Hồ Tịnh Thủy
Thật ra từ những năm tiểu học, rất nhiều lần tôi "bị" mất niềm tin về những "người lái đò đưa khách sang sông". Còn nhớ, tôi được mẹ cho đi học thêm lần đầu tiên là vào năm lớp 3 sau một lần tỉ tê với mẹ rằng: "Mẹ à, lớp con ai cũng đi học hết rồi và bạn nào điểm cũng cao". Lên lớp 5 tôi mới biết rằng câu nói vô tư ngày nào của tôi đã gieo vào lòng mẹ một sự đắn đo đến quặn lòng.
Mẹ đồng ý cho tôi đi học đồng nghĩa với việc mẹ sẽ thức khuya hơn, dậy sớm hơn để gánh hàng ra chợ, cùng ba nuôi dạy 4 anh em tôi nên người, thế là tôi quyết định không học thêm nữa. Nhưng đến kì hai năm lớp 6, đến lượt mẹ lại khuyên tôi đi học thêm như chúng bạn vì điểm Anh văn của tôi quá thấp, khó có thể đạt sinh giỏi cuối năm. Lần này, tôi đồng ý. Điều khiến tôi bất ngờ nhất ở lớp học thêm Anh là tất cả học sinh phải đóng tiền đúng hạn nếu không cô giáo sẽ đuổi học và những gì được học ở lớp học thêm, tôi dễ dàng nhận ra nó trong những bài kiểm tra ở lớp. Ngoài ra, những giờ học thường được thay bằng những buổi kể chuyện ma giải trí sau câu nói: "Ngày mai lớp có kiểm tra, các em nhớ xem kỹ bài kiểm tra "thử" hôm nay nhé!"... Cuối năm, tôi được xếp giỏi vì điểm Anh rất cao nhưng lần đầu tiên trong đời tôi có cái nhìn khác về nghề giáo và từ đó tôi ghét giáo viên dạy thêm.
Một ngày đầu đông năm lớp 7, tôi lại có cái nhìn hoàn toàn khác về nghề giáo từ khi tôi hiểu được suy nghĩ trong lòng của thầy giáo dạy môn Toán. Đến giờ mỗi khi nghĩ về thầy lòng tôi vẫn còn xúc động cho những gì đã qua.
Tôi cùng chúng bạn đi học tại nhà thầy nhưng chẳng bao giờ tôi đóng đúng hạn và đủ tiền học phí mặc dù tôi không nằm trong dạng học sinh nghèo vượt khó. Nhưng tôi chưa bao gìơ nghe thầy nhắc về những khoản tiền và thầy luôn tận tâm cho những buổi ôn thi học sinh giỏi của tôi. Một hôm, tình cờ nghe các bạn kháo nhau rằng tôi đi học mà không thấy đóng tiền, thế là hôm đó tôi nghỉ học. Lên lớp, thấy thầy là tôi lặng lẽ cúi đầu và không dám phát biểu như mọi khi. Cuối giờ thầy gọi tôi ra gặp riêng và bảo: "Chiều nhớ đi học bình thường, sắp đến kì thi rồi và đừng suy nghĩ chuyện gì khác". Nói xong, thầy bước đi trong cái dáng cao gầy mà khắc khổ. Còn tôi ngạc nhiên là mình đang khóc.
Những giọt nước mắt nóng hổi đã chất chứa từ hôm qua. Tôi khóc phần vì bớt đi một gánh nặng cho mẹ, phần vì tôi thấy xấu hổ khi từng "ghét giáo viên dạy thêm". Chiều hôm đó, thầy đã kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện. Tôi lặng người, lắng nghe và nhận ra ở thầy những điều thật đáng quý. Thầy sẵn sàng bỏ thời gian để giúp đỡ những bạn học kém hoặc có hoàn cảnh khó khăn mà không bao giờ "đòi" học phí. "Nộp tiền là tuỳ khả năng ở các em" dẫu gia đình của thầy cũng chẳng lấy làm khá gì. Lúc ấy, tôi nhận ra làm giáo viên thật "khổ". Bởi đầu óc non nớt của chúng tôi ngày ấy chưa thể nào hiểu và nhận ra cái tâm bên trong của một người thầy, cái tâm ấy sáng hơn cả màu tóc. Chúng tôi chỉ có thể dễ dàng nhìn ra cái không tốt của một giáo viên vì hay nạt nộ, la mắng học sinh. Chúng tôi chưa đủ nhạy cảm để hiểu rằng; có những điều tốt không bao giờ nói ra và ta chỉ biết được nó khi ta chịu mở lòng mình để hiểu và lắng nghe suy nghĩ của người khác. Tôi có "người thầy trong mơ" từ ấy - người ghi vào lòng tôi niềm kính trọng sâu sắc mà suốt đời không thể nào quên.
