Lã Thị Kim Oanh trước vành móng ngựa. |
HĐXX chất vấn: "Tất cả những người có trong danh sách nhận quà đều phủ nhận lời khai của bị cáo?". Lã Thị Kim Oanh than thở: "Bây giờ chắc không ai dám công nhận. Nhưng thực tế là công ty làm dự án lớn, kéo dài trong nhiều năm, việc xin vốn không phải là dễ, cần có quan hệ với các cơ quan chức năng". Chủ tọa nói: "Thực chất đây là tiền hối lộ".
Lã Thị Kim Oanh nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng không tham ô. Nói một hồi, bị cáo xin được ngồi trả lời thẩm vấn vì đau chân.
Về khoản tiền hơn 10 tỷ đồng, Công ty Tiếp thị vay Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội phục vụ dự án khu triển lãm nông nghiệp ở Nghĩa Đô (Hà Nội), Lã Thị Kim Oanh khẳng định khoản vay được chia làm hai đợt, trước và sau năm 1997. Thực chất đây là vay để đảo nợ, dùng món vay mới để trả khoản vay cũ. Lã Thị Kim Oanh nói: "Khi làm hợp đồng thì danh nghĩa là vay phục vụ dự án. Nhưng khi nhận tiền, ngân hàng lại đòi nợ". Nói là vậy, nhưng Lã Thị Kim Oanh cũng thừa nhận là không giữ lại chứng từ, nên không biết trước năm 1997 đã vay bao nhiêu tiền.
Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội phủ nhận lời khai trên, với lý do chỉ cho Công ty Tiếp thị của Lã Thị Kim Oanh vay 1 lần 10 tỷ đồng. Khi giám đốc bị bắt, công ty còn nợ hơn 7 tỷ đồng.
Lã Thị Kim Oanh cũng giành phần lớn thời gian của buổi thẩm vấn chiều nay để giải trình về khoản vay 15 tỷ đồng của Ngân hàng Công thương Ba Đình. HĐXX hỏi: "Tiền vay vào việc gì?". Bị cáo trả lời: "Chuyển cho đơn vị thi công là Công ty Xây dựng 18 (thuộc Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng Licogi)". Nhưng khi ngân hàng thẩm định hồ sơ vay tiền lại yêu cầu tiền phải chuyển về Licogi trước. Tới Licogi, đơn vị này không chuyển tiếp tới Công ty 18 mà giữ lại trừ món nợ trước đây với Công ty Tiếp thị.
Hạ thấp giọng, Lã Thị Kim Oanh nói: "Licogi là bố của Công ty 18 nên 18 phải chấp nhận. Chúng tôi thương đơn vị thi công vất vả nên phải tiếp tục đi vay chỗ khác để trả tiền cho họ". Tòa công bố nhiều tài liệu cho thấy tiến trình giải ngân phục vụ dự án vẫn được các cơ quan chức năng tiến hành, Công ty Tiếp thị không thể thiếu vốn trầm trọng đến vậy. Lã Thị Kim Oanh thanh minh: "Mọi người ở ngoài thì thấy đơn giản và dễ dàng, nhưng có ở trong hoàn cảnh của chúng tôi thì mới thấy chúng tôi quá khổ".
Theo VnExpress, Lã Thị Kim Oanh kể về "công lao lớn" của Công ty Tiếp thị khi tiếp nhận thực hiện dự án khu triển lãm nông nghiệp. Theo lời bị cáo, năm 1992, một lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi công tác nước ngoài, thấy các nước bạn đều có khu triển lãm nông nghiệp. Ông này về nước triển khai, nhưng không đơn vị nào nhận thực hiện. Dự án có vốn đầu tư 129 tỷ đồng này được giao cho công ty của Lã Thị Kim Oanh. "Thực chất là Bộ không có nhiều vốn, nên cho phép chúng tôi được tự xoay xở tìm nguồn tiền", nguyên giám đốc công ty Tiếp thị phân trần.
Lã Thị Kim Oanh cho biết đã phải chạy vạy xoay xở tiền từ nhiều cơ quan, tổ chức tín dụng; lấy khoản vay này trả khoản vay khác. "Bị cáo không tham ô. Tham ô thì phải bỏ tiền vào túi", bà Oanh nói như vậy, nhưng vẫn không xuất trình được giấy tờ chứng minh tổng khoản tiền vay hơn 71 tỷ và 92.000 USD đã "chạy" về đâu.
Tại buổi họp báo chiều 22/3, trả lời về việc TAND Hà Nội không triệu tập nhân chứng là ông Lê Huy Ngọ (Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Nguyễn Công Tạn (nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tới toà, đại diện VKSND Tối cao cho biết, nếu bản án sơ thẩm bị TAND Tối cao cải sửa vì nguyên nhân trên thì HĐXX cấp sơ thẩm đã có thiếu sót. |