Đàm Vĩnh Hưng mới chia sẻ bài viết có tựa đề “Tội nghiệp Mr Đàm” trên trang cá nhân kèm theo status: “Hôm nay mới có thời gian đọc. Cảm ơn tác giả đã có góc nhìn rất đời và nhân văn”.
Nguyên văn bài viết như sau: “Tôi không bất ngờ trước việc có những lời bảo vệ dành cho Đàm Vĩnh Hưng, bởi với cá nhân tôi, chuyện này tôi thấy anh ta làm đúng.
Đồng chí này có ba chuyện bị dân mạng chửi mà tôi thấy vô lý:
- Chuyện một là năm xưa bay ra Hà Nội dự đám tang Đại tướng Giáp. Anh ấy có lòng, nhiệt tình thì cũng nên trân trọng, nhưng anh bị chửi vì anh ta mặc như… ca sĩ và cố tình gây sự chú ý khi đứng một mình một cõi bất chấp người ta xếp hàng. May mà sau đó người gia đình tướng Giáp giãi bày ngọn nguồn thì mới hiểu cho Đàm.
Chuyện này để thấy dân mạng chỉ nhìn bề ngoài mà phán xét thế nào.
- Chuyện hai là việc anh ấy hát bolero và nhạc xưa. Tôi để ý trăm lần như một, có ca sĩ mới, cũ nào hát hay là lại đưa tên Mr Đàm ra chửi. Bảo là ‘Đàm nghe chưa? Sợ chưa? Đừng có hát nữa’. Thấy Đàm làm giám khảo trong các chương trình về nhạc bolero là làm ầm cả lên, cho rằng anh ta không xứng đáng, thua cả thí sinh thì giám khảo gì.
Họ quên đi hẳn một điều, bolero được phổ biến trên truyền hình như hôm nay là nhờ sự tiên phong của anh ta cả.
Không tin à? Cho ví dụ Thành phố buồn của Chế Linh nhé. Bài hát kinh điển này của nhạc sĩ Lam Phương sau năm 1975 bị liệt vào danh sách cấm lưu hành do có nội dung ủy mị. Mãi đến năm 2008 (tức là 33 năm sau), chính Đàm Vĩnh Hưng đã thành công trong việc xin cấp phép bài hát này để thâu vào CD ‘Qua Cơn Mê’, cùng với những Nỗi buồn gác trọ, Mùa mưa đi qua... đó lần đầu tiên có một ca sĩ hát dòng nhạc trẻ Việt Nam làm một album nhạc vàng như thế.
Trước đó, Mr Đàm cũng hát thành công các bài Cỏ úa, Đánh mất... đều thuộc dòng nhạc bị lãng quên sau giải phóng cả.
Từ sự tiên phong của Đàm Vĩnh Hưng mà sau đó tạo nên trào lưu người người hát nhạc vàng như hôm nay. Nếu trước nay, nhạc vàng chỉ lội bộ ở các đĩa lậu và băng cát sét thì sau Đàm mới có sự lũ lượt trở về của các ca sĩ xa quê và các album đàng hoàng đứng ra ngoài thị trường, thoát kiếp chui lủi.
Chúng ta hiểu anh không bằng Chế Linh, Duy Khánh, Như Quỳnh… nhưng anh hơn họ ở chỗ anh truyền được đam mê cho lớp trẻ. Anh truyền bá rộng rãi được dòng nhạc bị lãng quên này ở quê hương, từ đó họ bắt đầu tìm hiểu và yêu dòng nhạc dân tộc này hơn chứ không phải đắm chìm trong các bản nhạc Hoa lời Việt.
Câu chuyện hai để biết dân mạng vốn là những kẻ ưa phủi tay ra sao. Xã hội này vốn là của những kẻ rất ưa phủi tay công lao của người khác.
