Hà Anh
Bao nhiêu cuộc ly hôn là bấy nhiêu nỗi đau, đau cho người trong cuộc, nỗi niềm xót xa, tiếc nuối cho những người đứng ngoài nhìn vào. Đau hơn hết là những đứa trẻ vô tội, trước đây chúng được tạo ra bằng tình yêu của bố mẹ đến sau khi ly hôn vô hình chung chúng trở thành gánh nặng của cả hai bên, mặc dù họ đều mong muốn bù đắp lại cho chúng bằng cách này hay cách khác. Nhưng thử hỏi có mấy đứa trẻ hài lòng với bố dượng hoặc mẹ kế, có thể có nhưng con số ấy không nhiều.
Tại sao tỷ lệ những cặp vợ chồng ly hôn ngày càng gia tăng?
Cái gì cũng có lý do của nó, thứ nhất có thể lý do chủ quan do người trong cuộc tạo ra. Có câu "Yêu nhau yêu cả đường đi lối về, ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng". Con người không ai hoàn thiện, người có tật xấu này, người có tật xấu kia, khi yêu những tật xấu ấy bị che khuất đi bởi sự thần tượng hoá người mình yêu, thời gian trước khi cưới ở bên nhau không nhiều nên hai bên không nhận ra những điểm xấu ấy của nhau. Trong thời gian yêu nhau, chàng hay gọi điện hỏi han nàng: "Em đi đâu, em làm gì, đang đứng với ai?" hoặc ngược lại. Nàng (chàng) cho rằng chàng (nàng) quan tâm đến mình nên lấy làm hạnh phúc lắm, tất nhiên rồi, nhưng sau khi về ở với nhau những câu hỏi kiểu đó được lặp đi lặp khiến đối tượng phải nghe rất khó chịu vì có cảm giác đang bị quản chế, mất tự do cá nhân.
Hoặc khi yêu nàng, chàng không quan tâm đến việc vợ biết nữ công gia chánh hay không, cứ lấy nhau đã, chuyện đó tính sau, nhưng họ không nghĩ đến việc sau này làm sao có thể cả đời đưa nhau ra tiệm được. Nếu chồng xuề xoà thì không sao, lỡ sống chung với gia đình chồng thì đó lại là một bất lợi rất lớn, có rất nhiều cặp vợ chồng ly dị với lý do không hợp với gia đình chồng. Có thể chồng hoặc vợ vô tâm không để ý đến gia đình bên nội bên ngoại, điều đó cũng gây ra mâu thuẫn ít nhiều. Nhiều con sóng to góp lại thành con sóng lớn, tất cả những điều nhỏ nhặt ấy được lôi ra ánh sáng khi hai con người "hết yêu nhau", đến lúc này ai cũng bảo: "Bây giờ tôi mới hiểu rõ cô (anh)!", thật ra vẫn là hai con người ấy mà thôi nhưng trước đây khi họ còn yêu nhau, yêu cả những thói xấu của nhau, khi ghét nhau đến cách ăn cách mặc, cách đi đứng nói năng cũng ghét. Khác nhau ở chỗ có người nói ra, có người không, có người không chịu nổi lu loa lên, có người chịu đựng nuốt vào lòng, cách sử xự mỗi người một kiểu nhưng đều chung một nỗi đau khó có thể che dấu.
Nguyên nhân thứ hai ảnh hưởng đến việc này cũng có thể do sự đòi hỏi bình đẳng giới đang trên đà phát triển một cách chóng mặt. Trước đây phụ nữ không có điều kiện tiếp xúc với kiến thức ngoài xã hội, nhận thức bị đóng khung bởi gia giáo và truyền thống phong tục, hủ tục muôn đời. Hiện nay họ có cơ hội phát triển và thể hiện bản thân mình, họ có nghề nghiệp hiện đại với những mối quan hệ giao tiếp, có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài, điều đó giúp họ trong việc phá bỏ sự kìm kẹp ấu trĩ trước đây. Người đàn ông vốn có tư tưởng sở hữu và cai trị khó có thể chấp nhận ngay lập tức sự thay đổi này thế nên chiến tranh nổ ra. Người có học âm thầm đấu tranh, đối với những người vũ phu thì thượng cẳng chân hạ cẳng tay, không những làm đau lòng nhau còn làm đau thân thể của nhau nữa.