Lến lớp 8, lớp 9 và những năm học sau này nữa, tôi có thêm rất nhiều "người thầy trong mơ" bên cạnh "những người thầy không phải trong mơ". Bởi tôi đã hiểu và tập cho mình cách đánh giá, nhận xét vấn đề đằng sau hành động của một người thầy, rằng:
- Đằng sau những bài tập về nhà, những lần trả bài là mong muốn học sinh chịu khó học hành, chịu khó chăm chỉ để đạt kết quả tốt.
- Đằng sau những lời răn đe doạ nạt là nỗi lòng của người thầy muốn học sinh biết nghe lời, biết nghĩ đến sự hy sinh của cha mẹ mà cố gắng trước là cho bản thân, sau là gia đình và xã hội.
- Đằng sau việc giáo viên khuyên học sinh đi học thêm không phải ai cũng chỉ biết có tiền mà có người muốn giúp đỡ và nâng cao trình độ của học sinh trong những lúc kiến thức thì nhiều mà thời gian thì có hạn. Giáo viên là một nghề, và họ có quyền "bán" con chữ của mình vì miếng cơm manh áo trong một giới hạn nào đó.
Và đằng sau những giọt mồ hôi, những bài giảng là những đêm thức khuya soạn giáo án với tâm huyết truyền đạt kiến thức cho thế hệ sau... Còn nhiều cái đằng sau nữa mà có lẽ chỉ khi là một giáo viên chúng ta mới hiểu được.
Lớp tôi ngày xưa, có rất nhiều học sinh cá biệt từng ghét một giáo viên đến mức dùng mọi cách để phá như: ném giấy vào người, thu cặp sách, làm hỏng xe và thậm chí là nói tục. Thế mà, hầu hết những bạn đó khi ra trường và trưởng thành lại cảm giác ân hận và quý trọng người thầy ấy.
Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11 mỗi năm, chúng tôi có dịp về thăm lại thầy cô cũ, nghe những tâm sự trong lòng họ mới thấy rõ nỗi trăn trở của một người thầy: "Cái tâm của giáo viên cần thời gian để học sinh thấy sáng", chúng tôi được dịp trả lại những giọt nước mắt ngày xưa thầy đã rơi. Tôi hiểu, không dễ để trở thành người thầy đúng nghĩa, và rất khó để người khác hiểu đúng cái tâm của mình.
Mẹ tôi, cũng từng là một giáo viên nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên không thể tiếp tục. Cũng như những người khác trong gia đình, mẹ muốn tôi theo nghề giáo vì mẹ bảo con gái theo nghề giáo hiền lành, là nghề được xã hội kính trọng nhưng tôi đã rẽ sang một con đường khác vì ngày ấy tôi không có niềm đam mê và hơn thế nữa tôi sợ, sợ không vượt qua được "nỗi trăn trở" của người thầy. Bây giờ, sau khi đi dạy kèm những em nhỏ với đồng lương rất ít ỏi, nếu được hỏi tôi có thích nghề giáo không tôi sẽ tự hào nói rằng "Tôi cũng là một người 'đưa khách sang sông' nên dĩ nhiên tôi thích".
Mong rằng xã hội chúng ta ngày càng có nhiều "người thầy trong mơ".
Và mong rằng có ít thôi người thầy phải nói hai chữ "hối tiếc" cho những sai lầm.
Vài nét về blogger:
Sẽ có rất nhiều suy nghĩ khác nhau về một người thầy, trên đây là chút ít tâm sự của cá nhân tôi, còn nhiều điều không thể nói ra hết, rất mong được chia sẻ cùng mọi người - Hồ Tịnh Thuỷ.