Vừa cạo mủ cao su trở về, phạm nhân Hoàng Thị Nhàn (sinh năm 1969, quê Thái Bình, đang thụ án 12 năm tù về tội Giết người) lau mồ hôi, rụt rè chào khách tới thăm. Gần 7 năm thụ án tại Trại giam Đắk Trung, phạm nhân Nhàn chưa một lần được thổ lộ về câu chuyện lỗi lầm của mình ngày trước.
Hoàng Thị Nhàn sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo đông anh em. Bố mẹ mất sớm, chị em Nhàn phải chia nhau ở đợ họ hàng thân thích. Lớn lên một chút, Nhàn theo chân gia đình người chú vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới.
Vốn chăm chỉ, chịu khó làm nên nên Nhàn được mọi người rất quý mến. Đến tuổi cập kê, nhiều chàng trai thương thầm, nhớ trộm Nhàn nhưng cô gái mới lớn quyết định chọn anh Nguyễn Văn Sơn (sinh năm 1962, trú tại thôn Quỳnh Tân 2, xã Buôn Trấp, huyện Krông Ana) làm bạn đời vào năm 1988. Hơn Nhàn 7 tuổi, sự chín chắn và yêu thương vợ con hết mực của anh Sơn khiến bà con thôn Quỳnh Tân 2 ai cũng phải khen.
Cuộc sống hai người êm đềm hạnh phúc khi Nhàn lần lượt sinh 3 người con (2 gái, một trai) cho chồng. Vậy mà, cuộc đời của Nhàn đảo lộn khi xuất hiện người thứ ba chen ngang, đó là Bùi Sỹ Tuyên (sinh năm 1968, quê Thanh Hóa, ngụ thôn Tur 2, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana).
Tuyên cũng theo chân họ hàng vào Đắk Lắk lập nghiệp. Thường ngày, thanh niên này đi hái cà phê, cuốc đất hoặc phát rẫy thuê kiếm sống qua ngày. Tuyên cũng có một mái ấm cho riêng mình với 3 con nhỏ.
Một lần, Tuyên nghe người hàng xóm giới thiệu nên đã tìm đến nhà Nhàn để xin chặt thuê gốc cà phê. Vào làm công cho gia đình anh Sơn, thi thoảng Tuyên được vợ chủ nhà rót nước mời những lúc trưa nắng. Vốn không đẹp mã nhưng Tuyên được “trời phú” cho khoản ăn nói. Thế nên, bằng sự quan tâm nho nhỏ và vài lời khen cũng đủ khiến người phụ nữ đã có tới 3 mặt con bỗng chốc xiêu lòng, nảy sinh tình ý.
“So với anh Sơn, Tuyên thua kém nhiều mặt nhưng lại thường quan tâm, chăm sóc, lo lắng cho tôi những khi trò chuyện. Có lẽ vì thế mà tôi đã không làm chủ được lý trí của mình nên đã đồng ý qua lại với Tuyên”, Nhàn nhớ lại.
Có nhân tình mới, việc nhà Nhàn bỏ mặc cho anh Sơn lo liệu. Nhàn thường lấy cớ việc trên rẫy nhiều nên ra ngoài từ sớm, đi làm với lý do tránh nắng, có hôm ở lại chòi ngủ cũng không về nhà. Hiền lành, ít nói nhưng anh Sơn cũng lờ mờ đoán được vợ có điều khuất tất nhưng không tiện hỏi. Người đàn ông này vẫn chịu khó xoay sở công việc và chăm sóc, nuôi nấng 3 đứa con học hành.
Có lần thấy Nhàn tất tưởi về nhà chẳng kịp ăn cơm lẫn nhìn mặt 3 đứa con rồi lại đi luôn, anh Sơn to tiếng dẫn đến hai vợ chồng cãi nhau. Do đang đắm chìm trong tình cảm với Tuyên, Nhàn yêu cầu anh Sơn ký vào đơn ly hôn với lý do “không còn đem lại hạnh phúc cho nhau thì đường ai nấy đi”.
Tuy nhiên, nghĩ đến 3 đứa con còn đang tuổi cắp sách đến trường, anh Sơn đặt bút định ký ly hôn nhưng rồi lại thôi vì nghĩ cần thêm thời gian cho các con trưởng thành, mà không ngờ chính việc này đã vô tình khiến anh trở thành cái gai trong mắt Tuyên và Nhàn.
Cả hai bàn bạc cùng nhau hãm hại anh Sơn. Tuyên cho biết, trên rẫy của nhà Nhàn một số nơi còn sót lại bom mìn thời chiến tranh nên cách tốt nhất để “trừ khử” bằng cách đặt mìn hại anh Sơn. Nhàn nghe vậy thì đồng ý. Tuyên đặt kíp nổ vào rồi quấn chặt bằng một đoạn xăm xe đạp. Chế xong quả mìn, Tuyên đưa cho Nhàn cất giấu rồi dặn Nhàn mua một đoạn dây điện (loại dây đôi) dài khoảng 20m để làm dây dẫn kích nổ.
Ngày 3/12/2007, Nhàn đi làm rẫy cà phê tại khu xâm canh ở xã Băng Ađrênh (huyện Krông Ana) và mang theo quả mìn tự tạo mà Tuyên đã đưa. Trước khi đi, Nhàn hẹn Tuyên vào rẫy để đặt mìn. Tuyên dùng một chiếc cuốc chim đào một hố ngay cạnh một gốc cây mãng cầu để chôn quả mìn, đây là nơi 2 vợ chồng Nhàn thường ngồi nghỉ. Tuyên rải dây mìn từ hố chôn đến chân đồi, còn Nhàn dùng lá khô và đất ngụy trang chỗ đặt mìn và dây điện để không ai phát hiện ra. Cả hai lập kế hoạch xong rồi cùng nhau ra về.
