Nguyễn Hà Đông, tác giả của game đình đám Flappy Bird, vừa tuyên bố sẽ khai tử trò chơi này khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối. Từ đầu năm 2014, Flappy bird là cái tên được chú ý nhiều nhất trong cộng đồng game thế giới cũng như ở Việt Nam. Ngay sau khi gỡ trò chơi khỏi kho ứng dụng Apple Store, trang Huzlers của Mỹ đăng tải thông tin Nguyễn Hà Đông vừa tự tử tại nhà bằng một khẩu súng lục với nguyên nhân chính là do trò chơi con cưng của anh. Tuy nhiên, thông tin này chưa được kiểm chứng.
Trò chơi với đồ họa rất đơn giản nhưng lại rất khó kiếm được điểm này đã liên tiếp đứng đầu trong hai kho ứng dụng lớn nhất là Apple Store và Google Play trên 187 nước và có số lượng tải khổng lồ, lên tới 50 triệu lượt. Cảm nhận chung của người chơi là vừa bức xúc vì rất khó ghi được điểm nhưng cũng vừa hào hứng mỗi khi vượt qua một thử thách. Trên Facebook, nhiều người vui vẻ đăng tải những bức ảnh thành quả sau mỗi lần chơi, thậm chí, họ còn tạo ra nhiều video "chế" hài hước về trò chơi chú chim bay qua ống nước đang rất "hot" này. Đặc biệt hơn, tác giả của Flappy Bird là một chuyên gia phát triển game người Việt mới 29 tuổi với nguồn kinh phí hạn hẹp.
Thành công ngoài mong đợi và số tiền 50.000 USD mỗi ngày
Nguyễn Hà Đông chia sẻ: "Flappy Bird là một trong số các trò chơi tôi tạo theo một phong cách thiết kế hơi kỳ quặc, có phần hơi ngông khi đi hầu như ngược lại những nguyên lý về thiết kế trò chơi. Sự thành công của nó đã phần nào giải đáp được câu hỏi của tôi là liệu những gì mình làm có đúng".
Anh chia sẻ thêm: "'Flappy Bird dẫn đầu bảng xếp hạng thực sự là nằm ngoài dự đoán của bản thân. Tất nhiên là tôi cảm thấy vui và tự hào về trò chơi của mình, cũng như rất cảm kích cộng đồng đã đưa Flappy Bird trở thành một trong những trò chơi kinh điển trên điện thoại".
Ngoài sự nổi tiếng ngoạn mục, nguồn thu khổng lồ mà trò chơi này đem về cho Nguyễn Hà Đông cũng là đề tài được quan tâm. Tuy là một trò chơi miễn phí nhưng có thể mang lại khoản lợi nhuận từ quảng cáo. Đông từ chối tiết lộ doanh thu của ứng dụng trên báo chí, nhưng đưa ra mức so sánh tương đương. Đó là trò Paper Toss năm 2010 với 47 triệu lượt tải đã thu về 500.000 USD mỗi tháng nhờ quảng cáo. Còn theo một số chuyên gia, ứng dụng này có thể thu về 50.000 USD mỗi ngày (tương đương một tỷ đồng) hoặc nhiều hơn nữa.
Theo công thức tính của Google, với 50 triệu lượt tải, giả sử 10% (5 triệu) là người chơi hằng ngày, số lần quảng cáo hiển thị đầy đủ với mỗi người trong ngày là 15 (tương đương 75 triệu lượt tất cả). Tỉ lệ người dùng click vào quảng cáo là 0,4% (lý tưởng), như vậy có khoảng 300.000 lượt click quảng cáo một ngày. Tại Anh, Mỹ, Google trả mỗi click quảng cáo là 0,2USD (còn những nước có thu nhập thấp hơn như Việt Nam là 0,02 USD). Với cách tính trên, tổng thu nhập của nhà phát triển ứng dụng trong một ngày sẽ là 60.000 USD.
Đối với tiền tính dựa trên lượt hiển thị, mỗi 1.000 lần quảng cáo được hiển thị đầy đủ, nhà phát triển ứng dụng như Hà Đông nhận về từ 0,1 đến 1 USD. Cũng với cùng số người chơi hằng ngày trên (5 triệu), mỗi người xem trung bình 10 quảng cáo trong quá trình chơi (xuất hiện khi mở game và "chết mạng") thì tổng tiền cũng có thể lên tới vài chục nghìn USD.
