Tố Nga thấy mình liều bởi nhiều lẽ. Trước hết, nghệ sĩ dòng nhạc dân gian như chị thường dễ bị "ném đá" khi hát Bolero vì thường sử dụng kỹ thuật và khó "mùi" như các ca sĩ dòng nhạc trữ tình. Bên cạnh đó, việc chọn Bolero có thể làm phai nhạt hình ảnh mà chị đã gây dựng với những ca khúc xứ Nghệ.
"Tôi không quá lo lắng vì những nguy cơ mà mình có thể gặp phải khi phát hành Xin đừng trách đa đa. Tôi hát nhạc Bolero không phải vì hứng chí mà vì đã nghe những ca khúc này từ tấm bé, khi chưa nghĩ mình sau này sẽ trở thành ca sĩ. Những giai điệu đó vẫn đi theo tôi mãi và tôi muốn dùng chúng để kể cho khán giả câu chuyện về những thứ mình từng trải qua", Tố Nga nói.
Nghệ sĩ cho rằng, nhạc dân gian có nhiều gần gũi với Bolero, đặc biệt là sự dung dị, tình cảm thiết tha. Sinh ra và lớn lên từ những lam lũ ở miền quê nặng nghĩa tình, Tố Nga tự tin mình có thể bắt nhịp cảm xúc vào mỗi giai điệu, lời ca của dòng nhạc này. Chị chọn cách hát những ca khúc đã quen thuộc bằng cách thể hiện mới mẻ, khác lạ để làm giảm đi những não nề vốn có ở bản gốc.
Bên cạnh những ca khúc Bolero, Xin đừng trách đa đa còn có những bản tình ca thuộc các thể loại khác nhau. Tất cả kết nối thành thành câu chuyện của Tố Nga về tình yêu, quê hương, nỗi nhớ thương và sự đa đoan trong cuộc sống riêng. Album gồm 9 ca khúc: Xin đừng trách đa đa, Mưa trên phố Huế, Thơ tình cuối mùa thu, Mưa chiều miền Trung, Lối về đất mẹ, Xuân sang nhớ người thương, Huế và em, Đi trong hương tràm và Chơi vơi.
Album này nằm trong chuỗi sản phẩm kỷ niệm 25 năm ca hát của Tố Nga. Trước đó, hồi tháng 7/2019, chị cho ra mắt MV Gửi vào thương nhớ. Chị là giọng ca quen thuộc với khán giả dòng nhạc dân gian, từng phát hành nhiều album như Mời anh về Hà Tĩnh, Cảm xúc từ câu hò điệu ví, Dòng sông đa tình, Cánh võng mẹ ru, Thương quê... Tố Nga cũng là giọng hát được cố nhạc sĩ An Thuyên tin tưởng giao cho nhạc phẩm ông tâm đắc Hà Tĩnh mình thương. Chị hiện công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và từng đoạt nhiều huy chương, bằng khen tại các kỳ liên hoan ca nhạc cấp quốc gia.