? Tôi làm để họ có thu nhập, được đi show, được quay phim, được mọi thứ... Họ sống trong nhà thì phải nể mặt chủ nhà chứ.
Bạn ơi, đây là mối quan hệ sòng phẳng. Tôi cần sự lao động của anh thì tôi mời anh. Nhưng lao động thì phải có kỷ luật. Tôi được thì anh cũng được. Anh đâu có diễn không cho tôi đâu. Đừng nghĩ là ai ban ơn cho ai. Tôi không chơi xấu ai cả. Toàn bị người ta chơi trước...
- Vậy sao trong "Hoàng tử Ai Cập" sắp tới, không thấy tên Thanh Thủy trong bảng phân vai trong khi chị ấy bảo vẫn còn cộng tác với Idecaf?
- Thủy vẫn ở đây. Chính Thủy là người đề nghị được cộng tác với nhiều đơn vị khác và bảo rằng: "Thủy đã hoàn toàn yên tâm với dàn diễn viên trẻ và tài năng trong dàn kịch mục. Khi có những vai diễn nào thực sự cần có sự góp mặt của Thủy thì ban giám đốc hãy mời Thủy". Thế nên trong Hoàng tử Ai Cập sắp tới, nếu mời thì đã "xài phí" Thủy. Những nhân vật trong đó để các em nhỏ thể hiện sẽ phù hợp hơn. Tôi hoàn toàn không có ẩn ý gì cả!
- Thật ra anh không có nhiều ẩn ý hay tại người ta cứ thích mang cái ẩn ý mà "dán" vào người anh làm cái tên Thành Lộc ngày càng to tát, nặng nề?
- Không phải ai thích dán cái gì vào người Thành Lộc thì dán đâu. Tôi là một thực thể và sống theo kiểu riêng của tôi. Còn chuyện thực thể ấy nặng nề hay không là do chính mọi người cảm nhận. Thành Lộc bây giờ đã 46 tuổi, đã là giám đốc nghệ thuật chứ không phải là một diễn viên mới ra trường. Tôi luôn nhận thức rõ vị trí của mình và sống rất thoải mái với cuộc sống "tĩnh" này. Mọi người thích nhìn Thành Lộc bị người ta làm tổn thương chứ không thích nhìn Thành Lộc chống trả lại những điều đó à? Liệu có bất công không? Tôi phải tự vệ chứ. Cho nên nhiều người e dè, ngại ngùng khi tiếp xúc với tôi. Họ làm tôi trở nên nặng nề như vậy đó.
- Thế thì người đối diện cũng phải "dọn lời" khi nói chuyện với NSƯT, Giám đốc Nghệ thuật Thành Lộc rồi, anh nghĩ sao?
- Cũng phải thôi vì đó là cách bạn ứng xử trong giao tiếp. Bản thân tôi đây, khi trò chuyện với Ea Sola Nguyễn, người hơn tôi cả 2 cái đầu, mà luôn bắt tôi gọi là "mày, tao" nhưng khi trò chuyện tôi cũng không dám gọi "mày, tao". Phải dọn lời hết mực! Trong cuộc đời làm nghệ thuật, tôi luôn kính nể thầy mình (NSND Thái Ly), người từng đánh tôi trong lớp học ballet.
Vậy mà khi tôi làm chương trình và mời thầy về tham gia, thầy lại nói: "Lộc ơi, con thấy thế này có được không? Con thấy dài thì cắt bớt lại". Trời ơi, một người thầy nổi tiếng, tài năng, hét ra lửa, từng đánh mình, mà giờ đây tôn trọng ý kiến của mình hết mực. Vì lúc đó thầy cho tôi "làm tướng"! Chính người thầy mà tôi vô cùng kính nể này đã làm tôi giữ chặt quan niệm lính - tướng đến ngày hôm nay. Cho nên khi Thành Lộc không làm đạo diễn thì vẫn là một diễn viên bình thường và biết nghe lời. Vì lúc đó, Thành Lộc chẳng phải tướng.
- Nếu một ngày nào đó Thành Lộc không còn nói và diễn thì sao nhỉ?
- Thì mình hên! (Cười). Không có tiếng nói nhưng không có nghĩa là không còn giọng nói. Và giọng nói sẽ được truyền tải đến mọi người bằng bộ môn kịch đã xuất hiện hơn 20 năm trên thế giới nhưng vẫn còn ít người biết tại Việt Nam: Đó là body art (kịch hình thể).
- Nếu như không cử động được luôn thì với anh mọi chuyện sẽ thế nào?
- Cần gì phải tưởng tượng. Tôi từng có một quãng thời gian nằm bất động rồi. Và lúc đó, khán giả sẽ nhìn Thành Lộc "tĩnh" mà nhớ lại Thành Lộc "động" lúc đứng trên sân khấu mấy chục năm qua như thế nào. Thực sự, nếu phải nằm một chỗ tôi sợ lắm. Khi diễn Cậu bé rừng xanh, tôi bị té. Nhưng lúc đó, tôi không biết đau mà chỉ nghĩ: Chết rồi, mình mà có mệnh hệ gì thì ai nuôi mẹ già ở nhà? Ai sẽ hỏi thăm hằng ngày: "má ơi, hôm nay má khỏe trong người không?".
Tôi nằm viện, tôi đau nhưng lại sợ má đau nhiều hơn. Càng nghĩ về má, về việc mình không đứng được dậy, không nói được nữa, tôi càng sợ. Tôi không dám tưởng tượng, chỉ chắp tay cầu nguyện. Cuối cùng, tôi đã nhận ơn đức bề trên để được khỏe mạnh mà uống sữa như sáng nay.
- Lúc đó thì ông "tướng" Thành Lộc "quậy" thế nào?
- Vẫn quậy như thường. Tôi luôn tâm niệm sống lạc quan để những nỗi buồn không phá hoại cơ thể mình, để tế bào tái tạo nhanh hơn. Lúc nằm viện, tôi cũng ráng lân la phòng này phòng kia, kể chuyện cho mọi người nghe, để cùng vui cùng vượt lên nỗi đau. Và tôi luôn là người xuất viện sớm nhất. Cách đây 20 năm, tôi bị viêm gan siêu vi. Da vàng hết, nước tiểu đã nâu. Rồi gai 8 đốt sống lưng, đau đớn vô cùng. Nhưng lạc quan, cứ vui vẻ thì mọi việc sẽ bình an. Tôi đau, buồn nhưng không bao giờ khóc trước mặt người khác và cũng không muốn người khác khóc trước mặt mình.
(Theo Thế Giới Văn Hóa)