Cũng có thể lý do ly dị do người thứ ba tác động, gọi theo cách khác - ngoại tình, lý do này là lý do chính trong rất nhiều vụ ly dị. Thật đáng buồn cho ai rơi vào hoàn cảnh này, cho dù can đảm đến đâu đi chăng nữa họ cũng khó chấp nhận và tha thứ cho người đã phụ bạc mình chạy theo người khác, có mới nới cũ. Cõ lẽ người trong cuộc trong những cuộc tình tay ba hiểu rõ hơn hết ai là kẻ có lỗi.
Có rất nhiều lý do được nêu ra trong một cuộc chia tay, lý do chính thường: "Hết yêu nhau rồi thì giải phóng cho nhau, đừng làm nhau khổ thêm". Nói ra hai từ "hết yêu" nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng nó dường như giọt nước cuối cùng làm tràn ly, hết yêu là hết tất cả, bao nhiêu hò hẹn yêu thương được cho vào dĩ vãng, đập vỡ tan tành bao kỷ niệm vốn dĩ được trân trọng và giữ gìn. Có người ví hôn nhân là hoàng hôn của tình yêu, không thể không công nhận trong những trường hợp này. Tình yêu như một cái cây non, hai người cùng vun trồng chăm sóc, hôn nhân như một thứ quả ngọt mà họ xứng đáng được hưởng thụ, nhưng đừng vội hài lòng mà bỏ quên không chăm bẵm nó, nếu quên không chăm bẵm thì nó sẽ chẳng bao giờ tiếp tục cho quả hoặc nếu có thì cũng chỉ là quả còi, quả đẹn mà thôi.
Không ít người chưa lập gia đình đang mất dần niềm tin vào cuộc sống vợ chồng, bởi họ thấy trước mắt mình bao nhiêu cuộc tình đẹp như trong mơ mà có một kết thúc thật buồn. Họ phân vân không hiểu mình đã tìm thấy niềm hạnh phúc thật sự từ một nửa của mình chưa, hay khi lấy nhau về rồi cơm không lành canh không ngọt lại lôi nhau ra mà phán xét. Thật ra trong mỗi chúng ta ai cũng mong muốn mình có một người mình thực sự yêu thương và người ấy cũng yêu thương mình, mong có một mái ấm đầy đủ bố mẹ cho con cái, không ai muốn điều đau lòng xảy ra nên cố gắng chịu đựng nhưng đến khi sự chịu đựng vượt ra ngoài giới hạn thì ly dị là việc khó tránh khỏi.
Nói tóm lại có còn không tình yêu sau hôn nhân? Tất nhiên vẫn có, có con người là có tình yêu. Tình yêu trước hôn nhân như đợt sóng dâng trào, chỉ mong muốn dâng hiến trọn vẹn cho người mình yêu, cả tâm hồn thậm chí cả mạng sống. Tình yêu sau hôn nhân như một ngọn núi lửa chứa trong lòng nó dòng nham thạch cháy âm ỉ. Cuộc sống vợ chồng là cả một quá trình phấn đấu bảo vệ hạnh phúc, khó khăn gian khổ khiến ba từ "Anh yêu em" hay "Em yêu anh" không còn được phát ra nhiều từ miệng nữa nhưng nó vẫn tồn tại trong tâm hồn mỗi người, điều quan trọng bạn có can đảm và nghị lực để giữ gìn nó hay không mà thôi.
Hy vọng trước khi bạn chọn một ai đó làm ý trung nhân để đi suốt chặng đường đời hoặc trước khi đặt bút ký vào đơn ly dị hãy suy nghĩ cho thật kỹ để sau này không làm tổn thương chính mình, hay tổn thương những đứa con yêu thương mà mình dứt ruột sinh ra.
Vài nét về blogger:
I am the happiest woman in the world because I have everything that a woman need: love! - Hà Anh.
Bài đã đăng: Nem thính ơi, nhọc nhằn, Hành trình cuộc đời người đàn bà, Bốn mùa Giáng sinh, Gái thương chồng, Thạch thảo trắng, Mình không thích mưa, Mẹ sinh con gái, Khiêu vũ tháng 5, Thằng em họ, Làm người thứ ba, Nguyệt cầm, Thôn Nữ, Lübeck ngập trong tuyết trắng, Bayern, núi Alps và món chân giò nướng, Đậu phụ và sôcôla, Mẹ chồng tôi.