Ngày 6/12/2007, Nhàn gọi điện cho Tuyên thông báo việc hai vợ chồng Nhàn đi làm rẫy. Khoảng 8h50 cùng ngày, hai vợ chồng Nhàn đi vào rẫy. Nhàn để bịch bánh rán ở dưới gốc cây mãng cầu rồi nói với chồng vào nhà người quen mượn thêm chiếc cuốc để làm việc.
Sau khi đi khỏi, Nhàn gọi điện cho tình nhân thông báo tình hình. Khi Nhàn đã đi khỏi khu vực có thể bị ảnh hưởng bởi sức nổ, Tuyên bèn đấu hai đầu dây diện. Một tiếng nổ inh tai nhức óc vang lên khiến tất cả những hộ dân và người làm rẫy xung quanh giật mình kinh hãi.
Hậu quả, anh Sơn bị văng xa đến hơn 10m vẫn còn đang thoi thóp thở. Ngay lập tức, mọi người đưa nạn nhân đi cấp cứu. Nhàn giả vờ chạy về nhà thông báo cho gia đình anh Sơn dẫm phải mìn nên bị thương phải đi viện cấp cứu.
Công an xã Băng Ađrênh đã lập tức có mặt để bảo vệ hiện trường. Họ nhanh chóng thu giữ một cuộn dây diện dài khoảng 20m. Nghi vấn về một kế hoạch giết người đã được trình báo lên Công an tỉnh Đắk Lăk. Qua sàng lọc và truy xét nhanh những kẻ tình nghi, công an lần lượt bắt giữ Bùi Sỹ Tuyên ngay tại nhà và Hoàng Thị Nhàn để phục vụ công tác điều tra. Tại cơ quan công an, Nhàn đã cúi đầu thừa nhận.
Về phần nạn nhân, anh Sơn đã may mắn thoát chết kỳ diệu vì đúng lúc anh đứng lên để đi lấy nông cụ thì quả mìn mới phát nổ, nhờ vậy mà sức công phá chết người đã được giảm nhẹ phần nào. Theo kết quả giám định thương tật, anh Sơn bị thương tật 30% sức khỏe vĩnh viễn.
Nhàn kể: “Lúc ra tòa, tôi mới thấm thía mình sao dại dột và nông nổi đến thế nhưng có lẽ lúc ấy đã quá muộn rồi. Tôi chẳng trách ai được, chỉ trách mình không ra gì mà thôi. Trong suốt cả phiên tòa, tôi và Tuyên chẳng ai nói với ai lời nào. Nhìn thấy chồng một bên tay vẫn còn băng bó khi ra tòa làm chứng, tôi không dám đối diện với anh ấy. Khi tòa cho phép nói lời sau cùng, tôi cũng chẳng biết phải nói sao cho nên lời. Nhìn mấy đứa con còn chẳng hỏi han tôi lấy một câu thì tôi biết cái giá phải trả cho hành động của mình đắt đến nhường nào rồi”.
Ngày đầu mới vào cải tạo tại Trại giam Đắk Trung, phạm nhân Nhàn cho biết mình chỉ khóc. Khóc nhiều đến nỗi hai mắt sưng húp cả lên, nhiều bữa còn bỏ cơm khiến cán bộ quản giáo phải thay nhau động viên, chia sẻ mới giúp tinh thần của nữ phạm nhân này khá dần lên.
Hiện, Nhàn đã được giảm án 3 lần, tổng cộng là 11 tháng. "Tôi viết một lá thư, bao nhiêu tâm sự, bao nhiêu đắng cay tủi hờn của những ngày tháng ân hận trong trại giam, tôi gửi cả vào trong đó. Tôi không mong mình nhận được lời chấp thuận của chồng nhưng tôi hy vọng anh ấy hiểu được tôi đã day dứt rất nhiều khi tự ném đi hạnh phúc mà chính mình gây dựng, vun đắp lên”, nữ phạm nhân tâm sự.
Thời gian dần trôi, nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai, các con của Nhàn lần lượt trưởng thành và bước vào giảng đường đại học. Chúng dần hiểu ra câu chuyện và tha thứ cho Nhàn, có thời gian rảnh là lại lên thăm mẹ.
Nhàn gạt nước mắt kể: “Cách đây khoảng gần một năm, tôi bất ngờ khi thấy anh ấy lên cùng đứa con út thăm tôi. Tôi khóc ngay tại chỗ vì xúc động. Hai vợ chồng ngồi với nhau một lúc lâu mà chẳng ai nói với ai câu nào. Tôi mở lời trước, hỏi thăm anh ấy và các con ở nhà. Rồi tôi nói xin lỗi anh ấy trực tiếp. Đáp lại tôi, anh ấy chỉ bảo: 'Sao vợ chồng mà nông nổi vậy. Dù gì cũng là cái nghĩa, cái tình, tôi gắng nuôi các con để nhận lấy cho mình một quả mìn sao?'. Nghe thế, tôi lại khóc rồi nói với anh ấy: 'Chuyện cũ qua rồi, em biết mình sai, một phút nông nổi nên phải chịu cơm tù áo số thế này, anh hãy tha thứ cho em'. Nhưng anh Sơn chỉ im lặng rồi về”.
Theo Pháp Luật Việt Nam