Sự thành công ngoài sức tưởng tượng của cả hai ca khúc Bà tôi và Giọt sương bay lên đã đem lại cho Tiến không ít bất ngờ, nhất là những "hệ quả" của nó.
![]() |
Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến. |
Ca từ của Bà tôi được cất lên từ miệng một em bé hoặc một cụ già, cái câu "héo mòn một xâu" trở thành câu cửa miệng của nhiều bạn trẻ khi gặp một "sự cố" nào đó... điều đem đến những sự cảm động và những xúc cảm riêng cho Nguyễn Vĩnh Tiến.
Tất nhiên, những thành công ấy đi kèm không ít áp lực, đó là việc phải vượt qua được chính mình trong những tác phẩm tiếp theo. Song, dường như bất cứ khi nào Tiến cũng cảm thấy tự tin vào nội lực của chính mình.
Hơn nữa, sau khi đem hai "đứa con" tham gia Bài hát Việt, Tiến có thêm nhiều kinh nghiệm về việc hoàn thiện một bài hát trong cả một chuỗi công đoạn của nó, anh cũng có thêm nhiều người bạn "pro" và nhiều sự kết hợp mới. Điều đó có nghĩa là, trong một thời gian không xa, những người thích nhạc Nguyễn Vĩnh Tiến lại có lý do để chờ đợi những tác phẩm mới của anh.
Nhiều người đánh giá nhạc của Nguyễn Vĩnh Tiến là thứ nhạc dân gian đương đại. Tiến thích cái ý đó. Và mặc dù người ta còn đang tranh cãi rất nhiều về cái từ "đương đại" rối rắm, Tiến nghĩ một cách đơn giản: Đương đại là một sức sống đang trôi song hành với chúng ta. Hay nói như triết gia Pháp Berson: Đương đại là một "đà sống".
Và trong những phút mình tự đối diện mình một cách sòng phẳng nhất, Tiến vẫn biết mình quả có hơi nghiêng về quá khứ.
Nguyễn Vĩnh Tiến đến với Bài hát Việt với tư cách là một nhạc sĩ không chuyên. Những người nghe Bà tôi và Giọt sương bay lên đều nghĩ anh viết dễ dàng. Tiến không phủ nhận điều đó. Có những lúc anh viết rất đột ngột và thăng hoa, lại có lúc ấp ủ nghĩ suy và phải mất một thời gian rất dài mới hoàn thành tác phẩm.
Có nhiều giai điệu đẹp hình thành ngay khi anh đang đi trên đường và Tiến phải lập tức "ký âm" bằng chiếc điện thoại di động. Trong những trường hợp đó, ca từ đành phải "lẽo đẽo theo sau". Có những bài hát anh chỉ hoàn thành trong vòng nửa tiếng. Ngược lại, có những bài ám ảnh anh tới 10 năm ròng.
Có người đã sợ anh bỏ thơ. Nhiều người thân Nguyễn Vĩnh Tiến vẫn nhớ câu chuyện ở Ngày hội thơ Rằm tháng Giêng tại Văn Miếu: nhà thơ Trúc Thông tìm gặp anh bằng được chỉ để nói: "Tiến ơi, cháu đừng bỏ thơ nhé". Khi ấy, Nguyễn Vĩnh Tiến chỉ cười: "Bọn cháu cưới hỏi đàng hoàng từ hơn chục năm nay, dễ gì mà li dị được, cô ấy (tức Nàng thơ) còn hấp dẫn lắm"... Ngay chính những người sành nhạc cũng phải công nhận: chính vì Tiến đã qua một thời gian dài "rèn chữ" cho nên ca từ của anh đều rất ổn.
(Theo Tiền Phong)