Dự định về một chuyến chinh phục nóc nhà Đông Dương trước tuổi già ấp ủ từ lâu nhưng cứ bận bịu với lịch ăn chơi dày đặc, rốt cuộc cách đây gần một năm, sau khi tranh thủ xem những ngày nghỉ lễ trong năm và nhân lúc giá vé máy bay book sớm được rẻ, vậy là tôi quyết định rủ cả nhóm dành dịp lễ 30/4 và 1/5 để leo Fansipan.
Biết là đi dịp lễ sẽ đông đúc, chật chội và đắt đỏ… nhưng cả nhóm đành phải chấp nhận bởi được cái này thì mất cái kia, cuộc sống vốn dĩ cho ai tất cả mọi thứ bao giờ. Và lại, cả nhóm đều nghĩ rằng lễ lộc người ta đi chơi thư giãn là chính chứ cũng không nhiều người thích hành xác giống mình nên cứ vậy mà book tour leo núi rồi "quất" tới luôn.
Lịch trình của nhóm vạch ra là bay ra Hà Nội, chơi đến tối lên tàu ngủ, sáng sớm hôm sau tới Lào Cai đi xe lên Sapa. Từ Sapa, tour leo núi sẽ bắt đầu và sẽ nghỉ trên núi 2 đêm sau đó về lại Sapa rồi xuống Lào Cai để lên tàu ngủ, sáng kế tiếp đến Hà Nội rồi chờ đáp chuyến bay trưa về lại TP HCM.
Vậy là trưa thứ bảy, hơn chục đứa “khoái được hành xác” vác ba lô ra phi trường để đáp máy bay đến Hà Nội. Tới thủ đô là xế chiều, cả nhóm đón xe bus về khu phố cổ lang thang ăn uống, ngồi café chờ đến 9h tối lên tàu đi Lào Cai. Do không ngủ đêm ở khách sạn suốt chuyến nên cả nhóm book tàu nằm để ngủ được thẳng giấc. Ai nấy đều nghĩ đến chặng đường leo núi phía trước nên chẳng thèm thức để đánh bài mà đều lo ngủ. Lần đầu tiên nhóm đi chơi mà không đánh bài trên tàu, nhưng đó là điều cần thiết bởi phải dành sức lực cho chặng đường gian nan ở những ngọn núi xa kia.
Tàu đến Lao Cai trễ hơn lịch trình 1 tiếng đồng hồ, chẳng biết vì lý do gì nữa. Ra khỏi sân ga là xe của tour leo núi đón chúng tôi lên Sapa ngay và đến nơi là quá 8h sáng. Cả nhóm được bên tổ chức tour leo núi cho mượn phòng tắm để tắm rửa, vệ sinh cá nhân, sau đó đi ăn sáng và lại lên xe để đến Trạm Tôn, điểm xuất phát của chuyến đi theo lộ trình dễ nhất dành cho dân không chuyên.
Do sức lực của thành phần tham gia trong nhóm không đồng đều nên lịch trình ban đầu chúng tôi chọn là 3 ngày 2 đêm: leo từ Trạm Tôn lên điểm 2.200m ăn trưa, sau đó tiếp tục leo đến điểm 2.800m nghỉ đêm. Hôm sau xuất phát đi lên đỉnh rồi quay về lại điểm 2.800m ăn trưa rồi xuống 2.200m nghỉ đêm và sáng hôm sau quay về Trạm Tôn nghỉ ngơi rồi lại lên tàu về Hà Nội. Tuy lịch ban đầu là vậy nhưng cuối cùng chúng tôi lại rút ngắn thời gian nghỉ ở đây còn 1 đêm, sau đó về Sapa ở 1 đêm, lý do vì sao thì tôi sẽ viết tiếp sau.
Đỉnh Fansipan là thử thách ngày càng nhiều người trẻ muốn chinh phục. |
Đoạn đường của chặng đầu tiên khá dễ, nói là dễ vì đường đi không mấy dốc hoặc có dốc nhưng không khó leo và tôi nghĩ nó như là đoạn đường mở ra để dụ người ta leo Fan vậy. Chặng này đi qua những con suối, những tán rừng xanh um với những cây cổ thụ to bám đầy rong rêu nơi gốc rễ. Lúc chúng tôi ở đoạn này trời có nắng nhẹ, vậy nhưng sương mù cũng bao phủ quá trời nhiều. Con suối mát chảy dài và những tán cây xanh ven suối cùng với những đám sương đặc kín càng làm cho cảnh rừng trưa thêm đẹp. Thi thoảng có những bụi tre xanh cao rũ xuống hay những cành cổ thụ xanh mướt là đà làm cho chúng tôi cảm giác không thấy chút mệt nào và cứ hào hứng mà đi đến trạm nghỉ 2.200m độ cao.
