Mới đây, video dạy làm tỏi ngâm dầu ô liu hút hơn 6 triệu lượt xem trên Tiktok và Instagram. Món ăn 'gây sốt' vì có lợi với người mắc chứng khó thở, ho kéo dài hậu Covid-19. Theo nghiên cứu, nhóm gia vị như tỏi, nghệ, gừng tốt cho phổi. Trong đó, tỏi chứa một chất hoạt tính tên allicin, tác dụng chống nhiễm khuẩn và giảm viêm cho phổi. Nó cũng có thuộc tính chống oxy hóa, giúp loại bỏ các gốc tự do ra khỏi cơ thể vì nhiều selen, dự phòng ung thư phổi. Tuy nhiên, tỏi sống có mùi hăng, kén người ăn. Do đó, tỏi ngâm dầu ô liu vừa có thể giữ lâu, vừa hạn chế mùi nồng nhưng vẫn mang hương vị tuyệt vời.
Cách làm tỏi ngâm dầu ô liu đơn giản. Bạn chọn những củ tỏi tươi, không bầm dập, bóc hết vỏ, tách riêng từng tép. Cho tỏi vào một chảo nhỏ hoặc thố sứ, rưới dầu ô liu lên trên và không ngập dầu.
Dùng giấy bạc bọc kín thố tỏi. Làm nóng lò ở 90 độ C, nướng chậm trong khoảng hai tiếng đồng hồ. Kiểm tra chất lượng sau một tiếng đồng hồ. Tỏi nướng chín vừa phải, có độ mềm, màu vàng nhẹ nhưng phải không bị thâm đen mới chuẩn. Muốn hương vị phong phú, bạn thêm vài cọng thảo mộc tươi như cỏ xạ hương, hương thảo... tùy ý vào thố dầu tỏi. Dầu tỏi đạt yêu cầu thì lấy ra, cho vào hũ thủy tinh, trữ trong ngăn mát tủ lạnh tối đa một tháng.
Tỏi ngâm dầu ô liu thích hợp phết bánh mì sandwich làm điểm tâm. Loại dầu này vốn được ưa chuộng trong ẩm thực phương Tây, gọi là dầu confit tỏi - một loại dầu đã được tẩm hương (infused oil) - có thể thay thế dầu ăn bình thường trong nhiều món. Dầu tỏi thường dùng để chiên, xào, ướp thịt hoặc làm salad với hương tỏi đặc trưng. Tỏi ngâm trong dầu, chế biến ở nhiệt độ thấp (khoảng 85-90 độ C) tạo hương vị thơm. Lớp dầu mỡ hầu như chỉ tập trung ở phần ngoài thực phẩm, không ngấm sâu vào bên trong nên khi ăn tép tỏi sẽ không quá béo ngậy.
Diệp Tử