Một chuyên gia viết ứng dụng khác cho biết, đối với trò chơi miễn phí, Google trừ 30% doanh thu quảng cáo, chỉ trả cho người phát triển ứng dụng là 70%. Do đó, để có 50.000 USD thực nhận về tài khoản, doanh thu quảng cáo thực nhận của Flappy Bird phải lớn hơn nhiều. "Tuy chưa thể sánh ngang Candy Crush, Angry Birds - những ứng dụng thu về hàng trăm nghìn USD mỗi ngày, nhưng con số 50.000 USD cho Flappy Bird cũng rất khó tin", chuyên gia này nói.
Doanh thu khủng được tiết lộ của Flappy Bird cũng khiến dư luận đặt ra câu hỏi về thuế thu nhập đối với tác giả. Theo bà Đặng Thị Bình An, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH tư vấn thuế C&A, hiện việc đánh thuế những trường hợp này được áp dụng theo Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, người nhận phải tự khai, tự quyết toán thuế. Mức đóng thuế được tính lũy tiến, trong đó tỉ lệ cao nhất là 35%. Tuy nhiên, cơ chế hiện nay là cá nhân phải tự khai, tự nộp nên cơ quan thuế cũng khó kiểm soát hết việc nộp thuế có đầy đủ hay không.
Chuyên gia viết game có tính cách đặc biệt
Nguyễn Hà Đông bắt đầu phát triển game từ khi còn là một sinh viên tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Trong 4 năm, số lượng game đã thiết kế của Nguyễn Hà Đông lên tới gần 30. Đông cho biết, anh từng nhận được một số giải thưởng về phát triển game và trải qua khá nhiều công ty phát triển game trong và ngoài nước. Thời điểm này, Đông làm việc tại một công ty phát triển game, đã bán được một số trò chơi nhưng chỉ đủ tiền để nuôi sống bản thân.
Cha đẻ của Flappy Bird hiện sống tại Hà Đông (Hà Nội) cùng với gia đình. Theo một số người hàng xóm, Đông là người sống khá kín tiếng, ít giao lưu với mọi người trong xóm, dưới Hà Đông còn một người em trai kém vài tuổi.
"Dù bố mẹ của Hà Đông tính tình dễ chịu, thoải mái nhưng Đông lại khá kín đáo, ít khi giao tiếp với ai, tính khép kín, rụt rè. Không những thế, anh chàng này còn ít khi ra phố, thời gian hầu hết dành ở trong nhà và thỉnh thoảng mới ra ngoài một chút. Đông hay để đầu cua và có có thói quen một tuần đi cắt tóc 1-2 lần liền", một người hàng xóm vui vẻ chia sẻ.
Nói về Flappy Bird, ít ai ngờ được, trò chơi này lại chỉ được tác giả viết trong chưa đến 3 ngày. Ra mắt từ tháng 5/2013 nhưng trò chơi chỉ bắt đầu phổ biến ngay sau sinh nhật Nguyễn Hà Đông tháng 11/2013 và liên tiếp gia tăng số lượng người tải về trong những ngày sau đó. Flappy Bird trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất tại Apple Store trong tháng 1 năm nay và trở thành một hiện tượng "khó hiểu" trong làng game.
Đông kể khoảng từ tháng 11/2013, số lượng tải game tăng gấp đôi mỗi ngày. “Có người chơi ở Mỹ chia sẻ cả trường đang chơi, từ trường này sang trường khác. Có lẽ Flappy Bird hot chủ yếu do may mắn vì thực ra game này không mới, chỉ là cách làm khác đi", chàng trai 29 tuổi cho biết. Có nhiều công ty đã đưa ra đề nghị mua lại bản quyền trò chơi này nhưng Đông đều từ chối.
Sau khi trò chơi trở nên quá nổi tiếng, ngày 10/2, anh bất ngờ tuyên bố gỡ ứng dụng này khỏi Apple Store. "Danh tiếng bất giờ sẽ làm đảo lộn cuộc sống của bất kỳ ai", Đông nói. Tác giả Flappy Bird không muốn bị làm phiền, bị quan tâm quá mức mà "chỉ muốn yên ổn để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê là phát triển ứng dụng".
Ngoài Flappy Bird, Nguyễn Hà Đông còn hai trò chơi khác cũng nằm trong top 10 Apple Store là “Super Ball Juggling” và "Shuriken Block" với vị trí thứ 2 và thứ 6. Đây là thành tựu không ngờ với bất cứ chuyên gia phát triển game nào, đặc biệt là với một chàng trai người Việt.
Xem video chơi trò Flappy Bird:
SuZi Nguyễn tổng hợp