Do leo trễ nên đến 1h chiều chúng tôi mới đến trạm 2.200m. Bữa trưa đơn giản giữa núi rừng chỉ là nắm cơm vắt, gà nướng, trứng gà luộc… Vậy mà ngon lành hết sẩy. Ăn để có sức mà đi, uống để khỏi thiếu nước nên ai cũng tranh thủ mà bỏ vào bụng những thứ cần thiết để chúng nuôi dưỡng cơ thể cho chặng đường dài phía trước. Ăn xong nghỉ ngơi một chút, cả nhóm lại bắt đầu vác balô lên đường tiếp tục cho một chặng đường gian nan đến điểm dừng 2.800m độ cao.
Trời nơi núi rừng nắng mưa bất chợt lắm, chúng tôi bắt đầu thấy nhún lạnh bởi những cơn mưa lún phún bắt đầu rơi sau khi qua một đoạn dài có nắng vàng, trời xanh thăm thẳm. Dù đi qua công ty tổ chức leo núi, họ lo cho túi ngủ, đồ ăn… nhưng ai cũng mang theo những đồ dùng cá nhân riêng trong balô của mình. Có leo rồi mới thấy khi leo núi, 100 gram nếu vứt bỏ đi được cũng sẽ bỏ đi vì cứ càng nhẹ càng tốt. Và đoạn đường gian nan đã bắt đầu xuất hiện, những cái dốc cao kinh khủng mà chẳng có đường leo, chỉ có những cục đá nằm lên nhau buộc người leo phải tự tìm điểm bám víu để đưa cơ thể lên hoặc xuống đã làm những người nghiệp dư đi leo núi như chúng tôi hết sức nhọc. Cái balô tôi mang vì ham hố, đem theo quá nhiều vật dụng cá nhân như máy chụp hình, pin dự phòng, đèn pin, chăn cá nhân, gối… tổng cộng hơn 7 kg đã trở thành gánh nặng trên vai mình. Có thể nhờ người vận chuyển vác với giá 150.000 đồng nhưng tôi không vì tiếc tiền đó mà là muốn mình tự vác nên đã để nó trên vai suốt quãng đường dài cho đến khi lên đỉnh và lúc leo xuống điểm xuất phát luôn. Nỗ lực, hít thở đều, nghĩ đến điểm 2.800m gần kề, chúng tôi cuối cùng cũng đã vượt qua mấy ngọn đồi với con đường cheo leo đầy dốc cao, lắm sình lầy do mưa nặng hạt, để rồi đến trạm 2.800m ăn tối và nghỉ đêm lúc đồi núi xung quanh đã bị bóng tối bao trùm.
Tùy vào sức lực mỗi người nên chúng tôi chia thành các tốp tới điểm dừng khác nhau. Tôi và hai người nữa luôn nằm trong tốp đầu tiên cán đích. Trời bắt đầu rơi nặng hạt. Cả đám trú đêm trong cái lều dài dựng dã chiến dưới chân núi. Mỗi người một túi ngủ, một cuộn giấy vệ sinh, muốn đi nặng nhẹ gì thì cứ tìm bụi chui vào mà giải quyết. Cái lều thấp tè, mấy chục con người chen chúc như cá mòi xếp lớp, ăn cũng ở đó, ngủ cũng chính tại nơi vừa ăn. Trời cứ mưa rơi lộp độp trên đầu, gió cứ từng cơn rít ngoài kia, màn đêm thì bao trùm, sình lầy nhão nhẹt xung quanh, nhiệt độ xuống lạnh tê tái. Ăn bữa tối rất đạm bạc cũng phải ráng mà nuốt vào cho có sức để ngày mai vào sáng sớm, cả bọn sẽ leo tiếp lên đỉnh để chinh phục ngọn núi cao nhất Đông Dương.
