Thời gian qua, trên mặt báo và các diễn đàn bàn tán không ngớt về CD Thằng mõ 1: Cái nường 8x của Ngọc Đại bởi một số ca khúc có chứa ngôn từ được cho là "dâm", "tục" như: giao hợp đi, phóng đạn tinh trùng.... Ghé thăm nhà vị nhạc sĩ này thuê ở đường Tô Ngọc Vân (Hồ Tây), ông tỏ ra vui vẻ bởi nhờ có sự tranh luận này mà đĩa nhạc của ông trở nên "nóng", "sốt" và đắt hàng. Trong 3 ngày nay, ông đón tiếp đến hơn 20 nhà báo đến hỏi chuyện, ai đến cũng mua cho ông một vài đĩa vì tò mò và muốn hiểu hơn về sản phẩm âm nhạc gây sốc này. Ngọc Đại nói, lúc khỏe, ông có thể ngồi trả lời phỏng vấn, nhưng có lúc mệt vì căn bệnh tiền đình và cao huyết áp, ông nằm giường trả lời phóng viên. Cũng có hôm mệt quá, ông cáu gắt, đuổi cả nhà báo để yên tĩnh nghỉ ngơi.
Nhạc sĩ Ngọc Đại vui vì nhờ cuộc tranh luận trên báo chí mà CD "Thằng mõ: Cái nường 8X" bán chạy. Ảnh: Khánh Paradise. |
Buổi trò chuyện của Ngọc Đại và phóng viên Ngoisao.net liên tục bị ngắt quãng bởi cứ 15 phút ông lại nghe điện thoại khán giả đặt mua CD. Ông hớn hở lấy cuốn sổ nhỏ và cây bút từ trong túi xách và ghi cẩn thận tên, số lượng đĩa khách hàng yêu cầu. Ngọc Đại khoe, số lượng 1.000 đĩa ông in đã bán gần hết, trong nhà bây giờ chỉ còn vài chục cái. Cũng vì người mua đặt hàng quá nhiều nên nhạc sĩ đã phải in thêm 1.000 CD nữa để bán. Ông sung sướng: "Tôi thỏa mãn lắm rồi vì khoản nợ vay bạn bè để làm đĩa đã trả hết từ tuần trước, tiền lãi bây giờ đã có chút đỉnh. 36 bài trong loạt CD Thằng mõ 1,2,3,4 được tôi thu trong 11 ngày, mỗi ngày mất 600.000 đồng tiền thuê phòng thu. Mỗi bài hát phối khí cũng mất 5 triệu, đó là chưa kể đến 24 triệu tiền sản xuất".
CD Thằng mõ: Cái nường 8X được Ngọc Đại bán với giá 150.000 đồng, nhưng có người bỏ ra đến 5 triệu để mua. Bạn bè trong giới văn nghệ cũng ủng hộ cho hoàn cảnh của nhạc sĩ, như nhà văn Hữu Ước mua 10 đĩa với giá 10 triệu đồng, đạo diễn Doãn Hoàng Giang mua với giá 1 triệu đồng/1 CD. Ông còn bán 200 CD qua Pháp, 80 cái qua Canada. Tuy nhiên, điều khiến Ngọc Đại xúc động đến mức không thốt lên lời là việc có một khán giả mang tặng ông cây đàn dương cầm mới của Đức. Ông nói về người đặc biệt này: "Anh ta không giàu, sống không thoáng, làm nghề lên dây đàn để kiếm sống và là học trò của Đỗ Hồng Quân. Sau khi nghe mọi người nói về Thằng mõ với rất nhiều ý kiến trái chiều, anh ta bảo, không bàn đến tài năng thì Ngọc Đại là người thực sự lao động nghệ thuật. Anh ta trân trọng sự sáng tạo của tôi và ngỏ ý mang tặng cây đàn cho tôi viết nhạc. Đây là cây đàn piano cơ mới cứng của Đức. Với tôi, cây đàn như 'nữ hoàng âm nhạc' mà cả đời tôi mơ ước. Trước đây, Lê Cát Trọng Lý cũng tặng tôi cây piano điện cho tôi làm việc". Ngọc Đại kết luận: "Nói chuyện này để thấy rằng, đừng nên khinh thường công chúng. Những người có tâm sẽ nhìn thấy sự lao động của tôi để hiểu và sẻ chia. Có lẽ, đó chính là năng lượng mà Thằng mõ làm được".
