Mai Thanh Hải. |
Con một quan chức Bộ Thương mại bị điều tra |
Điều tra vụ quý tử 'chạy' quota |
Ngày 28/9, Công an thành phố Hà Nội đã chuyển giao hồ sơ vụ án nhận hối lộ liên quan đến Mai Thanh Hải (chuyên viên Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Thương mại, con trai Thứ trưởng Mai Văn Dâu) cho Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an để tiếp tục làm rõ thêm đường dây “chạy” quota.
Phần lớn các doanh nghiệp (DN) hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu đều không thoát được cái sự chung chi bất đắc dĩ cho một số mối ở các cơ quan quản lý nhà nước để mua lấy cái thuận tiện cho công việc làm ăn của mình. Thế nhưng, ai cũng “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chẳng ai dám lên tiếng tố cáo những sự chung chi ấy. Nhưng “chiếc kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, chẳng có điều bí mật nào có thể giữ mãi...
Khoảng quý III/2003, một người đàn ông mang đầy ắp bức xúc đến gặp thư ký của một vị lãnh đạo cao cấp. Ông bày tỏ sự bất bình về một số đối tượng liên quan đến việc môi giới “chạy” quota cho các DN dệt may, trong đó, theo ông ta biết thì đã có trường hợp DN phải chung chi cả bạc tỷ chỉ để mong có được quota vài chục nghìn tá sản phẩm đi Mỹ. Sự việc có dấu hiệu đặc biệt nghiêm trọng nên ngay lập tức được báo cáo đến các cấp có thẩm quyền. Một cuộc điều tra của các cơ quan chức năng bắt đầu...
Cũng khoảng thời gian này, theo Tuổi Trẻ, đã có những dư luận về một đường dây “chạy” quota liên quan đến một số cán bộ ở Bộ Thương mại. Hàng loạt vụ án bị phát hiện và đưa ra xử lý trong năm 2002-2003 đã dần hé mở những thông tin ban đầu về đường dây này, nổi lên là vụ nhập khẩu linh kiện xe máy ở miền Trung và vụ nhập khẩu ôtô nguyên chiếc ở Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Việt An (Nghệ An)...
Cuối 2003, trong lúc nhiều DN dệt may trong nước đang bối rối về việc xin quota xuất hàng đi Mỹ và EU, Công ty Q., một công ty liên doanh sản xuất hàng dệt may giữa ba đối tác người Mỹ, Hàn Quốc và VN, có nhà máy tại Gia Lâm, Hà Nội (hiện Công ty Q. đã đổi tên thành Công ty P.), đã tìm được một “chân gỗ” có khả năng giúp họ tháo gỡ khó khăn. Theo “chân gỗ” này, ông ta có quan hệ thân thiết với một chuyên viên của Vụ Xuất nhập khẩu - Bộ Thương mại, đồng thời là con trai của một vị lãnh đạo bộ, do vậy có thể “nhờ vả” để giúp Công ty Q. có được số hạn ngạch cần thiết...
Trước tiên phải nói đôi chút về “chân gỗ” - đó là ông Đ.V.Q., giám đốc một công ty TNHH ở Hà Nội. Sở dĩ ông Q. quen biết lãnh đạo Công ty Q. vì công ty ông đã từng tham gia vận chuyển hàng hóa của Công ty Q. ra nước ngoài nhiều lần. Biết Q. quan hệ rộng và đặc biệt chơi thân với Mai Thanh Hải, con trai thứ trưởng Mai Văn Dâu, hiện làm việc tại Vụ Xuất nhập khẩu, bà M.H., phó giám đốc Công ty Q., đã cùng anh trai là ông N.Đ.C. đến gặp Q. nhờ tác động với Hải để “chạy” giúp quota hàng dệt may đi Mỹ. Trước đó, hồ sơ của Công ty Q. đã được gửi tới Bộ Thương mại, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, ban lãnh đạo Công ty Q. biết là khó có thể trông chờ đủ số quota cần thiết theo con đường chính thức này.
Sau khi có lời nhờ vả của Công ty Q., ông Q. đã trao đổi với những người nào đó và sau đó thông báo lại cho bà H. rằng Mai Thanh Hải đã đồng ý nhận lo giúp quota với giá 1-1,4 USD trên 1 tá sản phẩm. Có nghĩa là nếu Q. và Hải lo được cho Công ty Q. khoảng 70.000-100.000 tá sản phẩm như đặt hàng, phía Công ty Q. phải trả cho hai người này 70.000-140.000 USD.
Để chắc cú, ngày 9/6/2003, Q. yêu cầu đại diện của Công ty Q. mang tiền đến đưa cho Q. tại phố Đông Kim Ngưu (trụ sở công ty của Q.). Đích thân phó giám đốc M.H. và anh trai đã đến đưa cho Q. 1,5 tỷ đồng. Chiều hôm sau, khi đang đi cùng mấy người bạn, Q. đã lấy 510 triệu đồng trong số 1,5 tỷ đồng mà Công ty Q giao để đưa cho Mai Thanh Hải.
Lẽ ra sự việc đã xuôi chèo, mát mái, nhưng hơn một tuần sau đó, theo công bố của Bộ Thương mại, Công ty Q. chỉ được cấp hạn ngạch cho 28.000 tá sản phẩm (chưa được một nửa số họ dự kiến xin), trong đó chỉ có 23.000 tá sản phẩm cat nóng và 5.000 tá sản phẩm cat thường. Thông qua Q., Công ty Q. đã đòi Mai Thanh Hải trả lại số tiền ứng trước. Hải chỉ trả hơn 150 triệu đồng, còn lại gần 360 triệu coi như đã dùng để “chi phí” lo được 28.000 tá sản phẩm nói trên.
Vì vậy lãnh đạo công ty này đã làm đơn khiếu nại gửi tới Bộ Thương mại. Sự việc chưa hết ầm ĩ thì phía Công ty Q., trực tiếp là bà phó giám đốc M.H., còn tìm đến tận nhà riêng ông thứ trưởng Bộ Thương mại ở phố Liên Trì, quận Hoàn Kiếm để “kể tội” ông con. Dùng dằng mãi, đến tận cuối tháng 8/2003, thông qua ông Đ.V.Q., Hải mới trả nốt số tiền cho Công ty Q. để đổi lại việc đại diện công ty này thôi kiện Hải tới các cơ quan chức năng.
Những dư luận không tốt về Mai Thanh Hải đã có từ lâu nhưng chưa bao giờ được kiểm tra, xử lý. Sự liên quan của Mai Thanh Hải đối với đường dây “chạy” quota của nguyên vụ phó Lê Văn Thắng như thế nào, còn có ai khác hợp sức với Hải để chạy quota cho Công ty Q và nhiều DN dệt may khác... sẽ sớm được cơ quan chức năng làm rõ.