Người phụ nữ đang xin bãi nại cho người đã gây ra cái chết của chồng mình. |
Vào phòng xử án, họ ngồi ở hai dãy ghế song song nhau. Nét mặt người nào cũng mang nỗi buồn đau. Người có thân hình héo hon mang nỗi đau khổ tột cùng bị mất chồng.
Người có khuôn mặt ngây dại mang nỗi đau vì con mình đã gây ra cái chết ấy và giờ nó cũng thành người ngu ngơ...
Phòng xử án vắng lặng. Hai người phụ nữ khổ đau nhìn chằm chằm vào bị cáo (Mai Thế Hào, 24 tuổi, trú ở phường Thanh Hải, TP Phan Thiết, con trai của người thợ may) đứng trước vành móng ngựa. Vụ án được Tòa án nhân dân TP Phan Thiết xét xử vào cuối tháng 3...
Ngày kinh hoàng ấy cách đây hơn năm năm. Hôm đó Hào lấy xe máy của anh trai “đi công chuyện” trên đường Thủ Khoa Huân. Phóng nhanh, Hào tông vào một người đàn ông đi xe máy ngược chiều.
Cả hai văng ra đường rồi bất động. Khi tỉnh dậy, kẻ gây tai nạn thấy mình đang nằm trong Bệnh viện Chợ Rẫy, thấy đôi mắt thâm quầng trên hai khuôn mặt hốc hác của mẹ, của cha.
Hào thảng thốt khi biết người đàn ông mà mình tông xe hôm trước đã chết, còn Hào được cấp cứu trong tình trạng hôn mê do vỡ sàn sọ não trước, xương gò má bên trái cũng gãy, gãy cả xương cằm, góc hàm và răng.
Hào không dám nhìn vào gương vì biết bộ mặt mình đã biến dạng. Khi xuất viện, Hào bị chứng rối loạn tâm thần do chấn thương sọ não sau tai nạn giao thông nên khả năng nhận thức, điều khiển hành vi rất hạn hẹp.
Chính vì thế dù vết thương đã lành nhưng vẻ mặt của Hào mãi ngu ngơ như con trẻ. Song, trong phần còn lại của sự nhận thức hạn hẹp, Hào vẫn ý thức được rằng tông chết người là phải tù tội nên đã bỏ trốn và bốn năm sau thì bị bắt.
Nội dung cáo trạng được công bố và bị cáo cúi đầu nhận tội. Phần xét hỏi diễn ra khá suôn sẻ. Bị cáo ấp úng trả lời câu hỏi của tòa. Người công nhân vệ sinh, người đàn bà đớn đau vì mất chồng, bỗng đứng lên luống cuống nói lời giảm án, bãi nại.
“Tại sao chị lại xin giảm án cho người đã gây cái chết cho chồng mình?”, người đàn bà mất chồng nói như khóc: “Tôi biết rủi ro không ai muốn, có làm gì thì người chết cũng không thể sống lại được. Mà bị cáo chỉ đáng tuổi con tôi. Hơn nữa bị cáo cũng bị di chứng sau tai nạn. Chỉ tủi là khi chồng tôi chết, chẳng thấy bên kia đến thắp cho anh ấy một cây nhang”.
Người mẹ của bị cáo lúng túng đứng dậy, bà cũng nói trong tiếng nấc: “Cảm ơn chị đã cứu cháu lần nữa. Về chuyện kia xin chị chớ hiểu lầm, khi ấy gia đình em có tới nhưng thấy gia cảnh rối ren nên không dám vào. Xin chị thương em thì thương cho trót...”.
Do cái cách chạy xe ẩu tả của bị cáo mà người vợ mất chồng, hai đứa con mất cha... Đau đớn quá, đáng căm phẫn quá. Vì vậy sau khi lo ma chay xong, người vợ nhất quyết đến nhà bên kia “hỏi cho ra chuyện”.
Nhưng khi bà đến nhà của kẻ gây ra cái chết, chứng kiến tận mắt tình cảnh khốn khó của người mẹ, nỗi căm giận của bà đã chùng xuống. Bà tự nhủ với lòng mình: “Người ta cũng khổ, cũng nghèo, cũng nợ nần chồng chất có khác gì mình đâu, thôi thì...”.
Không thể nào nguôi giận, song bà không thể làm khó cho bên kia. Lui tới, họ càng hiểu nhau, cảm thông nhau. Người vợ mất chồng nói: “Chuyện cũng đã lỡ, tôi biết bên ấy cũng nợ nần nhiều, ma chay cho chồng tôi tốn hơn 17 triệu đồng nhưng tôi chỉ nhận 10 triệu đồng thôi! Khi đến nhà Hào, tôi mới hiểu rằng gia đình này đang sống trong bi kịch. Trước đây, vì nghèo túng, người chồng đành ký giấy chia tay để vợ mình có thể xuất ngoại với người đàn ông khác, “hòng cô ấy có cơ hội đổi đời.
Nhưng chuyến xuất ngoại không thành, vợ chồng họ lại về chung một mái nhà, nhưng... mỗi người một thế giới riêng, lạnh lùng. Hôm con trai ra tòa, dù ngồi cạnh nhưng cả hai đều nín lặng.
Khi nghe tin con bị tai nạn, mẹ Hào thảng thốt rồi như ngây như dại, không còn may vá gì được nữa. Sau đó chị phải lần tìm từng địa chỉ năn nỉ khách hàng xin trả lại vải để lo cho con. Người cha vốn ít nói giờ càng câm lặng.
Ngày ngày anh cố rang, xay thêm vài ký cà phê rồi lùng sục từng con hẻm nài nỉ xin bỏ mối để có tiền lo giải quyết hậu quả do con gây ra. Vừa chạy chữa cho con, người chồng dù đã ly hôn lại phải lo cả cho mẹ của hai đứa nhỏ khi bà ấy bộc lộ dấu hiệu của bệnh tâm thần, “dẫu sao cũng còn cái nghĩa, cho dù trước đây...”, gạt mồ hôi trên gương mặt đen nhẻm vì khói, bụi cà phê, người đàn ông buồn rầu giải thích.
Nhờ người vợ mất chồng xin bãi nại mà Hào chỉ bị kêu án 36 tháng tù treo. Còn khoản bồi thường chi phí hơn 17 triệu để người mẹ nuôi hai con, cha mẹ Hào bằng mọi cách phải gửi đủ bởi “lương công nhân vệ sinh như chị khó lòng kham nổi”, cha Hào nói.
Và cha mẹ Hào đã cố chạy được 5 triệu gửi trước, còn lại xin được trả trong vòng một năm. Nhưng khi nhận 5 triệu từ đôi tay gầy guộc run run của người cha bị cáo, người đàn bà mất chồng lại cứ ngại ngại ngần ngần.
Cuối cùng bà cũng nhận. Nhận và nắm tay người mẹ của bị cáo, bà khóc, nói: “Tôi cũng khổ quá... Thôi, số tiền còn lại anh chị thư thả hãy hay...”.
(Theo Tuổi Trẻ)