- Câu chuyện ba là chính là chủ đề chính của mấy ngày nay. Có một người con giàu có như Đàm Vĩnh Hưng có lo lắng gì không? Không! Tự hào có, tiền bạc có. Mọi thứ đều phục vụ tận răng, đặc biệt ca sĩ còn phải giữ hình ảnh trước công chúng. Thế tại sao lại sinh ra cái khoản nợ 20 tỷ? Đấy là vì vay nặng lãi.
Ở đây tôi khuyên chân thành những ai đang đọc bài này đừng đụng vào các món nợ. Bạn không biết những gì bạn nhận sau đó đâu. Tại sao người nghèo càng ngày càng nghèo đi? Hãy làm phép tính nho nhỏ để tìm ra gốc rễ vấn đề:
Bạn vay tôi 1 triệu, lãi suất 10% một tháng.
Tháng đầu, bạn trả tôi 1 triệu + 1 triệu x 10% = 1,1 triệu.
Tháng 2, lãi con bắt đầu được lãi mẹ đẻ ra. Bạn phải trả tôi: 1,1 triệu + 1,1 triệu x 10% = 1,21 triệu.
Tháng 3, lãi cháu được lãi con đẻ ra. Bạn phải trả tôi: 1,21 triệu + 1,21 triệu x 10% = 1,331 triệu.
Đã tìm ra công thức chưa? Đây là công thức này: 1,1 lũy thừa n lần x 1 triệu ban đầu: n chính là tháng hoặc ngày nếu vay lãi ngày. Và n sẽ được tính từ thời điểm bạn vay đến khi bạn chấm dứt chuyện nợ nần. Vậy sau 12 tháng bạn phải trả bao nhiêu?
1,112 x 1 triệu = 3,13 triệu. Gấp 3 con số ban đầu.
Nếu mẹ Mr Đàm vay 100 triệu, bà ấy phải trả 313 triệu vào tháng thứ 12. Sau 2 năm, bà ấy phải trả 984 triệu (gần 1 tỷ). Lãi mẹ đẻ lãi con sau 2 năm là 984 triệu.
Vấn đề khủng khiếp ở đây là ai cũng nhìn thấy để giải quyết việc này rất dễ dàng, chỉ cần trả đứt cái tiền gốc là 1 triệu, sau đó trả luôn tiền lãi là xong, đường ai nấy đi. Nhưng hãy nhớ cho, một người đã vay 1 triệu thì cái khó khăn là rõ ràng và điều tiếp theo họ suy nghĩ là trả tiền lãi trong tháng đó. Khi họ loay hoay với cái chuyện trả lãi tháng (100.000 đồng) hoặc trả lãi ngày (10.000 đồng) thì cái tiền gốc đã âm thầm sinh ra rồi. Và tháng tiếp theo thay vì trả 100 ngàn, họ phải trả 120 ngàn, hoặc ngày hôm sau thay vì trả 10.000 thì phải trả 11.000. Cái tiền lãi cứ tiếp tục đè nặng lên người họ, oằn vai họ xuống mà tiền gốc vẫn chưa giải quyết.
Đến một sáng thức giấc họ chỉ nghĩ về chuyện góp nợ, nhưng thực ra họ chỉ đang góp lãi. Sau hai năm quay đầu lại, họ đã phải trả gần 1 tỷ từ 100 triệu ban đầu.
Những người dân nghèo càng nghèo đi, những cô gái xinh đẹp trở thành gái điếm cũng vì sự đam mê cờ bạc và sự ngây thơ không hiểu bài toán lãi kép này mà ra. Đây là sản phẩm của phía tư bản chủ nghĩa mà Albert Einstein còn phải gọi bằng cụm từ ‘sức mạnh khủng khiếp của xã hội loài người’.
Đừng bao giờ vay tiền ngoài xã hội, nếu không muốn bị khánh kiệt. Lời khuyên chân thành. Cũng đừng bao giờ vay tiền bạn bè hay người thân quen, tiền bạc là thứ dễ mất tình cảm nhất.
