Quán nhậu vỉa hè với “mồi” bình dân và rượu độc luôn đông khách. |
Sau khi 11 người (trong đó đã xác định danh tánh 9 người) ở An Giang bỏ mạng vì uống phải rượu có nồng độ methanol quá cao, các ngành chức năng mới chợt nhận ra rằng, từ bấy lâu nay, hoạt động của các lò nấu rượu và thị trường tiêu thụ rượu đế chẳng được ai quan tâm.
Theo cách làm rượu truyền thống, gạo, nếp sau khi nấu thành cơm rồi ủ với men 7-10 ngày, sau đó mới nấu thành rượu. Nếu hoạt động suốt từ sáng sớm đến chiều tối thì mỗi lò chỉ có thể nấu được khoảng 15-20 lít rượu. Trung bình 10 kg gạo, nếp sẽ nấu được một mẻ rượu khoảng 7 lít rượu “gốc” và 5 lít rượu “ngọn”. Hai thứ rượu này pha trộn với nhau sẽ cho thành một loại rượu có độ vừa phải giá khoảng 5.000 đồng/lít. Như vậy, sau khi trừ tiền gạo (40.000 đồng/10 kg), người nấu chỉ có thể lời được 20.000 đồng.
Thế nhưng hiện nay, trước nhu cầu uống rượu như... uống nước nên người nấu và người bán rượu cứ “vô tư” pha chế các loại hóa chất vào rượu. Một chủ lò rượu nổi tiếng ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh long, đã “gác kiếm” cách đây 10 năm, tiết lộ, hiện nay hầu hết các lò rượu đều cho cồn công nghiệp vào cơm và men để tăng tốc độ lên men rượu. Nấu xong, người ta tiếp tục áp dụng “công thức”: rượu gốc + nước lã + cồn công nghiệp = rượu “nguyên chất”. Khi đem đến bỏ mối lại cho các điểm bán lẻ, chủ quán lại tiếp tục pha thêm một lượng cồn và nước vào rượu “nguyên chất” để gọi là “quán em lúc nào cũng không thiếu rượu”. Như vậy, khi... vào ruột gan của người tiêu dùng, người ta đã bỏ 3 lần cồn vào trong rượu.
Một người nấu rượu tên Hinh còn cho biết, thay vì phải đem gạo, nếp kết hợp với men để nấu thành rượu, ông lấy cồn công nghiệp pha với nước lã để có được... rượu đế nhiều loại rồi đem bỏ mối cho các quán, với giá 3.000-3.500 đồng/lít. Cứ 10 lít cồn đem đi pha với 30 lít nước sẽ thu được 40 lít “rượu”. Nếu muốn có màu sắc như rượu thuốc, thì “quậy” thêm nước màu và một ít thuốc Bắc vào. Còn nếu muốn có được rượu nếp, dùng cồn thơm thay cho cồn bình thường để tạo cảm giác... thơm miệng cho dân nhậu. Sau đó, những loại rượu... chết người này được “đóng chai” bằng những vỏ chai nước suối hết sức bẩn thỉu (loại 250 ml) và dán lên dòng chữ bằng giấy photocopy “Rượu đế Gò Đen chính hiệu”. Rùng rợn hơn nữa là các chai nước suối dùng để đựng rượu được ông Hinh cho biết là do đám con nít trong xóm nhặt được từ các thùng rác công cộng hoặc tại các... bãi rác đem về bán lại cho ông.
Theo Người Lao Động, mặc dù những ngày qua, báo chí liên tục thông tin về những cái chết “bí ẩn” ở An Giang có liên quan đến rượu pha nồng độ methanol vượt quá 300 lần, nhưng các quán nhậu rượu đế, đặc biệt là các quán lề đường ở khu vực ĐBSCL vẫn tấp nập khách. Tại TP Cần Thơ, “phố thịt cầy” Trần Văn Hoài lúc nào cũng đông nghẹt khách. Khi được hỏi có nghe qua thông tin về những trường hợp tử vong vì rượu có độc tố hay chưa, một dân nhậu tên Công béo, đang ngồi nhậu ở quán thịt cầy, hỏi ngược lại chúng tôi: “Thôi đi, hồi nào tới giờ có cái mả nào ghi... chết vì uống rượu chưa?”.
Ông Lê Thành Bé, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân (An Giang), cho biết sau khi Viện Vệ sinh y tế công cộng (Bộ Y tế) tại TP HCM có kết luận chính thức về những cái chết “bí ẩn” có liên quan đến độc tố trong rượu, chính quyền địa phương đã niêm phong các lò nấu rượu và thu gom tất cả nguồn rượu đang bày bán lẻ tại các quán để tiếp tục đưa đi xét nghiệm.
Tuy nhiên, cái khó mà ông Bé cho biết là trong mấy ngày qua, những người bán rượu không rõ nguồn gốc từ địa phương khác vẫn cứ ngang nhiên chạy xe vào địa bàn thị trấn Phú Mỹ để bán lẻ đến từng hộ dân, nên chính quyền địa phương rất khó kiểm soát.