Chưa bao giờ tôi bị ở bẩn như vậy và hôm ấy là lần đầu rơi vào cảnh ấy. Ăn tối xong cũng không có nước đánh răng vì nước trong chai để dành mà uống chứ đánh răng phí quá. Muốn qua chỗ cái hồ chứa nước suối ở láng kia thì phải qua một bãi sình nhão nhẹt trên mắt cá mới được, mà nước thì lạnh như nước đá, vậy nên ăn xong, ráng mò ra ngoài lều đội mưa hứng gió mà tranh thủ xách đèn pin đi tè một phát rồi nhanh chóng vào lại lều, chui trong cái túi ngủ chắc cả năm chưa giặt mùi ẩm mốc kia, cố mà chợp mắt để sáng hôm sau dậy lên đỉnh Fansipan.
Mưa cứ rả rích từng đợt, gió thì cứ gào thét ngoài kia rít lên từng cơn cả đêm làm lều trại rung lên bần bật. Cả đám phải cố gắng mà ngủ, cứ chợp mắt được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu để lấy sức ngày mai mà “lên đỉnh”.
Lều dã chiến dựng ở chân núi để ăn uống và nghỉ đêm. |
Có lẽ lần ở bẩn nhất tại điểm 2.800m ấy sẽ không bao giờ phai nhạt trong trí nhớ của cả nhóm. Leo cả ngày quần áo lấm lem bùn đất, mồ hôi ra rít rịt, ăn uống ngay trên chỗ mình ngủ, ăn xong không súc miệng đánh răng mà vẫn để y vậy trùm chăn mà ngủ. Kinh hơn là sáng ra tờ mờ đã bị bát mỳ gói đưa ngay trước mặt bắt phải ăn sáng để kịp giờ leo núi. Vậy là phải đánh răng súc miệng bằng bát mỳ, rửa mặt bằng miếng khăn giấy ướt. Rồi chưa kể chuyện mùi khó chịu từ các đôi vớ của mấy anh chàng khuôn vác chui vào lều dọn dẹp chén đĩa sau khi ăn khiến cả trại muốn phát ói, hay kinh dị hơn là mùi trong cơ thể chui ra sau cả ngày toàn nạp vào mà không cho ra. Nói chung là rất dễ sợ. Giờ ngồi đây viết lại và nghĩ tới mà tự phục mình, phục không phải vì mình đã leo được lên đỉnh Fansipan mà là phục sao mình đã ở bẩn kinh dị như vậy!
Sau khi "súc miệng" xong bằng bát mỳ gói, chúng tôi lại trùm quần áo lạnh, áo mưa, đi tất ni lông vào và mang ba lô tiếp tục leo chặng đường còn lại để lên đỉnh. Trời sớm mai ở núi cao đã lạnh rồi lại còn mưa tầm tã nữa mới xui xẻo cho cả nhóm chứ. Mưa cả đêm hôm qua như chưa đã, sáng nay trời lại tiếp tục dội những đợt nước lạnh tanh như đá xuống những con người nghỉ lễ nằm banh càng coi phim ở nhà không sướng mà lại ham hố đi hành xác nơi chốn núi rừng. Trên đầu thì nước mưa, dưới chân thì sình lầy, dốc đá trơn trượt, những thử thách ấy đã thêm vào để chuyến đi thêm gian nan và khổ cực hơn. Lên dốc, xuống dốc, hết trèo rồi bò, gặp những người đi lên đỉnh từ 3 - 4h sáng quay về, hỏi ai cũng bảo chỉ còn 20 phút nữa, cố lên. Cứ đi hết 20 phút rồi hỏi người khác cũng nghe câu trả lời y chang vậy, mãi rồi thành ra quen luôn. Khi chúng tôi đã leo lên đỉnh, lúc trở xuống lại gặp những người đi lên hỏi còn bao xa nữa, chúng tôi cũng bắt chước những người đi trước mà trả lời dối trá "còn 20 phút nữa" để họ cảm thấy quãng đường họ còn gần mà cố leo tiếp lên.
