- Việc công ty Thế giới giải trí của anh đầu tư dự án 2 tỷ đồng gây ra sự nghi ngờ đây là thủ pháp tự lăng xê. Anh nói sao?
- Công ty của tôi có một tham vọng, đó là luôn dẫn đầu trong mọi xu hướng âm nhạc và tạo ra sản phẩm giải trí cho giới trẻ. Muốn dẫn đầu thì phải tạo ra được đột phá. Bỏ ra một số tiền lớn không hẳn là đột phá. Sự đột phá nằm trong cách sử dụng món tiền ấy. Kinh doanh nghệ thuật phải chịu đầu tư lớn, không chỉ phần nghe mà cả phần nhìn, không tiên liệu được lời giải cuối cùng, bạn có mạnh dạn bỏ tiền nhiều như vậy không?
Nếu so sánh với công ty hay ca sĩ làm đĩa manh mún, có vẻ Thế giới giải trí đang mạo hiểm. Nhưng quyết định này có từ kinh nghiệm trước đây: đầu tư lớn để có chất lượng đĩa tốt nhất, bìa album đẹp nhất. CD của Ưng Hoàng Phúc bán kỷ lục đến 60.000 đĩa, H.A.T. cũng đạt con số 30.000. Thế giới giải trí thu được lợi nhuận thật từ việc bán CD. Thế nên lần này, tôi mạnh dạn đầu tư lớn hơn.
![]() |
Bầu sô Quang Huy. |
- Đã tự đặt mình vào thế phải giải bằng được bài toán kinh doanh trong thị trường nhạc trẻ hiện nay, anh có thể nói rõ điểm nút khó khăn là ở khâu nào?
- Ngay từ hồi Thế giới giải trí mới ra đời, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Ca sĩ Việt Nam quá giỏi (họ tự thân vận động, vừa đi hát vừa ra album đều). Đạo diễn Việt Nam thông minh (chỉ với 10-30 triệu mà cũng dựng được video-clip). Nhạc sĩ Việt Nam nhạy bén, tài năng. Vậy tại sao nhạc trẻ Việt Nam không cất cánh. Điểm nút vướng mắc chính là công nghệ và phương pháp tổ chức, thực hiện để cho ra đời một sản phẩm cuối cùng. Các nhân tố giỏi, tài năng, thông minh kể trên phải được phối hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh.
Về công nghệ, Hàn Quốc và Hong Kong đã đi trước ta khá xa. Họ không tự nghĩ ra tất cả đâu. Họ học tập từ Mỹ. Vậy tại sao ta không học tập kinh nghiệm từ họ? Bỏ 2 tỷ đồng lần này, coi như tôi đang giải bài toán chất lượng, đầu tư kinh doanh và cũng là học hỏi công nghệ.
- Chơi nhạc kiếm tiền từ năm 13 tuổi, đi học quay phim, lập phòng thu, kinh doanh quán bar thất bại, rồi lại quay về với âm nhạc, trở thành bầu sô. Cuối cùng là mở công ty Thế giới giải trí năm 21 tuổi. Những thăng trầm ấy cho anh kinh nghiệm nào quý giá?
- Tôi rút ra được kinh nghiệm đơn giản: Để thành công, hãy làm những gì khán giả thích. Muốn làm khán giả Việt Nam thích thì ý tưởng của sản phẩm âm nhạc phải do nghệ sĩ Việt Nam thực hiện. Ý tưởng ở đây do tình cảm, tâm tư nhạc sĩ, ca sĩ quyết định. Tất nhiên vẫn không được quên vận dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của nước ngoài.
- Anh được xem như người khơi mào cho dòng ca khúc "hát - nói" có ca từ bình dân. Nó đã đưa Ưng Hoàng Phúc lên đến đỉnh cao ăn khách. Hiện tại, dòng ca khúc này đang biến tướng, hạ thấp gu thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ. Anh nghĩ gì?
- Tôi mở màn trào lưu này xuất phát từ mục tiêu kinh doanh: Sản phẩm âm nhạc phải có bản sắc riêng. Gọi nôm na là "hát - nói", thật ra đó là những ca khúc pop ballad, dùng ngôn ngữ đời thường để làm ca từ.