Cây đàn dương cầm Ngọc Đại mới được khán giả tặng. Ảnh: Khánh Paradise. |
Với Ngọc Đại, cuộc gặp gỡ của ông với thơ Nguyễn Đình Chính, Bùi Chát là một cái duyên định mệnh. Tất nhiên, cuộc gặp ấy càng thầm thì, đau thương bao nhiêu vì sự "văng" càng đi xa bấy nhiêu. Khi thực hiện CD Thằng mõ, ông đã sẵn sàng chọn cho mình cái chết bởi ông hiểu rõ, ngôn từ "dung tục" trong 8 bài hát gồm Cánh đồng cỏ khô, Ngũ sắc, Chọn một ngày, Thông điệp hoa hồng, Nàng thơ gõ cửa, Vĩnh biệt, Có những ngày, Khuyến mại tình dục, Cái nường 8X, ẩn chứa thông điệp "nhạy cảm" mà không phải ai cũng dám nói lên: "Đó là sự phẫn nộ về xã hội quá nhiễu nhương, trong khi con người vô tình, chịu đựng sống qua ngày. Tôi chỉ muốn cảnh tỉnh họ và khuyên họ hãy đối xử tử tế hơn với nhau".
"Đọc thơ của Nguyễn Đình Chính và thơ của Bùi Chát, tôi thấy sao mà chua xót quá. Nỗi đau đớn trong từng câu chữ đã chai sạn và dường như một hôm dở trời, nó bỗng... mưng mủ và bật ra. Người ta chỉ đọc qua lời rồi nói nó tục tĩu mà không bóc tách hết tầng lớp ý nghĩa ở trong đó. Nó là cảm giác ngoài nghệ thuật, thậm chí là phi mỹ học, phi cảm xúc... chỉ còn sự nôn ọe. Cũng giống như việc tôi không bao giờ muốn nôn trước mặt người tôi yêu, nhưng lúc đó làm sao tôi có thể kìm chế. Trong nghệ thuật, chúng ta có những phút giây như thế", Ngọc Đại trầm ngâm.
Chuyện báo chí bàn tán, ông mặc kệ, chuyện của cơ quan chức năng đòi thu hồi CD, ông không quan tâm bởi thời điểm làm dự án Đại - Lâm - Linh, ông cũng từng vấp phải nhiều phản đối, thậm chí người ta gọi ông là "thằng điên".
"Tôi tự nhận mình là thằng mõ, tôi chỉ nói tiếng nói tự do của chính tôi. Khi đói, tôi làm đĩa và đi bán chứ không tặng ai". Nhưng ông biết, những khán giả mua đĩa cho ông chưa chắc vì thích âm nhạc của Thằng mõ bởi với họ Dệt tầm gai, Hoa gạo, Nhật thực vẫn là những tác phẩm quen tai. Họ mua vì cảm thông cho hoàn cảnh sống của ông mà thôi. Ông cười buồn bởi 6 năm qua, không nhà sản xuất, tổ chức nào mời ông làm việc. Thi thoảng có bạn bè mời ông viết nhạc trả tiền 15- 20 triệu nhưng ông từ chối vì không thích. "Nó giống như lúc tôi đói, người ta đưa cơm cho ăn nhưng tôi không thể nuốt được mà phải nhè ra".
Khi hỏi về sự ra đời của CD Thằng mõ, Ngọc Đại nói, nửa năm nghiền ngẫm tập thơ Chẹc chẹc của Nguyễn Đình Chính, ông mới "cảm" được hết và phổ nhạc cho những câu chữ mà lâu nay giới nghệ vẫn cứ bàn ra, tán vào vì sự táo bạo trong ngôn từ. Bản thân Nguyễn Đình Chính từng phản đối Ngọc Đại, thậm chí gia đình nhạc sĩ cũng rất lo lắng và khuyên ông nên dừng lại sản phẩm này.
Ông tâm sự: "Vợ nghệ sĩ Nhất Lý, người cố vấn âm nhạc và thu âm cho CD này của tôi khuyên chồng không được, tức giận bỏ nhà đi ở chỗ khác. Nhất Lý cương quyết giúp tôi, nói với vợ rằng nếu không đồng ý thì sẵn sàng bỏ nhẫn cưới. Con trai và con gái tôi thì quyết liệt hơn, thông báo với mẹ tôi và nhờ bà xuống nói khuyên can vì sợ tôi sẽ vào tù. Tôi nói với mẹ rằng: Đó là cảm xúc của con, nếu mẹ cấm con không có cảm xúc thì sinh ra con làm gì? Nói thật là tinh thần của tôi lúc đó bất an lắm chứ không tự tin như bây giờ. Tôi viết nhạc trong sự sợ hãi và tôi phải vượt qua rào cản đó để hoàn thành sản phẩm. Tôi cũng chịu rất nhiều sự đe dọa nhưng tôi không sợ vì tôi là thằng không có gì trong tay".
Quỳnh Như