Sau hơn 2 tiếng đội mưa đạp bùn từ trạm 2.800m, hơn 9h sáng tôi cùng hai người bạn trong tốp đầu đã chạm đến đỉnh Fansipan. Cảm giác mình vượt quảng đường dài để lên đến đỉnh đã xua tan đi cái mệt nhọc của chặng đường đã qua. Ba anh em hét to và nhờ chụp vài tấm hình kỷ niệm cùng với cột mốc của đỉnh trong cái lạnh tê tái của núi cao, của mưa rừng lất phất và của gió mạnh bay thốc vào như muốn cuốn chúng tôi đi. Trên đỉnh lúc đó thật lạnh. Tóc tôi bắt đầu có những giọt sương giá bám vào thành hạt. Trời lạnh kinh khủng đến nỗi tôi không thể cởi áo khoác ra để chụp hình với chiếc áo đỏ chuẩn bị mặc sẵn vào rồi. Hai hàm răng đánh vào nhau lập cập, cầm máy hình mà run không chụp nổi. Mây mù và sương giá kéo sà thấp che kín khung cảnh xung quanh chẳng cho chúng tôi nhìn thấy được quang cảnh hùng vĩ bên dưới từ đỉnh cao gì cả. Nhưng vậy cũng vui rồi vì mình nghiệp dư, mang tiếng là còi vậy mà đã leo được lên đến nóc nhà Đông Dương rồi thì còn gì bằng chứ nhỉ? Cố hứng thêm cái lạnh chút nữa để chen nhau ngắm đỉnh của ngọn núi cao nhất vùng Đông Dương và sau đó thay đôi tất khô, chỉnh trang lại quần áo, ba lô để bắt đầu xuống núi.
Sau đêm ngủ lại chẳng được bao nhiêu ở trạm 2.800m, tôi đã thay đổi ý định là sẽ không ở lại thêm đêm kế tiếp ở trạm 2.200m như dự định ban đầu nữa mà sẽ xuống luôn dù biết sẽ rất mệt lắm đây vì phải leo xuống liên tục 8h đồng hồ để về lại Trạm Tôn. Nửa đường xuống tôi gặp những người trong tốp 2 của nhóm và bàn như vậy, tưởng bị từ chối nhưng không ngờ ai cũng cùng chung ý với tôi là sẽ leo xuống, không ở lại thêm đêm thứ hai bởi ai cũng ớn với cảnh dơ bẩn và ngủ không được của đêm hôm rồi. Vậy là bắt đầu chúng tôi từ từ xuống núi. Đi lên đã cực, đi xuống lúc trời mưa trơn trượt lại càng khổ hơn. Trọng lượng cơ thể dồn hết vào mấy đầu ngón chân khi xuống làm cho 2 ngón chân cái tôi tê nhức và về đến Trạm Tôn là bầm tím 2 móng chân cái luôn! Đó là vết thương duy nhất trên cơ thể trong chuyến đi chinh phục đỉnh Fansipan còn in dấu lại, để rồi giờ đây khi nhìn xuống 2 ngón chân cái bị bầm tím móng là nhớ ngay đến chuyến đi hành xác của mình.
Xuống đến trạm 2.800m, chúng tôi ăn vội bữa trưa là tô cơm với miếng trứng chiên, sau đó lại tiếp tục vượt quãng đường rất nhiều dốc cao và trơn trượt của những tảng đá đầy rêu phủ để về trạm 2.200m mất hơn 3 tiếng đồng hồ. Dừng trạm 2.200m nghỉ một chút, uống nước lấy sức và lúc này trời đã tạnh mưa, đâu đó nơi sườn núi có nắng vàng lấp ló rồi nên cũng đỡ. Thế nên đoạn đường từ trạm 2.200m xuống đến điểm xuất phát là Trạm Tôn chúng tôi không gặp nhiều khó khăn về thời tiết, nhưng do sức đã cạn nên bước chân ngắn lại, hai ngón chân cái của tôi bắt đầu đau hơn do bầm, nhưng cũng phải cố mà lê bước, vượt qua những con dốc lên xuống, băng qua con suối mát rượi để rồi khi nghe được tiếng xe chạy ngoài phía xa kia, cả nhóm bắt đầu ré lên sung sướng vì đã sắp kết thúc hành trình.
Bò lên con dốc cuối, Trạm Tôn hiện ra trước mặt, mấy anh em nhảy cỡn lên vì sung sướng. Tôi thì tháo liền đôi giày ra để nhìn 2 ngón chân cái bầm tím của mình ra sao rồi vứt luôn đôi giày giải phóng cho đôi chân và ngồi uống nước chờ xe chở về Sapa ăn tối.
