Sâm Ngọc Linh thứ thiệt, loại 5-6 tuổi. |
Sâm Ngọc Linh là một sản phẩm thảo mộc cực kỳ quý hiếm ở Việt Nam, tên khoa học Panax vietnamensis. Nó chỉ sống ở độ cao 1.600-2.000 m. Thảo mộc này có công dụng tăng lực, bảo vệ gan, phục hồi tim mạch... Giá mỗi kg có thể lên tới 14 triệu đồng. Ấy vậy mà ở Đà Lạt, tại khu vực có tên là Vườn Thương, người ta đã trồng một thứ cây cũng được gọi là “sâm Ngọc Linh”, giá bán chỉ 500.000-800.000 đồng/kg.
Câu nói cửa miệng “khó như trồng sâm!” của các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu dược liệu đã mất ý nghĩa nếu như thứ cây trồng ở Vườn Thương quả thật là sâm. Cây mọc rất dễ dàng mà không phải chăm sóc kỳ công gì. Chủ nhân khu vườn, ông Trần Xuân Toàn (trú ở phường 3, TP Đà Lạt), cho biết vụ này ông thu hoạch được 3 tấn "sâm Ngọc Linh". Sân nhà ông phơi đầy củ "sâm". Trong nhà, trên các kệ hàng, loại củ này được đóng thành từng bịch 5-10 củ, giá mỗi bịch 50.000-70.000 đồng (sâm Ngọc Linh ở Kon Tum giá tối thiểu 100.000-150.000 đồng/củ). Nếu mua cân thì giá là 500.000-800.000 đồng/kg. Ông Toàn cũng ngâm củ và quả "sâm" với rượu, bán với giá 60.000 đồng/lít.
Trong các bịch "sâm" có mảnh giấy ghi: “Sâm Ngọc Linh - panax VN - sâm khu 5 - nhân sâm VN”. Tờ nhãn này cũng ghi công dụng là “tăng lực, hồi phục sức lực bị suy giảm, kích thích nội tiết sinh dục, giải độc và bảo vệ gan, điều hòa tim mạch, chống xơ vữa động mạch, giảm đường huyết”, bên dưới có tên tiến sĩ Võ Văn Chi (chuyên gia hàng đầu về cây dược liệu ở Đông Nam Á, tác giả cuốn từ điển Cây thuốc Việt Nam).
Sâm Vườn Thương được trồng sơ sài như trồng sắn. |
Sau khi quan sát tỉ mỉ tất cả những gì liên quan đến cây "sâm" ở Vườn Thương, ông Lê Ngọc Triệu, người chuyên nghiên cứu về cây sâm Ngọc Linh của Viện Dược liệu, khẳng định đây không phải là sâm Ngọc Linh. Sâm Ngọc Linh có hình dạng lá kép chân vịt, màu luôn xanh đậm, mướt, mỗi năm rụng lá một lần. Cây chỉ hình thành một củ duy nhất trong suốt đời sinh trưởng, củ luôn mềm, dai, mọng nước, có mùi thơm đặc trưng, hình khối nhỏ, hình dạng cong cong, có ngấn đốt. Phải mất 3-4 năm củ sâm mới dài bằng ngón tay út, thường sau 10 năm mới thu hoạch.
Trong khi đó, cây "sâm" Vườn Thương có lá đỏ au, tươi tốt quanh năm, nếu gãy cành là lộc nảy lại ngay. Một gốc ra rất nhiều củ; từ thân cây đến củ đều hóa mộc, lại suôn đuột, ngửi không có mùi thơm, bẻ sái cả tay cũng chưa cong gãy. Chỉ trồng hơn một năm, củ đã dài cả chục phân, có củ dài 20 cm, đường kính 1,5-2 cm. Ông Triệu cho rằng, loại củ này đã "mạo danh" sâm Ngọc Linh.
Còn giáo sư Võ Văn Chi, người được ghi tên trong nhãn hàng của "sâm" Vườn Thương, cho Tuổi Trẻ biết ông không liên quan gì đến chuyện này. Giáo sư chưa hề đặt chân đến Vườn Thương và cũng chưa mục kích thứ củ nơi đây trồng ra.
Nhãn hàng trong bịch "sâm" nhà ông Toàn có dòng chữ: "SĐKCL: YTLĐ:345/98-SĐKKD:4201000017 ngày 21-2-2002". Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Đỗ Văn Chính cho biết đó là số đăng ký được cấp cho sản phẩm bánh kẹo mang tên Vĩnh Thành chứ không liên quan gì đến sâm. Ông cũng khẳng định rằng đến nay, Sở chưa hề cho phép trồng và phổ biến sâm Ngọc Linh ở Lâm Đồng.