Tôi là gái quê, gia cảnh khó khăn, luôn phải chịu thiệt thòi từ bé. Đến khi đi lấy chồng, bố mẹ chồng phong kiến, cổ hủ, coi tôi như người giúp việc. Hằng ngày, tôi về nhà mẹ đẻ ở cùng làng nhưng đến ba giờ chiều là phải trở lại nhà chồng để chuẩn bị dọn dẹp, cơm nước, làm việc nhà đến tối khuya. Tôi thấy mình khổ nhưng rồi nghĩ cũng quen bởi bạn bè, hàng xóm cũng nhiều người như vậy. Mẹ khuyên tôi nên chịu đựng bố mẹ chồng, cứ làm tốt việc của mình thì ông bà cũng không nói được gì, miễn sao chồng yêu thương tôi là đủ. Tôi may mắn vì lấy được chồng tốt, các con ngoan ngoãn, học giỏi.
Cách đây hai tháng, tôi phát hiện bị ung thư tuyến giáp nhưng ở thể nhẹ, chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ là được. Gia đình đưa tôi lên Hà Nội chữa và đến nay đang phục hồi. Dù vậy, sức khỏe tôi vẫn khá yếu, tôi nhanh bị thở dốc, không làm được việc nặng, thậm chí đứng hay ngồi xổm lâu tôi cũng mệt mỏi.
Tuần trước, nhà chồng có giỗ, làm ba mâm mời họ hàng đến, tôi với mẹ chồng và hai cô em chồng nấu cỗ nhưng khi ăn xong không ai chịu rửa bát. Nhà chồng tôi có hai khu vực rửa bát, một là khu bếp có thể đứng rửa các bữa ăn hằng ngày còn khi nhiều bát đũa, mẹ chồng quy định phải ra sân ngồi ghế nhựa để rửa ở vòi nước. Từ khi về làm dâu, tất cả các bữa cỗ đều do tôi dọn rửa chính, vì thế hai cô em chồng vẫn quen việc bê bát ra xếp chồng ở đó đợi tôi rửa. Giờ cũng vậy, không thấy ai nhận rửa nên tôi lại ngồi xuống rửa đống bát ấy dù rất mệt.
Tôi nghĩ thấy tủi thân nhưng ngại không chia sẻ với ai vì sợ mọi người đánh giá tôi lười nhác. Tôi cũng không nói với chồng vì không muốn anh phải phiền lòng. Tuy vậy, tôi rất buồn và suy nghĩ mãi về chuyện này, mong độc giả chia sẻ cho tôi bớt suy nghĩ tiêu cực.
Hảo
Nếu có tâm sự cần được gỡ rối, bạn đọc gửi về ngoisao@vnexpress.net. Ban biên tập sẽ chọn đăng những bài viết phù hợp.