Quay lại chuyện của Đàm Vĩnh Hưng, chuyện gia đình là chuyện tế nhị, không ai đi vạch áo cho người xem lưng cả. Nhưng Đàm lại livestream kể lại chuyện này bởi vì những người cho mẹ anh ta vay đều là người biết bà ấy là mẹ của Đàm Vĩnh Hưng. Cái tên Đàm Vĩnh Hưng là cái mác bảo kê hoàn hảo nhất cho việc cho vay bởi bà mẹ không trả được thì thằng con giàu có đó sẽ trả.
Và video đó như van xin rằng đừng có cho vay nữa. Đấy là lời van lơn bọn chủ nợ ngoài mặt cười mà trong bụng đầy dao găm, đấy là lời đánh động lương tâm mẹ anh ta chứ không phải như bạn nói đâu.
Bạn bàn về chữ hiếu? Hãy bình tĩnh mà suy xét, bà mẹ Đàm Vĩnh Hưng bị lợi dụng bởi bọn xã hội đen và lũ sống bằng nghề cho vay nặng lãi. Còn gì ngon hơn việc sau một năm có 300 triệu từ mẹ của Đàm. Một bà mẹ đam mê cờ bạc của một thằng con có nhẫn kim cương là cái kho vàng lớn nhất cần ‘đào mỏ’. Còn Đàm Vĩnh Hưng lâm vào thế không trả không được.
Tôi không cho rằng Đàm Vĩnh Hưng phải trả 20 tỷ mà anh đã trả 20 tỷ lần thứ 3 rồi. Nếu anh ta trả hết 20 tỷ đợt này sẽ có 20 tỷ đợt kế tiếp. Đó là kiểu của những con bạc khát nước. Video được dựng lên là để ngăn lại đợt 20 tỷ kế tiếp chứ không phải là để nói với thiên hạ rằng tôi không trả nợ cho mẹ mình.
Hãy đặt câu hỏi tại sao Đàm phải khổ sở trả tiền cho lũ ngoài xã hội khi anh ăn cho mình có phải sướng hơn không? Đưa mẹ đi du lịch chẳng phải đã hơn không?
Có một điều tôi nhận ra trong cuộc sống mà sách đạo đức không dạy chúng ta: đó là khi bạn đặt lòng tốt vào không đúng người, đặt lòng tốt một cách mù quáng thì không phải bạn tu nhân tích đức mà bạn đang gián tiếp làm hại những người yêu mến bạn. Vì khi cứu giúp những việc làm sai trái, bạn thấy rõ đó là xấu mà vẫn cứ giúp. Bạn sẽ lãnh hậu”.
Bài viết sau khi đăng tải và phát tán đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người. Phần lớn các Facebooker đều cho rằng quan điểm, góc nhìn của tác giả trong bài viết trên khá khách quan và đúng đắn.
Facebooker Le Mai Thy bình luận: “Chính xác lắm anh ạ. Mong những ai đã và đang có cái nhìn tiêu cực về Đàm Vĩnh Hưng hãy đọc bài viết này để hiểu về anh hơn, đừng phán xét anh khi mà mình không ở vị trí, hoàn cảnh và không hiểu một chút gì về anh”.
Tài khoản Trung Trieu đưa ra ý kiến: “Bài viết rất hay, thực tế và rất hiểu biết về xã hội này. Cám ơn anh đã viết và phân tích thật chuẩn về tình hình cũng như con người của Đàm Vĩnh Hưng”.
Sáng 14/12, Đàm Vĩnh Hưng livestream trên trang cá nhân, tiết lộ chuyện mẹ anh nợ nần nhiều người. Số tiền nợ đã lên tới hơn 20 tỷ đồng, do quá áp lực, không còn chịu nổi thêm một giây phút nào nên anh quyết định chia sẻ trước công chúng. Sự việc khiến nhiều người tỏ ra thương cảm với “Ông hoàng nhạc Việt”, song cũng có người nghi ngờ, cho rằng đây chỉ là chiêu trò gây chú ý dư luận.
Maruko Chan