Phạm Thị Hoàng Oanh
(Bài chia sẻ 'Nhật ký làm dâu')
Bản thân là con dâu mới vừa về nhà chồng chưa tròn năm, tôi cảm thấy mình thay đổi nhiều trong cách nhìn nhận về mẹ chồng. Trong suốt những tháng ngày làm dâu, tôi vui có, buồn có, tủi có, giận có, thương có... đủ cả! Dù đã được nhiều người cảnh báo trước về cảnh làm dâu nhưng tôi thật sự không tưởng tượng được nó sẽ như thế nào cho đến ngày... đám cưới!
24 tuổi, tôi còn hơi trẻ để đương đầu với cuộc sống gia đình. Vì yêu anh, tôi nghĩ mình có thể làm tất cả, kể cả việc chiều mẹ anh. Những ngày đầu làm dâu thật không dễ như tôi tưởng. Mẹ chồng tôi là người Bắc chính gốc nên tính tình rất hay để ý việc này việc nọ, tiết kiệm từng li dù hoàn cảnh nhà cũng không eo hẹp lắm, và nhất là tư tưởng con mình luôn luôn đúng! Mỗi bữa cơm là tôi phải ngồi gần nồi cơm xới cho cả nhà rồi mời từng người, mời hết mới được cầm đũa. Ăn xong thì phải ngồi chờ người cuối cùng ăn xong để dọn bàn. Đến lúc rửa chén, ánh mắt soi mói của mẹ thật sự làm tôi khó chịu. Mẹ bảo nước sạch rất quý.
Ngày xưa mẹ làm giao liên sống trong rừng, nước rửa mặt còn không có nên không được lãng phí nước. Mẹ bảo tôi lấy nước vo gạo để rửa rau, rồi lấy nước rửa rau để ngâm chén dĩa dơ. Khi rửa chỉ được xả hai thau nước, dù có nhiều chén đi nữa. Nước rửa chén thì mẹ chỉ mua loại bình lớn 2, 3 lít không rõ nguồn gốc nên nhớt vô cùng. Với cách rửa chén đó, tôi thật sự thấy kinh hãi!
Đến lúc lau nhà thì mẹ bảo nên ngồi xuống lau mới sạch, dù nhà có 3, 4 cây lau nhà để sẵn. Nấu ăn cũng là lúc mẹ thể hiện quan điểm tiết kiệm tuyệt đối. Dầu ăn phải chiên xào mấy lần mới bỏ đi. Nước tương, nước mắm ăn dở cũng phải để lại ăn cho bữa sau đến khi hết mới thôi. Nhà có máy giặt đời mới do chồng tôi mua lúc mới cưới nhưng chưa khi nào mẹ cho dùng vì cho rằng giặt máy tốn nước hơn giặt tay!
Và còn rất nhiều, nhiều nữa những cái mà mẹ chồng dạy bảo nhưng tôi chẳng thể nào... nuốt vô! Thế nhưng, tôi vẫn làm theo. Tôi biết rằng khó chịu với mẹ chồng chỉ khiến cho gia đình lục đục, rồi người khổ sẽ là chồng tôi. Anh ấy hàng ngày đi làm đã rất vất vả, tôi không thể đem chuyện trong nhà ra kể lể với anh. Thế rồi, tôi có thai. Những tưởng đứa con trong bụng sẽ là thần hộ mạng cho tôi sống thoải mái hơn. Thật không ngờ từ ngày có bé, tôi lại càng tủi thân hơn. Mẹ ít khi hỏi thăm tôi thích ăn gì, uống gì, chỉ căn dặn đi đứng cho cẩn thận và siêng làm việc nhà hơn để em bé khoẻ mạnh?
Có lần, mẹ tôi gửi vào cho tôi vài con cá chép, mấy kí thịt bò, chục trứng ngỗng để tẩm bổ. Mẹ đi chợ về, không biết những thứ ấy do bà sui gửi, nên liền lời ra tiếng vào rằng mua nhiều đồ ăn thế chỉ tổ đem đi đổ chứ sao ăn hết. Chỉ duy nhất đến một ngày nọ, trời mưa rất to, mẹ lấy hết thau ra hứng rồi chất đầy trong nhà tắm để xài dần. Tôi không biết nên khi bước vào bị vấp té, suýt động thai thì tức nước vỡ bờ, tôi nói hết với chồng những bức xúc trong lòng và kiên quyết ra riêng.
Tôi thật không ngờ anh ấy lại phản ứng mạnh với mẹ mình và cũng tán thành việc ra riêng. Tôi hiểu anh không phải là đứa con quá nghe lời mẹ. Vả lại, anh rất yêu vợ. Mẹ anh chỉ ngồi nghe mà không nói gì, dù biết mẹ luôn cưng chiều anh nhưng sao lúc này, tôi thấy mẹ anh thật tội nghiệp. Xét cho cùng cũng do quá khứ quá cực khổ nên hôm nay tính mẹ mới thế. Mẹ cũng chưa hề mắng mỏ hay nặng nhẹ tôi bao giờ. Từ hôm đó, tôi thấy mẹ hơi khác. Mẹ quan tâm tôi hơn. Tôi có làm gì sai mẹ cũng ít cằn nhằn hơn. Có lần mẹ nói với tôi khuyên chồng đừng ra riêng. Mẹ chỉ có mình anh, nếu hai vợ chồng ra riêng thì mẹ ở với ai? Bây giờ tôi mới cảm thấy thương bà thật sự.
Tôi cũng có phần lỗi khi cứ nhẫn nhịn một cách vô thức chứ không thật tâm làm vì mẹ, vì chồng! Tôi bắt đầu thay đổi cách sống và cách suy nghĩ. Khi có việc gì cảm thấy không hài hòng, tôi thật lòng góp ý với mẹ chồng. Tôi chủ động đi chợ thường xuyên với mẹ, mua những món quà nhỏ tặng mẹ vào những dịp kỉ niệm, việc mà trước đây tôi chưa từng làm.
Quan trọng nhất là tôi làm những việc đó với tất cả tấm lòng của mình, dù mẹ có thích hay không. Dần dà mối quan hệ giữa tôi và mẹ chồng đã khá hơn hẳn. Những lúc giận chồng, tôi lại tỉ tê để tìm đồng minh từ phía mẹ chồng. Ngày tôi trở dạ, tôi đã bật khóc khi thấy mẹ chồng tất bật cơm nước và chăm cháu cho tôi được nghỉ ngơi để lại sức. Đứa bé chính là sợi dây thắt chặt thêm tình cảm giữa tôi và mẹ. Mẹ đã không còn quá tiết kiệm như trước. Bây giờ tôi cảm thấy mình đang hạnh phúc với vai trò con dâu. Hơn ai hết tôi hiểu mẹ cũng muốn có thêm một đứa con gái chứ không phải là mất đi một người con trai. Và tôi cũng nhận ra rằng nếu bản thân nàng dâu không thay đổi thì đừng mong sự thay đổi của mẹ chồng.
Sống là phải biết dung hoà và thật tâm, đây là bài học lớn nhất mà tôi học được kể từ ngày làm dâu!