- Tại sao anh lại chọn hãng NHK của Nhật Bản để hợp tác cùng làm phim?
![]() |
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. |
- Việc hợp tác này không phải từ phía tôi. Theo kế hoạch của NHK, cứ 2 năm một lần họ sẽ tìm kiếm những đạo diễn trẻ trong khu vực châu Á để cùng hợp tác làm phim. Họ hỗ trợ một phần vốn (37-42%) giúp các đạo diễn có thêm điều kiện để thực hiện ý tưởng của mình. May mắn là họ biết đến tôi qua một số phim trước đó nên lần này chọn tôi cùng làm phim.
- "Sống trong sợ hãi" được làm theo phương pháp thu thanh đồng bộ. Có những khó khăn gì khi thực hiện kỹ thuật này?
- Đây là lần đầu tiên Hãng phim truyện I thực hiện thu thanh đồng bộ. Thực ra khi quyết định cũng là rất liều vì chính tôi cũng chưa biết cụ thể hiệu quả của nó ra sao. Hơn nữa phương pháp này đòi hỏi phải tốn kém nhiều thời gian và kinh phí. Chúng tôi phải mất hơn 2 tháng để hoàn thành bộ phim này trong khi thông thường chỉ cần 2/3 thời gian đó. Tất cả ê-kíp thu thanh hoàn toàn là người Việt Nam. Anh em vừa làm vừa tự nghiên cứu, mày mò để đạt hiệu quả tốt nhất.
Vì là thu thanh trực tiếp nên đòi hỏi mọi người phải làm việc chuyên nghiệp hơn, nghiêm túc hơn. Khi quay hoàn toàn phải yên tĩnh. Chỉ riêng việc tạo được một không gian im lặng đã là rất khó rồi. Dù đã cố gắng nhưng trong phim vẫn còn đôi chỗ lẫn tạp âm. Song tôi có quan điểm, thà âm thanh hơi "bẩn" một chút mà sống động thì vẫn hơn. Những cảnh đào xới, cưa bom, mìn nổ hấp dẫn hơn, thật hơn nhờ thu thanh đồng bộ. Có những đoạn nếu không dùng kỹ thuật thu đồng bộ thì không đạt được tinh thần của đạo diễn. Cũng vì thế mà tôi tin vào sức sống của phim.
- Vậy đâu là những điểm không tốt?
- Thực ra tiến độ làm phim rất khẩn trương, gấp rút. Vì thế bản thân tôi chưa có đủ độ "lùi" để nhìn lại, chưa đủ tỉnh táo để nhận ra ngay đâu là hiệu ứng xấu.
- Trong phim có nhiều cảnh về đời sống vợ chồng của nhân vật nam chính. Anh có dụng ý gì khi đưa vào phim những cảnh rất "đời" như thế?
- Tôi hoàn toàn không có ý định dùng những cảnh nhạy cảm đó để câu khách. Tôi chỉ thấy nó thực sự cần thiết và có ý nghĩa cho bộ phim. Khi mà anh Tải (nhân vật chính của phim) hàng ngày đi gỡ mìn, không biết sống chết ra sao thì cũng chính là khi anh ta thèm khát được sống. Anh ta sợ, rất sợ không còn được ở bên vợ con nữa. Thế nên anh ta khát khao đời sống vợ chồng là điều đơn giản. Tôi muốn nhấn mạnh sức sống mãnh liệt của những con người nơi mảnh đất miền Trung khắc nghiệt này, bản năng sinh tồn mạnh mẽ và con người nhất.
|
Một cảnh trong phim. |
- Chi tiết hai bà vợ của nhân vật chính cùng mang thai, cùng sinh nở một thời điểm tại cùng một bệnh xá có ý nghĩa thế nào?
- Đó là chi tiết vui một chút nhưng cũng là chi tiết thực. Chỉ có một cái bệnh xá trong phạm vi nhà của hai người nên họ đành phải đi đẻ chung một chỗ. Hơn thế thêm một lần nữa tôi muốn khẳng định sức mạnh của sự sinh sôi.
- Khi xem phim, nhiều người đoán được anh sẽ để cho nhân vật Năm Đực chết khi đi gỡ mìn. Vì sao anh lại để lộ ý đồ như vậy sẽ ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của phim?
- Hấp dẫn của phim không nằm trong kịch tính mà nằm trong tinh thần, không khí mà phim đã làm được. Tôi không có ý định gài bẫy hay đánh lừa khán giả để khiến mọi người phải bất ngờ vì cái chết của ai đó trong phim. Thậm chí tôi còn cố tình để khán giả nhận ra và bám theo diễn biến đó.
- Sau buổi chiếu ra mắt này, điều gì làm anh hài lòng nhất?
- Điều hạnh phúc nhất là mọi người đã chấp nhận bộ phim, nán lại xem đến những thước phim cuối cùng. Thú thực đây là một bộ phim khó xem, diễn biến chậm. Nếu như khán giả không ham thích điện ảnh và không yêu mến thì chắc hẳn buổi chiếu đã không được thành công. Trong phim không nhiều diễn viên nổi tiếng. Đặc biệt diễn viên nam chính là một gương mặt rất mới mẻ. Nhưng họ đều làm cho tôi thấy sung sướng vì những gì đã thể hiện. Những diễn viên nhí diễn rất hay và đáng yêu. Tất cả cho tôi nhiều cảm xúc đẹp.
Mỹ Dung thực hiện