Tôi xác định những ca khúc của Thế giới giải trí là những tâm sự, những câu chuyện thật được kể một cách giản dị thông qua âm nhạc. Tuy nhiên, không được đi quá xa thành ra dung tục. Nhưng khi Ưng Hoàng Phúc quá thành công, hàng loạt ca sĩ và người sáng tác chạy theo trào lưu này. Những ca khúc hàng chợ, chất lượng bát nháo ra đời. Tôi đi tiên phong nên bị quy tội cũng dễ hiểu.
- Ca từ đang là một vấn đề nổi cộm trong các sáng tác nhạc trẻ gần đây. Ở vị trí của nhạc sĩ, rồi nhà sản xuất, ý kiến của anh thế nào?
- Tôi thường ngạc nhiên tự hỏi vì sao nhạc trẻ ở nước mình luôn phải câu nệ vào những cái chuẩn xưa cũ. Chẳng hạn, hát phải tròn vành rõ chữ, ca từ phải là một bài thơ... Trên thế giới, người ta đã bỏ những cái chuẩn kiểu này từ lâu lắm rồi. Ca sĩ có thể hát nhiều cách, miến là nghe được và có bản sắc.
Ca từ có nhiều dòng, nhiều loại, đáp ứng nhiều đối tượng khán giả. Hãy để cho thị trường được quyền lựa chọn. Hãy để cho khán giả có nhiều loại "thức ăn" âm nhạc khác nhau. Hãy tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh. Không nên quá thành kiến đề cao dòng nhạc khác rồi đòi hỏi âm nhạc phải quay về quá khứ. Tôi tin vào quy luật thị trường, sản phẩm nào dở rồi sẽ bị đào thải.
- Để thành công trong làng nhạc, anh phải là người đa mưu túc trí và luôn trong tư thế cạnh tranh?
- Tôi từng thất bại khi tham gia vào lĩnh vực bên ngoài âm nhạc. Tôi hiểu, âm nhạc chính là lãnh địa của mình. Vì thế tôi luôn xác định mình phải trở thành một "kẻ chuyên nghiệp". Tôi có một câu nói nằm lòng: Nếu con linh dương không chạy nhanh, sẽ làm mồi cho sư tử. Nếu sư tử không chạy nhanh sẽ chết vì đói. Khi thua cuộc, hãy nhìn lại chính mình chứ không nên trách móc người chiến thắng.
Trong kinh doanh, tôi quan niệm chơi tấn công tốt hơn là phòng thủ. Khi mình tự thỏa mãn dừng lại, đối thủ vẫn lớn lên, có thể mình sẽ bị đè bẹp. Hoạt động trong lĩnh vực nào cũng phải vận động không ngừng là vì thế.
- Những người kinh doanh thường có chút mê tín. Anh lại đeo ở tay một chiếc vòng cẩm thạch, trông khá lạ. Anh có thể nói một chút về điều này?
- Tôi không mê tín nhưng cũng kiêng cữ theo truyền thống dân gian. Tôi tin vào tử vi, tin nhân quả. Tôi đeo chiếc vòng cẩm thạch này để nhớ một tháng ăn chay 4 ngày, cầu bình an sức khỏe cho bố mẹ mình.
Tôi yêu quý gia đình. Những gì tôi có hôm nay đều từ truyền thống gia đình mà nên. Niềm đam mê âm nhạc là từ bố và anh Hà. Mẹ truyền cho tôi sự hứng thú với hình ảnh vì bà là một phóng viên truyền hình. Khả năng quản lý tài chính tôi cũng ảnh hưởng từ mẹ.
- Sống trong làng nhạc, ngay cả tên công ty cũng là Thế giới giải trí. Vậy sao anh lại tự nhận mình là một người phong kiến trong cách sống?
- Quả thật, tôi ít bày tỏ tình cảm. Các mối quan hệ của mình tôi cũng kín đáo. Tôi thích khán giả nhớ đến nghệ sĩ bằng hiệu quả nghề nghiệp hơn là những chuyện cá nhân riêng tư.
Tôi thường yêu cầu ca sĩ của Thế giới giải trí hạn chế la cà, không giao tiếp bừa bãi. Ngay cả ăn mặc tôi cũng muốn ca sĩ có hình tượng đẹp, không hở hang.
(Theo Thế Giới Văn Hóa)