Theo Tiền Phong, chấm thi môn Văn năm nào cũng có những chuyện dở khóc, dở cười. Và câu chuyện trên chỉ là một trong vô số tình huống mà các cán bộ chấm thi môn Văn trường ĐHKHXH & NV - ĐHQG Hà Nội gặp phải trong kỳ thi tuyển sinh năm nay.
Cô Đàm Ánh Loan, Phó chủ nhiệm khoa Ngữ Văn trường ĐHKHXH và NV nhận xét: "Đề thi môn Văn năm nay dành cho cả hai khối C và D dài, quá nhiều ý (Ba-rem điểm đề thi Văn khối C được chia thành 21 ý tương đương với 21 cột điểm và môn Văn khối D cũng có đến 19 ý). Thí sinh chỉ chú trọng đến việc làm thế nào cho đủ ý để đuổi kịp thời gian làm bài nên không chú ý đến câu văn, đến cảm xúc. Do vậy, rất hiếm có bài văn hay thực sự. Còn những bài ngô nghê, cảm nhận sợ sài, câu chữ lủng củng, vô nghĩa thì… nhiều vô kể".
Có thí sinh đã sử dụng ngôn từ của bình luận viên bóng đã khi làm văn: “Chế Lan Viên đã từng mong muốn được ẩn thân ở “Tinh cầu giá lạnh” để quên đi những khổ đau của cuộc đời, thì sau cách mạng tháng Tám, ông đã có một cuộc lội ngược dòng đầy ngoạn mục để tìm về nhân dân, đất nước và tìm về với bản thân mình”.
Chưa hết, thí sinh này còn viết: “Chế Lan Viên muốn phá tan chiếc lồng cá người (?) chật hẹp để đến mọi miền tổ quốc, nơi đã, đang và sẽ chiến đấu ngày đêm với quân thù, giành từ tay chúng từng “tấc đất tấc rau” cha ông để lại”.
Khi phân tích tâm trạng nhân vật Chí Phèo, có thí sinh đã viết thế này: “Nhân tính của anh chỉ bị che lấp chớ không hề mất đi, chỉ cần có cơ hội, chỉ cần có người biết quan tâm thì nó trỗi dậy mãnh liệt… Thị Nở đã làm cho anh tỉnh dậy, đã khơi dậy những giác quan mà lâu nay anh bị quên lãng”.
Khi viết về tiểu sử nhà văn Nam Cao, một thí sinh khẳng định: “Nam Cao xuất thân từ giai cấp nông sản”! Còn khi phân tích tình yêu giữa Chí Phèo và Thị Nở, có thí sinh nhận định: “Việt Nam không là một cường quốc kinh tế, quân sự nhưng cũng tự hào là một cường quốc về tình yêu”!
Trong số 11.000 bài thi Văn ở trường ĐHKHXH & NV đã chấm xong, chỉ có một bài đạt 9,5 điểm (khối D). Số bài thi đạt 8-9 rất hiếm. Trong khi đó, nhiều bài chỉ được 1-2 điểm. Thậm chí có một số thí sinh có làm bài nhưng vẫn bị chấm điểm 0 vì đi lạc đề.
Ông Trần Tịnh Đức - Phó Phòng Đào tạo ĐHKHXH & NV kể: 'Một thí sinh viết chữ rất đẹp, văn gãy gọn, súc tích nhưng thay vì làm văn, thí sinh này đã viết hẳn một “công trình nghiên cứu” dài 8 trang nêu lên thực trạng dạy và học văn trong trường phổ thông hịên nay".
Theo “công trình nghiên cứu” của thí sinh này thì việc học văn đang vô cùng máy móc, học sinh viết văn theo cảm nhận vay mượn của người khác. Trước khi kết thúc “công trình” của mình, thí sinh này đã có lời xin lỗi các thầy cô chấm thi vì “bức xúc không chịu nổi” và chấp nhận bị điểm 0.
Theo ông Tịnh, thí sinh này bị điểm 0 là chính xác, tuy nhiên, các thầy cô không nên xem nhẹ những ý kiến mà thí sinh này đưa ra. Có thể, sau khi công bố điểm thi xong, trường ĐH KHXH và NV TP HCM sẽ tổ chức một cuộc toạ đàm về việc dạy và học văn!