Sau đó hơn 1 tiếng, nhóm thứ hai của chúng tôi cũng về tới và khâm phục nhất là em gái yếu nhất trong nhóm, đã vượt rừng vào ban đêm cùng với người khuôn vác đi cùng về đích cuối cùng lúc 10h đêm. Quả là em có ý chí và tinh thần cao nhất. Hi vọng em vượt qua thử thách này rồi thì những thử thách khác trong cuộc sống em và mọi người sẽ vượt qua một cách nhẹ tênh thôi, phải không?
Khi lên đến đỉnh Fansipan, cảm giác vui sướng xua tan sự mệt nhọc của quãng đường đã qua. |
Khép lại chuyến đi Fansipan, tôi thấy mình có thêm những trải nghiệm mới và tự phục lấy bản thân mình đã vượt qua được quãng đường đèo dốc khó khăn như vậy. Tôi phục mình một thì phục cho các em chân yếu tay mềm trong nhóm gấp 10 lần bởi họ chỉ là những cô gái, chàng trai dân văn phòng hàng ngày chỉ biết máy tính, điện thoại chứ không phải trâu bò như mình. Nhưng rốt cuộc cũng đã vựơt qua được chặng đường khó khăn giữa thời tiết mưa lạnh như vậy. Có thể đối với những người khác, việc leo Fan chỉ là chuyện nhỏ, chỉ là bình thường nhưng với anh em chúng tôi, đó là thử thách lớn, là gian nan khó khăn và là quãng đường núi rừng kinh khủng nhất mà chúng tôi đã từng trải qua. Với chúng tôi, leo Fan không chỉ là sức khỏe, độ dẻo dai mà quan trọng hơn cả là ý chí vượt qua thử thách để đạt đến thứ mình muốn.
Ai đó còn trẻ, nếu muốn thử thách ý chí và sức dẻo dai của mình thì theo tôi, hãy leo Fan một lần trong đời để có những trải nghiệm thật đáng nhớ!
Đã có vô số kinh nghiệm của nhiều người leo núi chuyên nghiệp, riêng tôi có vài thứ xin chia sẻ đối với những người leo núi nghiệp dư:
- Trang phục: nên mang quần áo loại vải dù mỏng nhẹ, ấm, ít thấm nước và mau khô. Đoạn đầu leo chút sẽ nóng nên chỉ cần mặc gọn nhẹ, không cần mặc tùm lum ngay từ đầu mà có thể mang short, áo thun mỏng là được.
- Giày: nên mua giày lính bán ở chợ Dân Sinh chỉ 100.000 đồng/đôi chứ đừng phí giày xịn. Giày lính đi độ bám rất cao.
- Nên mang theo nhiều tất (tất vải loại dài và cả tất nilon chống thấm nước) cũng như bao tay để thay khi bị ướt vì thời tiết ở núi mưa nắng thất thường lắm.
- Nên leo theo chương trình 2 ngày 1 đêm là đủ vì ở thêm trên núi sẽ rất mệt và chán.
- Nên mang theo máy ảnh loại nhỏ gọn nhất cho nhẹ.
- Nhờ người khuân vác chặt cho một cây trúc nhỏ làm gậy để dễ leo hơn.
- Đèn pin, áo mưa, dầu gió, băng dán cá nhân, thuốc đau bụng, cảm...
- Không cần mang theo đồ thay, chỉ cần một bộ trong người và thêm cái áo thun nữa cho 2 ngày 1 đêm là đủ rồi.
- Nên chịu tốn thêm chút đỉnh mà book qua công ty tổ chức tour leo núi để tránh việc mất công thuê khuân vác, mang theo lều trại, túi ngủ, thức ăn... vì nếu tự mang theo, cho dù mướn người khuân vác nhưng khi lên đến trạm nghỉ là tất cả đã mệt rồi, ai sẽ lo dựng trại cho? Ai sẽ lo dọn đồ ăn uống cho?...
- Chocolate, kẹo ngậm, nước tăng lực... luôn mang theo để cung cấp năng lượng cho cơ thể.
- Tinh thần là quan trọng nên cứ thoải mái từ từ mà leo, hít thở thật sâu, đừng nghỉ dọc đường quá nhiều.
Thiện Nguyễn